Phần nhì này của loạt 2 bài nhìn lại thân phận thuyền nhân khi quốc tế không còn rộng mở đón người từ tháng 3 năm 1989.
Trong bài đầu đề cập đến chuyện thuyền nhân Việt Nam, Phương Anh đã trình bày sơ lược phần thứ nhất trong câu chuyện thuyền nhân suốt 33 năm qua. Kỳ này, Phương Anh xin đề cập đến thời điểm sau tháng 3 năm 1989, tức thời điểm sau khi các trại tị nạn đóng cửa và bắt đầu chính sách thanh lọc.
Tiến trình thanh lọc này có rất nhiều sai trái bởi vì ý định của họ là loại bỏ thuyền nhân, giam giữ họ lại trại tị nạn để làm bàn đạp đẩy họ về Việt Nam. Phần lớn thuyền nhân có rất nhiều kinh nghiệm đau khổ về chế độ Cộng Sản, mặc dù bị đàn áp nặng nề, nhưng vẫn bị mất quyền tị nạn.<br/> <i> Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, SOS</i>
Theo lời của giáo sư Nguyễn Hữu Xương, cựu chủ tịch của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biên, sau khi các trại tị nạn đóng cửa và bắt đầu chính sách thanh lọc, tổ chức này cũng chuyển hướng sang việc vận động chính sách và gửi các luật sư, các chuyên gia về tị nạn đến tận các trại tị nạn ở Đông Nam Á để giúp đỡ cho thuyền nhân. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nay là Giám đốc Điều hành của Boat People SOS, trụ sở tại bang Virginia, lược thuật tình cảnh người tị nạn vào thời đó:
"Lúc đó thuyền nhân không còn được đón tiếp niềm nở như trước, và bị xem như là di dân kinh tế, phải qua tiến trình thanh lọc do Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc hoặc do các phụ tá thực hiện. Tiến trình thanh lọc này có rất nhiều sai trái bởi vì ý định của họ là loại bỏ thuyền nhân, giam giữ họ lại trại tị nạn để làm bàn đạp đẩy họ về Việt Nam. Phần lớn thuyền nhân có rất nhiều kinh nghiệm đau khổ về chế độ Cộng Sản, mặc dù bị đàn áp nặng nề, nhưng vẫn bị mất quyền tị nạn.
Kế đó, xẩy ra tình trạng hối lộ, tham nhũng như ở Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan. Những ai có tiền bạc chạy chọt thì được đi định cư, còn có những người bị tù rất nhiều năm ở Việt Nam, nhưng nếu không tiền thì cũng bị mất quyền tị nạn và đứng trước hiểm họa bị hồi hương. Một số còn xảy ra tình trạng xách nhiễu tình dục của những người phụ trách thanh lọc. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với chính phủ Hoa Kỳ và mở ra chương trình LAVAS, tạm dịch là Chương Trình Trợ Giúp Pháp Lý Cho Thuyền Nhân."
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, hiện đang hành nghề tại quận Cam, từng là Giám đốc Điều hành của LAVAS cho hay:
" Tổ chức LAVAS cũng như nhiều tổ chức khác trên toàn thế giới vận động để cung cấp các dịch vụ miễn phí cho thuyền nhân qua thủ tục thanh lọc cũng như kháng cáo khi đã bị từ chối quyền tị nạn. Và LAVAS tham dự nhiều cuộc vận động tại nhiều quốc gia ở Hoa Kỳ, Cananda, Úc Châu, và Âu Châu để lên tiếng báo động về tình trạng rất bất công, cũng như chính sách đối với thuyền nhân không phù hợp với Công Ước Quốc Tế về quyền tị nạn. Sau khi thanh lọc rồi, qua chuyện kháng cáo, tỉ lệ được đậu rất thấp."
