Sách không có độc giả đại chúng
Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vào ngày 20/6 phát hành cuốn sách ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’.
Tôi nghĩ những ông như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng thì sách của ông ấy chỉ có đảng của ông ấy đọc, chứ chẳng ai đọc, có khi những đảng viên của ông ấy cũng chẳng đọc luôn.- Lã Việt Dũng
Trước đó, vào ngày 3/1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã trao tặng bộ sách 4 quyển cho nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động dân sự Lã Việt Dũng nhận xét về việc xuất bản sách viết về lãnh đạo:
“Tôi nghĩ những ông như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng thì sách của ông ấy chỉ có đảng của ông ấy đọc, chứ chẳng ai đọc, có khi những đảng viên của ông ấy cũng chẳng đọc luôn. Bởi vì tôi cho rằng những kiến thức mà các ông viết ra không có ý nghĩa thực tế, nếu những kiến thức ấy có ý nghĩa thực tế thì đất nước Việt Nam đã phồn vinh rồi.”
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng cho rằng những sách viết về lãnh đạo sẽ rất ít người dân tìm đọc, họa may viết ra chỉ để cất vào thư viện, để cho một số nhà nghiên cứu nào đó trích dẫn. Vẫn theo ông, hầu như Tổng Bí thư nào của Việt Nam cũng đều có sách riêng:
“Cái này là mốt của những nhà cộng sản, bất kỳ ai làm Tổng Bí thư đều có sách, từ xưa đến giờ: ông Lê Duẩn có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách. Đến ông Nông Đức Mạnh suốt ngày chỉ thấy ông đi đến đâu nói nuôi con gì, trồng cây gì, không thấy lý luận gì cả tự nhiên thấy rất nhiều sách. Thực sách của các ông ấy là những bài các ông phát biểu mà thư ký viết sẵn như những bài báo cáo của Bộ Chính trị hay báo cáo ở Hội nghị Trung ương. Những bài phát biểu, bài đăng báo thực chất thư ký soạn rồi các ông xuất bản cho oai chứ đâu ai đọc.”
Mục đích xuất bản
Truyền thông trong nước loan tin cho biết, cuốn sách viết về Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới được xuất bản nhằm giúp nhân dân hiểu hơn về người đứng đầu đất nước.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang lại bày tỏ ngạc nhiên khi Ban Tuyên giáo Trung ương lại cho xuất bản một cuốn sách để ca ngợi tính cảm đối với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian này. Ông giải thích:
“Khi nhà lãnh đạo đương chức đương quyền thì người ta xuất bản sách về chủ trương, đường lối, chính sách để chỉ đạo. Thường là những khi đã qua đời người ta mới đăng những bài tình cảm của nhân dân, những bài điếu văn, những bài ghi sổ tang nói về tình cảm, chứ đang đương chức thì ít ai xuất bản những bài như vậy.”
Còn theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, việc in sách về lãnh đạo đất nước chẳng có giá trị gì cho đất nước, con người Việt Nam:
“Tôi nghĩ việc này đôi khi là việc tiêu tiền của một nhóm người nào đấy vì đơn giản họ nghĩ ra mọi cách để in ấn phẩm như vậy để họ có tiền. Đôi khi 1 nhà xuất bản có ngân sách có những khoản ngân sách cho việc này nên họ phải in ra để tiêu tiền vào việc ấy.”
Nhận xét nội dung
Cuốn sách ‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’ bao gồm 600 trang được chia làm 3 phần: Một nhân cách lớn, Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm và Tình cảm của bạn bè quốc tế.
Nhận xét về nội dung sách, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng Ban Tuyên giáo và báo Nhân dân tuyển chọn nên đương nhiên trong sách chỉ toàn những bài ca ngợi Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, còn những phê phán trong dư luận xã hội hiển nhiên sẽ không được nhắc đến.
Đồng suy nghĩ như trên, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng sách viết về người đứng đầu nhà nước Việt Nam hiện nay và lại do Ban Tuyên giáo xuất bản thì sẽ mang tính tuyên truyền, ca ngợi đảng cộng sản và ca ngợi lãnh tụ chứ không phản ánh đúng ý nhân dân và chỉ toàn những lời nịnh hót:
“Chắc chắn viết về ông Trọng thì không ai dám viết về những mặt trái, những ý kiến trái chiều mà trái ngược với đảng cộng sản. Trong khi dân ở ngoài đi đâu thì các anh chị đều thấy họ đang ca thán và chửi đảng cộng sản rất nhiều.
Cái này là mốt của những nhà cộng sản, bất kỳ ai làm Tổng Bí thư đều có sách, từ xưa đến giờ: ông Lê Duẩn có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách. - PGS. TS. - Mạc Văn Trang
Quá trình ông Trọng lên làm Tổng Bí thư không nhiều, dù ông khởi xướng cuộc chống tham nhũng theo kiểu ‘đốt lò’ nhưng thành quả chưa được bao nhiêu và theo tôi đánh giá thì nó mang tính phe phái rất nặng. Ông ấy có thể đánh tay chân một số tay chân của ông Nguyễn Tấn Dũng đã về hưu, chứ những lãnh đạo đương chức như ông Nguyễn Xuân Phúc hay tay chân ông Phúc, hay ông Phạm Minh Chính, hay ông nào khác trong bộ máy thì chắc chắn ông (Trọng) không thể nào sờ đến vây cánh của những phe nhóm ấy được.”
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng chuyện xuất bản sách về những Tổng Bí thư không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam:
“Chuyện các nhà lãnh đạo trong thể chế cộng sản thì ở đâu cũng vậy thôi: Lenin toàn tập, Stalin toàn tập, Khrushchev toàn tập thì bây giờ tới Hồ Chí Minh toàn tập, Lê Duẩn toàn tập, nhiều lắm. Cứ ông nào Tổng Bí thư thì có sách.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, việc viết sách về các những người đứng đầu bộ máy nhà nước là một tệ nạn vì kinh phí xuất bản lấy từ tiền thuế của dân. Do đó, việc xuất bản những quyển sách này chỉ làm tốn tiền dân, tốn giấy, mà không ai đọc.