Người khiếm thị và cơ hội kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Đào tạo kinh doanh trực tuyến

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, vào ngày 1/12 cho biết Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Trung tâm Dạy nghề, thuộc Hội Người mù thành phố Hà sẽ tổ chức Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến cho 22 học viên người khiếm thị trong 4 tháng, với sự tài trợ của của Chính phủ Nhật Bản.

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen công bố chương trình này tại Hội thảo “Cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp cho người khuyết tật trên nền tảng công nghệ số để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19”, nhân Ngày quốc tế về Người khuyết tật, 3/12.

Bà Caitlin Wiesen phát biểu tại hội thảo và được Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam dẫn lời rằng “Với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, UNDP và các đối tác liên quan đã và đang tổ chức nhiều hội thảo và đào tạo việc làm kỹ thuật số dành cho người khuyết tật thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, góp phần giúp họ hòa nhập vào nền kinh tế năng động của Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

000_Mvd6717159.jpg
Ảnh minh họa. Người khiếm thị (phải) cùng làm việc với người sáng mắt (trái). Hình chụp ở Buenos Aires, Argentina ngày 25/9/15. AFP

Bà Caitlin Wiesen đồng thời cũng nhấn mạnh rằng UNDP cam kết sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam; giúp giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt, bao gồm vượt qua khoảng cách kỹ thuật số ngày càng tăng trong bối cảnh COVID-19.

Người khiếm thị và công nghệ kỹ thuật số

Thầy giáo Trần Bá Thiện, cựu giảng viên Đại học Văn Lang thành phố Hồ Chí Minh, và là người có đóng góp rất lớn trong lĩnh vực công nghệ vi tính cho cộng đồng người khiếm thị ở Việt Nam, vào tối ngày 2/12 lên tiếng với RFA rằng về mặt tinh thần thì ông rất ủng hộ Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến dành cho 22 học viên người khiếm thị mà UNDP vừa thông báo.

Tuy nhiên, xét về tính chuyên môn, thầy giáo khiếm thị Trần Bá Thiện cho rằng ông không thể nhận xét hay đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của chương trình đào tạo này như thế nào đối với cộng đồng người khiếm thị tại Việt Nam.

Qua quá trình làm việc nhiều năm với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ (NGOs) trong các dự án hỗ trợ cho người khiếm thị tại Việt Nam, thầy giáo Trần Bá Thiện ghi nhận Cơ quan Phát triển Nhật Bản JICA rất giỏi trong lĩnh vực đào tạo cho người khuyết tật ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Và, nếu như JICA tài trợ cho Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến cho người khiếm thị thì là một yếu tố quan trọng cho chương trình này được thành công.

Nếu như chương trình đào tạo lĩnh vực mới này được phát triển rộng rãi trong cộng đồng người khiếm thị thì đây cũng là một ngành nghề mới trong xu hướng xã hội gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc làm của người khiếm thị; nhất là việc đi lại bị vướng nhiều chi phí…Nếu có được công việc làm trực tuyến thì là một cu hướng mới để cho người khiếm thị có thể tiếp cận dễ dàng hơn-Anh Dương Chí Hùng

Mặc dù vậy, thầy giáo Trần Bá Thiện cho rằng:

“Về mặt chuyên môn thì đây là một dự án khá mới đối với hai tổ chức Hội người mù Việt Nam và UNDP. Theo như tôi thì ‘kinh doanh trực tuyến’ có khá nhiều thử thách nên không biết kết quả (của chương trình đào tạo) sẽ ra sao. Hội người mù Việt Nam cũng có đơn vị đào tạo vi tính. Nhưng về tính chuyên môn thì không phải là đơn vị chuyên môn nhất tại Việt Nam. Chuyên về vi tính cho người mù phải kể tên Trung tâm Sao Mai. Đây là đơn vị sản xuất ra thông tin, phần mềm và tài liệu nhiều nhất. Thường thì Hội người mù Việt Nam sử dụng lại những tài liệu có sẵn để đáp ứng thôi. Thật sự, để đánh giá thì tôi cũng không thể nhận xét được toàn diện vì tôi cũng chưa xem qua được chương trình dạy những gì và họ có nghiên cứu ‘kinh doanh trực tuyến’ cần những điều gì và giải quyết vấn đề kỹ thuật như thế nào”.

Việc đào tào “online business”, được dịch sang tiếng Việt là “kinh doanh trực tuyến” cho người khiếm thị ở Việt Nam, được thầy giáo Trần Bá Thiện cho biết đã thực hiện từ dự án đào tạo vi tính hồi năm 2009, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Là người đưa ra những ý tưởng về việc làm trực tuyến cho người khiếm thị, thông qua vi tính là công cụ để người khiếm thị hòa nhập với xã hội một cách hiệu quả và năng động nhất, thầy giáo Trần Bá Thiện ghi nhận tại Việt Nam, công ăn việc làm của người khiếm thị trong vòng một thập niên qua nổi bật là kinh doanh ngành nghề massage và các công ăn việc làm trực tuyến.

Anh Dương Chí Hùng là một người khiếm thị sinh sống bằng công việc dạy tiếng Anh và nhạc công, thường đăng tải giới thiệu những sản phẩm để bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội Facebook.

Vào tối ngày 2/12, anh Hùng chia sẻ với RFA rằng anh chỉ lan tỏa thông tin phụ giúp cho bạn bè, chứ không phải là công việc kinh doanh bán hàng trực tuyến của chính mình. Anh Hùng lý giải:

“Làm về kinh doanh kỹ thuật số trực tuyến thì rất là tốt. Tuy nhiên, người khiếm thị gặp trở ngại trong vấn đề về hình ảnh như quay phim, chụp ảnh và tiếp xúc, tiếp cận hàng hóa được tốt nên đôi khi không có tự tin trong vấn đề này. Lo ngại giới thiệu hàng hóa không chính xác.”