Tùy người thanh lọc, muốn cho ai đậu thì cho, muốn cho ai rớt thì cho. Tôi nghĩ mọi người đi vượt biên đều có lý do để đi, đều xứng đáng để được đi định cư hết, thành ra chuyện thanh lọc chẳng có ý nghĩa gì cả.<br/> <i> Nguyễn Phạm, bang Maryland, USA</i>
Với các thuyền nhân, sau khi đã liều mình ra đi tìm tự do trên những con thuyền mong manh trên biển cả, may mắn đến bến bờ tự do thì lại phải đối đầu với chuyện thanh lọc một cách bất công và hết sức vô lý. Anh Nguyễn Phạm, hiện cư ngụ ở Maryland kể lại rằng:
"Tôi đến trại Galang vào tháng 8 năm 1989. Khi tôi tới trại thì người ta đã đóng trại rồi, mọi người phải trải qua thanh lọc để đi định cư. Thanh lọc thì không có ý nghĩa gì cả vì tùy người thanh lọc, muốn cho ai đậu thì cho, muốn cho ai rớt thì cho. Tôi nghĩ mọi người đi vượt biên đều có lý do để đi, đều xứng đáng để được đi định cư hết, thành ra chuyện thanh lọc chẳng có ý nghĩa gì cả. Vào thời điểm của tôi, muốn đậu thanh lọc thì phải có 1000 đô. Cái đó là công khai luôn, police của Indonsesia nói thẳng luôn. Bản thân tôi không có 1000 đô la , nên khi đậu thì cũng ngỡ ngàng, may mắn thôi! "
Tùy theo hồ sơ, có người thì 3000 đô la, có người 1000, có người 2000, tùy theo người phỏng vấn. Có những người không có tiền thì ra ngủ với nhân viên sở di trú Phi một thời gian để được qua thanh lọc.<br/> <i>ni cô Thích Nữ Diệu Thảo, Richmond,USA</i>
Còn tại Philippines, tình hình cũng tệ hại không kém, thầy Giuse Nguyễn Ngọc Rạng, một tu sĩ thuộc Tu Hội Nhà Chúa, sau 15 năm kẹt tại Phi Luật Tân, nay được định cư cùng với cộng đoàn của mình tại News Orleans, Hoa Kỳ, cho biết rằng:
"Thanh lọc rớt, nên bị kẹt ở Phi, các luật sư Phi thì hay lấy tiền. Mình không có tiền cho nên mình không thể nào đậu được. Đa số những người nào có tiền thì mới đi một cách dễ dàng . Tôi nghĩ là không có sự công bằng trong đó. Luật sư Phi muốn cho ai đi thì người đó được đi."
Một tu sĩ Phật Giáo khác, ni cô Thích Nữ Diệu Thảo, hiện đang ngụ tại chùa ở Richmond, Virginia, kể lại:
"Khi thanh lọc, không được sự giúp đỡ của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, Nếu những người có tiền thì hối lộ cho nhân viên sở di trú Phi thì được công nhận là người tị nạn. Tùy theo hồ sơ, có người thì 3000 đô la, có người 1000, có người 2000, tùy theo người phỏng vấn. Có những người không có tiền thì ra ngủ với nhân viên sở di trú Phi một thời gian để được qua thanh lọc. Có người còn phải lên Manila ở nhà của người sở di trú Phi để làm việc nhà cho họ. Bản thân tôi kháng cáo vẫn không được đậu, và tôi đến Mỹ, theo diện làm việc tôn giáo."
Đồng bào sống rất khổ, đặc biệt là đồng bào vượt biên từ ngoài Bắc. Họ có một tinh thần rất tự giác, các em nhỏ cũng tuyệt thực, biểu tình, cầm cờ vàng 3 sọc đỏ để đòi đi tìm tự do, đòi hỏi nhân quyền.<br/> <i> Sister Christine Trương Mỹ Hạnh</i>
Sister Christine Trương Mỹ Hạnh, từng làm việc nơi các trại tị nạn Hồng Kông trước đây kể lại rằng:
"Từ tháng 6 năm 1989, Hồng Kông là nơi đầu tiên để thử nghiệm về cưỡng bức hồi hương. Tất cả những người đến sau, đều bị bỏ vào trại giam, đều phải trải qua thanh lọc. Trong thời điểm này, rất ít người được đậu thanh lọc bởi vì chính phủ Hồng Kông rất sợ bởi vì nếu cho đi định cư thì ở trong nước đồng bào sẽ tiếp tục đi nữa. Trong thời gian đó, tôi thấy đồng bào sống rất khổ, đặc biệt là đồng bào vượt biên từ ngoài Bắc. Họ có một tinh thần rất tự giác, các em nhỏ cũng tuyệt thực, biểu tình, cầm cờ vàng 3 sọc đỏ để đòi đi tìm tự do, đòi hỏi nhân quyền. Tôi thấy nơi họ lòng yêu nước, yêu tự do của người Việt Nam mình lên tới tột đỉnh. Người Hồng Kông họ rất ngạc nhiên vì thuyền nhân không sợ chết, có rất nhiều người mổ bụng. Ở Nam Dương cũng có người tự sát để nói lên hai chữ tự do mà họ đang tìm kiếm."
