Nhà đầu tư BOT lại kiến nghị tăng phí

0:00 / 0:00

VARSI kiến nghị tăng phí BOT

Lãnh đạo Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), vào ngày 2/11, được truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời cho hay Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành nhiều vấn đề tồn tại của các dự án BOT sau khi nhận được ý kiến góp ý của các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT thời gian qua không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án.

Chủ tịch VARSI, ông Trần Chủng nói với báo giới rằng Luật PPP mới được Quốc hội thông qua đã có quy định nhà nước chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới song chưa làm rõ cơ chế, hướng dẫn đối với các dự án đã và đang triển khai.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông-Vận tải ghi nhận trong Quý III/2020, các trạm thu phí BOT ở Việt Nam thu bình quân hơn 1.000 tỷ đồng tiền phí xe qua trạm. Tuy nhiên, Bộ Giao thông-Vận tải đánh giá doanh thu các dự án BOT đang khá thấp. 58 trong số 60 dự án có doanh thu thấp hơn dự báo, trong đó 17 dự án chưa đạt 50%.

Bộ Giao thông-Vận tải, trong năm 2020, đã hai lần kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong COVID-19.

Hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã trình Chính phủ hai phương án đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp BOT và khẳng định rằng nếu không tăng phí BOT nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thành nợ xấu.

<i>Bây giờ họ tăng phí lên, rồi họ đẩy nhanh tiến độ buộc thu phí tự động không dừng xe…thì rõ ràng chi phí bị đội lên và chi phí của người dân bị tăng cao. Đáng lưu ý là chi phí vận chuyển tăng thì ảnh hưởng rất lớn đến tất cả chi tiêu sinh hoạt khác của người dân, cũng phải tăng giá hàng hóa lên. Tất cả chi phí bị tăng theo thì đúng thôi. Đó là điều tất yếu<br/>-Ông Võ Minh Đức</i>

Ý kiến của doanh nghiệp

Ông Võ Minh Đức, một cư dân ở Sài Gòn và đang kinh doanh về dịch vụ vận chuyển, vào tối hôm 2/11, lên tiếng với RFA sau khi nghe các thông tin liên quan VARSI và Bộ Giao thông-Vận tải kiến nghị tăng phí BOT:

“Là người làm trong dịch vụ vận chuyển, thật sự khi nghe thông tin này thì tôi cảm thấy những người đó chỉ biết đến lợi ích của họ thôi. Còn lợi ích của cộng đồng, người dân và người tiêu dùng thì họ không cần quan tâm đến. Tôi ở Việt Nam nên tôi biết rất rõ tất cả các công trình BOT đều có, gọi là cổ phần, góp vốn của quan chức nhà nước cả. Lúc đầu, thời gian thu phí rồi sau này lấy lý do là dịch bệnh bị thất thu và bị lỗ cùng nhiều lý do khác để đòi tăng thu. Theo nhận thức hiểu biết của tôi thì BOT đều có lợi ích nhóm cả. Tất nhiên, tôi nói theo hiểu biết của mình thôi, chứ còn để có căn cứ và cơ sở đầy đủ thì tôi không trưng ra được.”

Trước đó, vào thời điểm Bộ Giao thông-Vận tải kiến nghị với Chính phủ về đề xuất hỗ trợ cho nhà đầu tư BOT bị giảm thu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đại diện nhóm đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Minh Hùng, cũng nói với RFA rằng theo ý kiến chủ quan cá nhân thì BOT giống như là “sân sau” của Bộ-Giao thông-Vận tải, và kiến nghị của bộ này chỉ nhắm vào lợi ích cho các doanh nghiệp BOT, mà lại không quan tâm đến khó khăn của các doanh nghiệp vận tải.

Đài RFA ghi nhận theo Quyết định 19/2020 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành, các trạm BOT được yêu cầu lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng và phải bắt buộc hoàn tất chậm nhất vào ngày 31/12/2020. Nếu như trạm BOT nào chưa hoàn thành là do lỗi của nhà đầu tư, và sẽ bị buộc dừng thu phí.

Chúng tôi nêu vấn đề với một số doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ vân tải, liệu rằng qua các đề xuất tăng phí BOT theo kiến nghị của VARSI và Bộ Giao thông-Vận tải cùng với Quyết định 19/2020 thì sẽ sớm được thông qua và nhanh chóng áp dụng hay không.

Không ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải Đài RFA tiếp xúc đều cho rằng các cơ quan hữu trách sẽ rất dễ dàng quyết định, bởi vì sẽ có lợi cho các nhóm lợi ích về BOT.

