Và nếu cảnh Xuân xưa êm đềm gợi nhớ - chẳng hạn như - cảnh Chợ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Thì ngày nay, blogger Hà Sĩ Phu cũng trải lòng “Vui Xuân một tý”. Chúng ta hãy nghe “tiếng lòng” ấy của TS Hà Sĩ Phu:
Tôi viết “Mừng Xuân, mừng Đất nước”
Trời hỏi: – Sao để Xuân lên trước?
Tâu rằng: Mùa Xuân là Đất Trời
Có Trời mới có người!
Trời bảo: – Biết Lễ, thế là… được!
Gật gù, Trời lại khen:
Tiểu-tử như chú em
Hiểu như vậy là quý!
Chứ mấy cậu “đồng chí”
Đặt Đảng trên cả Trời!…
Bây giờ là những ngày đầu năm Nhâm Thìn, tức Năm Rồng – mà nói theo blogger Hà Sĩ Phu thì “trong 12 con giáp, 11 con là Thực, chỉ có Rồng là Mộng, do con người tưởng tượng mà ra”. Bài “Năm Rồng và Triết lý của Rồng” mà TS Hà Sĩ Phu khai bút đầu năm dương lịch vừa rồi có đoạn như sau:
"Tích “Rồng lên” giữa đất Thăng Long còn sức sống là bởi người dân Thăng Long vẫn giữ được cái hồn Lý Thái Tổ yêu nước thương dân nên soi rọi vào “Lá cờ Trung quốc thừa sao” là thấy hiện ngay ra hình bóng một Lê Chiêu Thống đang chui vào ống tay áo của Đại Hán tham tàn. Kẻ sĩ Thăng Long đã nhiều phen vạch trần tính mị dân và phản quốc trong “16 chữ vàng” và “láng giềng 4 tốt” đầy tính giả mạo, nhưng vải thưa ấy không che được “mắt thánh” của một Dân tộc đã giành kỷ lục Guiness 1000 năm…Bắc thuộc.
Ngôi “tiểu tinh” xuất hiện trên lá cờ Trung quốc thừa sao lập tức bị tóm quả tang còn ví như tóm một tên Việt gian đặc công đang chơi trò ú tim “lộng giả thành chơn” đùa giỡn, toan chơi những “sự đã rồi” cho quen dần đi. Dân đã nhìn rất rõ, nhưng Dân chưa đủ sức lôi cổ những trò sàm ngôn-ngụy thuyết ấy ra trị tội mà thôi. Tết con Rồng đã đến. Cũng nghĩ ngày Xuân chỉ nên nói chuyện vui, chẳng nỡ làm mọi người bận tâm những điều nợ…nước. Vì thế mà đắn đo, viết xong lại bỏ. Nhưng lại nghĩ, nếu cứ sợ chuyện lo buồn làm ‘sái” ngày vui thì làm gì có chiến thắng Đống Đa hiển hách, đánh tan 20 vạn quân Thanh giữa ngày Tết Kỷ Dậu 1789, cùng lúc sánh vai với cuộc Cách mạng Pháp 1789 và bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" vang dội (26.8.1789), mà Hồ Chí Minh đã tôn vinh nhân ngày Quốc Khánh sau này ? Thôi thì “Ngày Xuân bàn chuyện nước non, nhớ ngày Giỗ Trận Tây sơn thì về”.
Mong lãnh đạo làm việc theo luật pháp
Nhân dịp Tân Niên Nhâm Thìn, luật sư Nguyễn Bính Châu từ Saigonn cũng rộn rã một ước mơ – “ Mơ về Mùa Xuân của Pháp Luật”, được nhiều mạng nhật ký phổ biến. Để làm gì ? Tác giả mong mỏi:
"Làm thế nào để đất nước chúng ta có thể nhanh chóng tiến lên, kịp thời phát hiện cải sửa mọi sai lầm vướng mắc, trong quá trình cầm quyền và xây dựng quốc gia, phục vụ cho Nhân dân? Câu trả lời thật quá đơn giản. Đó là hãy trao quyền dân chủ cho nhân dân thông qua tự do báo chí và tự do ứng cử. Chắc chắn đất nước chúng ta sẽ có cơ hội phát triển vượt bực …, vì huy động được toàn bộ sức mạnh trí tuệ và nguyện vọng khao khát của Nhân dân cả nước. Đó cũng là ước mơ ngàn đời của nhân dân lao động và đó mới đích thực là Mùa xuân của Pháp luật."
Qua bài “Happy New Year” được blog Quê Choa và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, tác giả Trịnh Khả Nguyên lưu ý tới lời chúc tết của giới “vua, quan” tới thứ dân vào đầu năm Âm lịch.