Cũng trong thời gian này, tin tức từ các trại cấm ở Hồng Kông đều bị bưng bít. Để có thể đưa thông tin ra bên ngoài và chống lại việc cưỡng bức hồi hương, có những thuyền nhân đã liều mình:
"Có nhiều anh em, buổi tối, lên văn phòng Cao Uỷ ăn cắp điện thoại, vì họ làm vệ sinh nên có chìa khóa, và gọi điện thoại cầu
Ở Hồng Kông khi họ chuyển trại thì sẽ bị đưa xuống tàu cưỡng ép về Việt Nam , nên có những người cột vào nhau để khỏi bị kéo đi, nhất là các chị phụ nữ. Tôi vẫn nhớ rất rõ, các chị em cởi áo quần ra hết, bôi đen cả người rồi cột tay vào nhau.<br/> <i> Sister Christine Trương Mỹ Hạnh</i>
cứu hay chuyển tin ra. Ở Hồng Kông có 8 trại, khi họ chuyển trại thì sẽ bị đưa xuống tàu cưỡng ép về Việt Nam , nên có những người cột vào nhau để khỏi bị kéo đi, nhất là các chị phụ nữ. Tôi vẫn nhớ rất rõ, các chị em cởi áo quần ra hết, bôi đen cả người rồi cột tay vào nhau. Họ làm như thế vì những người cảnh sát trừng giới là nam, không được phép đụng tới. Những người già, và anh em thanh niên thì cột với nhau và cột vào chân giường sắt, để họ khỏi bị kéo đi, các em nhỏ thì trốn đi từ phòng này sang phòng khác. Nhưng cuối cùng thì rất nhiều người bị cưỡng bức, có nhiều người sống nơm nớp trong sự sợ hãi, ngày không ăn, đêm không ngủ, rất đau khổ và bị tâm thần. Sau khi họ hồi hương về Vịet Nam thì bị tách rời và bị giam riêng, sau 3 tháng được trả về nhà nhưng không có việc làm."
Theo lời của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thì vào năm 1990, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở khắp nơi, Hoa Kỳ, Cananda, Úc, Âu Châu, tổ chức LAVAS đã đưa các luật sư đến các trại tị nạn để giúp các thuyền nhân làm kháng cáo, đồng thời ghi nhận tất cả các sự bất công trong tiến trình thanh lọc để trình bày với chính phủ Hoa Kỳ. Vào mùa hè năm 1995, dân biểu Christopher Smith, đã triệu tập 3 buổi điều trần liên tục để yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phải can thiệp. Ông Thắng cho hay:
"Dựa vào thế của Quốc Hội và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, và Toà Bạch Ốc, vào cuối năm 1995, Bộ Ngoại Giao đã đồng ý mở ra chương trình ROVR, tạm dịch là Chương trình Cơ hội Định cư cho Thuyền nhân Hồi hương. Qua chương trình ấy, trên 18000 thuyền nhân, sau khi bị đẩy về Việt Nam, được Hoa Kỳ giải quyết và cho định cư tại Hoa Kỳ."
Theo lời của luật sư Nguyễn Quốc Lân, trong khi các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Mã Lai, Hồng Kông thi hành chính sách cưỡng bức hồi hương, thì tại Phi Luật Tân, Giáo Hội Công Giáo đứng ra yêu cầu chính phủ Phi không cưỡng bức và hứa lo cho các thuyền nhân. Qua tiến trình thỏa thuận, Giáo Hội Công Giáo Phi tiến hành lập làng Việt Nam tại Palawan. Nhưng sau khi lập làng, họ lại lang thang trên khắp nước Phi để kiếm sống vì gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, họ luôn mong mỏi có ngày được định cư ở nước thứ ba. Luật sư Lân kể tiếp:
"Năm 1996, luật sư Trịnh Hội đã đến đó và coi lại tình trạng thuyền nhân. Năm 1999 trở đi, luật sư Trịnh Hội đã vận động nhiều nơi, Canada, Âu Châu, Úc, Hoa Kỳ, yêu cầu các chính phủ xét lại những thuyền nhân này, và năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ chính thức xét lại và cho phép hầu hết các thuyền nhân từ Phi luật Tân định cư. Chúng tôi hy vọng rằng cho đến cuối năm nay, sẽ giải quyết được hầu hết số thuyền nhân còn kẹt tại Phi luật tân. Coi như đây là những người cuối cùng của thảm trạng thuyền nhân Việt Nam, bắt đầu từ 1975 kéo dài hơn 3 thập niên."