Mặc dù vậy, giới kinh doanh dịch vụ vận tải nhấn mạnh rằng việc tăng phí sẽ tác động đến toàn xã hội và nền kinh tế của Việt Nam. Ông Võ Minh Đức lý giải:

“Bây giờ họ tăng phí lên, rồi họ đẩy nhanh tiến độ buộc thu phí tự động không dừng xe…thì rõ ràng chi phí bị đội lên và chi phí của người dân bị tăng cao. Đáng lưu ý là chi phí vận chuyển tăng thì ảnh hưởng rất lớn đến tất cả chi tiêu sinh hoạt khác của người dân, cũng phải tăng giá hàng hóa lên. Tất cả chi phí bị tăng theo thì đúng thôi. Đó là điều tất yếu.”

Một ví dụ điển hình là chi phí vận chuyển nông sản từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội được cho rằng tốn gấp đôi từ Việt Nam sang Mỹ do có quá nhiều trạm thu phí BOT.

Thông tin này doChủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Minh Phú, ông Lê Văn Quang, đưa ra tại Hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), được tổ chức vào tháng 7 năm 2020.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, được báo giới quốc nội trích dẫn nhận định của ông rằng chi phí logistics ở Việt Nam quá cao đã gián tiếp giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giới chuyên gia từng nói gì?

Trong một lần trao đổi liên quan hai phương án hỗ trợ doanh nghiệp BOT do Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vào trung tuần tháng 5 nêu lên ý kiến với RFA:

<i>Việc phục hồi của ngành đường bộ hoặc các dự án BOT cho ngành đường bộ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi nền kinh tế nhanh chóng đến đâu và khả năng phục hồi sinh hoạt của người dân đi lại, phục hồi các phương tiện qua các con đường có BOT thế nào để phục hồi. Bây giờ tăng giá lên sẽ dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp là sẽ hạn chế việc đi lại như vậy khách hàng ít đi, người dân thường cũng tránh chuyện đi lại cho tốn kém. Như vậy sẽ giảm đi, lượng khách giảm đi thì thu nhập sẽ tiếp tục giảm xuống. Vậy đòi tăng giá đến bao giờ?<br/>-Bà Phạm Chi Lan</i>

“Việc phục hồi của ngành đường bộ hoặc các dự án BOT cho giao thông đường bộ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi nền kinh tế nhanh chóng đến đâu và khả năng phục hồi sinh hoạt của người dân đi lại, phục hồi các phương tiện qua các con đường có BOT thế nào để phục hồi. Bây giờ tăng giá lên sẽ dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp là sẽ hạn chế việc đi lại như vậy khách hàng ít đi, người dân thường cũng tránh chuyện đi lại cho tốn kém. Như vậy sẽ giảm đi, lượng khách giảm đi thì thu nhập sẽ tiếp tục giảm xuống. Vậy đòi tăng giá đến bao giờ?”

Bà Phạm Chi Lan còn đề cập đến những yếu tố đang tồn tại gây sự bức xúc trong dân chúng bao gồm nhiều trạm BOT không được nhà nước giám sát tốt để xảy ra tình trạng thu phí quá nhiều, thu phí thời gian quá dài, đội vốn dự án…

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vào đầu tháng 9, qua làn sóng của RFA cũng đưa ra ý kiến cá nhân của ông:

“Tôi nghĩ hình thức BOT hiện nay để có thể cải thiện nên thực hiện công khai minh bạch đấu thầu công khai và có giám sát độc lập và giám sát chất lượng độc lập. Như vậy sẽ tốt hơn và đem lại hiệu quả cao hơn. Chừng nào chưa có đấu thầu công khai và giám sát độc lập thì mọi ý kiến vấn đề đó rất khó có cơ sở đưa ra một kết luận chính xác được. Hiện nay, thiếu công khai minh bạch và giám sát độc lập nên chất lượng BOT đang còn có những ý kiến khác nhau.”

Một số những người quan tâm đến thông tin về đề xuất tăng phí BOT bày tỏ với RFA rằng họ e ngại Chính phủ Việt Nam sẽ sớm thực hiện mà không cần cân nhắc các ý kiến như của hai vị chuyên gia Phạm Chi Lan và Lê Đăng Doanh. Những người này, như ông Võ Minh Đức quả quyết rằng qua các bản án tù dành cho nhóm 7 tài xế ở Bắc Ninh bị tuyên án vì phản đối BOT Phả Lại, thì người dân sẽ cam chịu mà tiếp tục trả tiền phí cao để qua các trạm BOT.