"Các vị chúc nhân dân đạt được nhiều thứ lắm, nào là năm mới thắng lợi mới, nào là tích cực phòng chống tham nhũng, nào là sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh tiến bộ v.v…chung quy là chúc happy, rằng hay thì thật là hay (còn câu sau xin không trích dẫn). Ai không mong được happy, nhưng liệu có bao giờ làm theo hiến pháp và pháp luật mà bị unhappy không. Dân giàu nước mạnh để bảo vệ đất nước. Sang cái ý dân chủ, công bằng thì dân rất muốn, còn quí vị có muốn như vậy không?"
Theo blogger Trịnh Khả Nguyên thì xưa nay lãnh đạo chúc dân, nhưng hiếm khi nghe dân chúc lại lãnh đạo ngoại trừ trường hợp cuối thư, đơn thỉnh nguyện của “sỹ, thứ” có câu chúc xã giao như “kính chúc quý ngài khỏe mạnh, hạnh phúc”. Như vậy, để cho vấn đề “sòng phẳng”, nhân dân, nếu được, sẽ chúc lãnh đạo những gì ? Blogger Trịnh Khả Nguyên nhận xét:
"Câu hỏi không đơn giản, vì có những điều dân cho là hay, là nghe được nhưng chắc chi các vị nghe. Và ai biết lãnh đạo thích nghe thứ gì. Thời xưa, nói chuyện với vua là cực hình mà còn nguy hiểm. Thời nay thì nói chuyện với lãnh đạo không như thế, nhưng ít ra cũng mệt, bằng chứng là có những vị nhân sĩ, trí thức bằng xanh, bằng đỏ nghiêm chỉnh, chỉ nói chuyện với các quan cao cấp mà đã không thoải mái rồi.
Chúc giàu sang phú quý thì chắc các vị không cần. Chúc quyền lực thì thừa. Chúc sống lâu, nghe ra có vẻ “ vạn tuế ”không hợp thời .Chúc sức khỏe, hạnh phúc thì thực tế, rất cần, nhưng bị trùng ý của đơn /thư hay gửi lên lãnh đạo mà thường là lãnh đạo không đọc. Thôi, không dám sáng tác, xin lấy khẩu hiệu của nhà nước chúc lại lãnh đạo: Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Thôi, không dám sáng tác, xin lấy khẩu hiệu của nhà nước chúc lại lãnh đạo: "Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật"
Blogger Trịnh Khả Nguyên
Nhắc tới chuyện chúc Tết lãnh đạo, blogger Nguyễn Thông không khỏi thắc mắc về việc các quan vi hành chúc Xuân nơi đâu, rồi bày tỏ bất an rằng liệu các “ông bự” có thường tới những chỗ không cần tới không ? Blogger Nguyễn Thông nhận xét:
"Theo thông lệ mị dân, những ngày sát tết, các ông to bự trung ương thường đi nơi này nơi khác chúc tết, trao quà. Vậy đã có ông nào chủ động, hoặc có ý nghĩ đi Tiên Lãng chưa, hay cứ đợi tham mưu đệ tử nó lên lịch, sắp xếp. Không tự đi đến chỗ cần thiết, cứ theo chúng nó đến chốn ăn chơi nhảy múa, chả hay ho gì đâu. Các ông thử nghĩ mà xem, đến Tiên Lãng một chuyến, thậm chí chủ động thăm gia đình thân nhân anh Vươn, thăm hiện trường căn nhà bị san bằng, việc ấy có ý nghĩa thế nào, chả cần nói ra ai cũng biết. Các ông làm được thế, dân mà không đồng tình, khen ngợi, kẻ hèn tôi xin cứ đi bằng đầu. Tôi cam đoan vậy."
Đừng đẩy dân đến cảnh khốn cùng
Nhắc đến biến cố Tiên Lãng – có người gọi là “biến cố Đoàn Văn Vươn”, blogger Quảng Trung Thiên bày tỏ ước nguyện nhân dịp Xuân về. Qua bài “Xuân và ước nguyện”, tác giả Quảng Trung Thiên ray rứt trước tình cảnh vô gia cư của dân oan, lo rằng “Xuân đến với những kẻ không nhà, nước mắt và uất hận bị dập vùi trong mảnh đất đẫm mồ hôi bao đời tạo lập, nay đẫm máu. Dân Việt lại chìm sâu và quay cuồng trong điêu linh, tê tái. Đi về đâu?”.