Được biết, khoảng 2000 thuyền nhân còn kẹt tại Phi và sau khi được Mỹ nhận, còn lại khoảng gần 100 gia đình. Qua sự vận động của Liên Hội Người Việt tại Canada, vào tháng 5 năm 2007 , chính phủ Canada đã đồng ý xét đơn của những người này theo một chương trình đặc biệt. Tiến sĩ Lê Duy Cấn, chủ tịch Liên Hội Người Việt cho hay:
"Cho đến bây giờ, đã có 6 gia đình đến trong tháng vừa rồi và có khoảng 52 gia đình trong số 94 gia đình đã được chính phủ Canada chấp nhận. Chúng tôi hy vọng rằng những gia đình này sẽ đến Canada vào khoảng mùa hè này hay chậm nhất là đến mùa thu."
Kể từ khi các trại tị nạn đóng cửa, xảy ra nhiều chuyện bất công, cộng đồng người Việt ở Úc lúc đó cũng được khoảng gần 100 ngàn người và bắt đầu có số đông để đứng lên tranh đấu cho họ. <br/> <i> Ông Đoàn Việt Trung, Úc</i>
Một trong những tổ chức cũng đóng góp một phần rất lớn để cứu giúp các thuyền nhân vượt biển đến các các nước sau mốc tháng 3 năm 1989 là Uỷ Ban Yểm Trợ Tị Nạn tại Úc. Ông Đoàn Việt Trung, người từng đóng góp công sức rất nhiều cho công việc vận động và lo liệu cho thuyền nhân còn kẹt tại Phi Luật Tân, nay là Tổng Thư Ký của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam cho hay:
"Kể từ khi các trại tị nạn đóng cửa, xảy ra nhiều chuyện bất công, cộng đồng người Việt ở Úc lúc đó cũng được khoảng gần 100 ngàn người và bắt đầu có số đông để đứng lên tranh đấu cho họ. Trong thời gian đầu, phần lớn những hoạt động của chúng tôi là gây qũy để uỷ lạo đồng bào trong trại tị nạn. Đầu thập niên 90 chúng tôi lập ra Hội Đồng Yểm Trợ Tị Nạn, bắt đầu tranh đấu bằng cách đưa vấn đề tham nhũng và bất công trong thanh lọc ra ánh sáng và công luận, chính quyền Úc, để vận động Cao Ủy Tị Nạn để phản đối. Chúng tôi cộng tác rất chặt chẽ với tổ chức người Việt ở các nước khác. Qua cuộc vận động đó, ở Mỹ có chương trình ROVR, ở Úc có chương trình SAC, tức là Nhân đạo Đặc biệt. Qua đó có khoảng 3000 visa, nếu ai bị rớt thanh lọc, nếu tự nguyện hồi hương thì sẽ được xin qua Úc. "
Có lẽ ai cũng nghĩ rằng, mọi chuyện dường như đã được kết thúc, nhất là sau khi số phận thuyền nhân kẹt tại Phi đã được giải quyết. Thế nhưng, theo lời của ông Đoàn Việt Trung thì:
"Gần đây, người Việt Nam vẫn lai rai, mỗi năm trung bình khoảng vài chục người vẫn lên thuyền đi ra biển để xin tị nạn. Ngoài ra, cũng có một số đi đường bộ qua Campuchia. Với những người đi đường biển đến Úc thì có mấy nhóm, gần 100 người, trong đó ba mươi mấy người vừa đến Úc thì bị trục xuất ngay vì chúng tôi không biết nên trở tay không kịp, còn hai nhóm kia gần 60 người thì cộng đồng người Việt đã giúp họ được ở lại với qui chế tị nạn."
Mới đây, tượng đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam đã khánh thành tại miền Nam bang California . Và, tại San Jose, Hoa Kỳ và Toronto, Canada, các Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam lưu giữ , trưng bày những chứng tích của cả triệu người Việt vượt biên, những người đã tạo nên khối cộng đồng người Việt vững mạnh ở hải ngoại ngày nay.