Thầy giáo Trần Bá Thiện, luôn đồng hành với cộng đồng người khiếm thị tại Việt Nam ghi nhận:

“Nghề ‘online business’ rất ảm đạm. Trên thực tế sau gần 10 năm từ 2011 đến nay thì số người mù có thể kinh doanh online được rất là ít. Tôi thấy doanh số mà từ doanh nghiệp do họ trực tiếp quản lý thường cũng ít ỏi lắm.”

Thách thức và kỳ vọng

Thầy giáo Trần Bá Thiện cho biết người khiếm thị buôn bán hàng trực tuyến thì gặp trở ngại không ít về khâu đầu vào là tìm kiếm và lựa chọn nguồn hàng cũng như khâu đầu ra về giao hàng miễn phí cho khách hàng khi mà có sự cạnh tranh rất lớn giữa những người bán hàng trực tuyến.

Liên quan việc làm trực tuyến, thầy giáo Trần Bá Thiện cũng từng kêu gọi và thuyết phục các doanh nghiệp tạo điều kiện công ăn việc làm cho người khiếm thị. Thế nhưng trong thực tiễn làm việc, người khiếm thị cũng gặp nhiều thách thức.

“Người sáng mắt không hiểu được người mù. Họ thường đưa ra những đề nghị mang tính áp đặt lên thói quen của người mù, làm cho những người mù bị trở ngại. Ví dụ, họ cho rằng như thế này mới tốt và tại sao lại làm như thế kia? Họ không biết cách mà người mù đang làm là cách tốt nhất rồi. Họ cứ bắt người mù làm theo cách của họ. Đôi khi nhiều đề nghị không đúng, mà không làm theo thì họ giận và không hợp tác với người mù nữa.”

Thử thách và khó khăn không phải do người mù không đủ năng lực hay trình độ vi tính của người mù kém mà chính là do vấn đề thiết kế các trang web của xã hội chưa đạt tiêu chuẩn. Thành ra người khiếm thị bị hạn chế rất nhiều về lĩnh vực ‘việc làm trực tuyến’. Tôi hy vọng đây sẽ là thêm một tiếng chuông nữa để cộng đồng xã hội có những điều chỉnh và cải tổ trong vấn đề thiết kế web, làm sao để tiếp cận web được tốt hơn và làm sao để quyền tiếp cận thông tin của người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung được cải thiện nhiều hơn ở Việt Nam thì việc làm trực tuyến dành cho họ mới phát triển được-Thầy giáo Trần Bá Thiện

Một số doanh nghiệp lớn tạo lập ra nhóm nhân viên người khiếm thị phụ trách “online marketing” hoặc chăm sóc khách hàng. Tuy vậy, nhóm nhân viên này cũng bị trở thành nhóm cục bộ và không không có điều kiện phát triển.

Thách thức lớn nhất đối với người khiếm thị trong lĩnh vực làm việc trực tuyến là công nghệ thông tin thay đổi liên tục và mỗi lần thay đổi như thế, họ đều phải tìm kiếm những sự hỗ trợ về kỹ thuật, mà tại Việt Nam vấn đề này chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thầy giáo Trần Bá Thiện nhấn mạnh về khó khăn trọng yếu này:

“Tức là thử thách và khó khăn không phải do người mù không đủ năng lực hay trình độ vi tính của người mù kém mà chính là do vấn đề thiết kế các trang web của xã hội chưa đạt tiêu chuẩn. Thành ra người khiếm thị bị hạn chế rất nhiều về lĩnh vực ‘việc làm trực tuyến’.

Tôi hy vọng đây sẽ là thêm một tiếng chuông nữa để cộng đồng xã hội có những điều chỉnh và cải tổ trong vấn đề thiết kế web, làm sao để tiếp cận web được tốt hơn và làm sao để quyền tiếp cận thông tin của người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung được cải thiện nhiều hơn ở Việt Nam thì việc làm trực tuyến dành cho họ mới phát triển được.”

Anh Dương Chí Hùng, mong muốn Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến dành cho người khiếm thị do UNDP tổ chức sẽ được nhân rộng ở Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19.

“Về kiến thức và kỹ năng thì tôi nghĩ rất là tốt. Bởi vì đó là một lĩnh vực mới đối với người khiếm thị mà từ trước đến giờ họ chưa được tiếp cận nhiều. Nếu như chương trình đào tạo lĩnh vực mới này được phát triển rộng rãi trong cộng đồng người khiếm thị thì đây cũng là một ngành nghề mới trong xu hướng xã hội gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc làm của người khiếm thị; nhất là việc đi lại bị vướng nhiều chi phí…Nếu có được công việc làm trực tuyến thì là một cu hướng mới để cho người khiếm thị có thể tiếp cận dễ dàng hơn.”

Đài RFA liên lạc với UNDP tại Việt Nam để tìm hiểu thêm thông tin về Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi từ cơ quan này.

Theo số liệu thống kê không chính thức, tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người khiếm thị. Và họ thuộc trong nhóm bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Anh Dương Chí Hùng tâm tình rằng anh không thể đi dạy hoặc đánh đàn kiếm sống suốt năm 2020 và cũng chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ gói hỗ trợ của Chính phủ. Thầy giáo Trần Bá Thiện cho biết ông nhận được tầm 1 triệu tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu đối với tình cảnh bi đát của rất nhiều gia đình người khiếm thị tại Việt Nam.