Blogger Quảng Trung Thiên phân tích :
"Cũng là cướp đất, nhưng chính quyền ngày nay lại càng hoang dã và tinh vi hơn chính quyền ngày xưa. Ngày xưa, chỉ xảy ra trong khuôn khổ vài vùng, nhưng đến cùng vẫn còn cán cân công lý. Ngày nay, lan tràn toàn nước Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe "thu hồi, giải tỏa", đẩy dân đen đến cảnh khốn cùng."
Có lẽ tình cảnh như vậy khiến nhà thơ Bùi Chí Vinh báo động "Coi chừng máu thắm Đồng Nọc Nạn", qua đó có những vầng thơ rằng:
Đất đai là sở hữu của toàn dân chứ không độc quyền vài
quan chức
Không thuộc sắc lệnh vua ban, khi cao hứng thu hồi
Đất đai không dành cho kẻ ngồi mát ăn bát vàng trục lợi
Mỗi tấc đất tấc vàng đều tóe máu, đẫm mồ hôi
Blogger Đặng Ngọc Thăng “chạnh lòng” nhân khi đọc tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc, và rồi lưu ý rằng “nghiêm trọng ở chỗ hành xử với nhân dân, những người bầu họ lên làm lãnh đạo, nhưng họ đã cam tâm o ép nhân dân, bất chấp Luật pháp. Nghiêm trọng ở chỗ, họ bất chấp đạo lý và tình đồng loại”.
Qua bài “Tội đáng chết 5 lần”, blogger Hiệu Minh tâm sự nhâp dịp đầu Xuân rằng tác giả ở xa đất nước tới nửa vòng trái đất mà không tránh khỏi “thở dài cho quan trí nước nhà. Nó “rất VN và rất riêng”. Rồi tác giả chợt nhớ tới chuyện Khổng Tử dạy học trò thời xưa bên Tàu, như sau:
"Có một kẻ khá thông minh nhưng có tính ghen ghét, tìm cách hại ông. Lớp học của Khổng Tử đang đông học trò thì kẻ xấu kia đi rêu rao nên đệ tử bỏ đi hết. Hắn làm tới vài lần như vậy. Khi Khổng Tử được cử làm quan liền đã ra lệnh giết kẻ xấu kia. Người được cử đi hành sát đã quay về báo với Khổng Tử rằng, người kia là kẻ thông minh, sợ chúng ta có giết nhầm chăng?
Nhưng Khổng Tử nói “Có năm loại người mà xấu hơn cả trộm và cướp. Loại người thứ nhất: có học hành, hiểu biết nhưng xảo quyệt. Loại thứ hai: cực đoan và ngoan cố. Loại thứ ba: không biết nói thật và giỏi biến báo. Loại thứ tư: chỉ biết nhìn mặt trái và xấu xa của sự kiện. Và loại thứ năm: biết sai nhưng vẫn tìm cách che giấu và còn tự cho là mình đúng.Nếu ai thuộc vào một trong năm loại người nói trên thì cần phải giết. Kẻ chơi xấu ta có tất cả những tính cách của năm loại người xấu xa trên. Tội y đáng giết năm lần chưa xong.”
Ngày nay, lan tràn toàn nước Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe "thu hồi, giải tỏa", đẩy dân đen đến cảnh khốn cùng."
Blogger Quảng Trung Thiên
Nhưng blogger Hiệu Minh cho biết thời nay dân chủ, nên không ai có quyền như Khổng Tử. Việc kết tội người nào cũng phải dựa trên luật pháp và bằng chứng. Và chẳng ai chết vì những tội như Khổng Tử vừa nêu. Nhưng, theo blogger Hiệu Minh, nếu những gì mà báo chí đưa tin là sự thật, và giả sử một số vị quan ở Tiên Lãng và Hải Phòng mà sống vào thời Khổng Tử, thì rất có thể họ bị Khổng Tử liệt vào năm loại người trên, xấu hơn cả trộm và cướp. Và những kẻ phạm tội đó đáng chết tới năm lần.
Trở lại bài “Xuân và ước nguyện” vừa nói, blogger Quảng Trung Thiên cho hay tác giả đang đứng trước quê trong cảnh mà ông mô tả “dân Việt lạc loài trên đất mẹ”. Và ông ước nguyện rằng “Xuân này mang về cho đất mẹ một mùa Hè rực lửa để Tổ Quốc an khang và dân tộc thái bình”.
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Nhân dịp đầu Năm Mới Nhâm Thìn, Thanh Quang kính chúc quý thính giả cùng gia quyến tràn đầy Phước, Lộc, Thọ.
[ Video: Người Việt đón Tết Nhâm Thìn 2012Opens in new window ]