Cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị đề nghị truy tố vì đã nhận tổng cộng 24,9 tỷ đồng, để nâng đỡ cho doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa (SGK). Hành động của ông Thái nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời giúp doanh nghiệp "đưa hối lộ" lũng đoạn thi trường SGK.
Tham nhũng -căn bệnh trầm kha
Thông tin ông Thái bị đề nghị truy tố được nhiều phụ huynh và cả giới chức trong ngành phát hành sách, giáo dục tỏ ra hài lòng. Nhiều trong số họ còn cho rằng các ngành chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc.
Trả lời RFA hôm 24/9/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định:
“Qua việc ông cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục vừa bị phát hiện tham nhũng đến 25 tỷ đồng, có thể nói quan chức ở Việt Nam mấy năm gần đây cứ động đến ai là người đấy sẽ có tham nhũng. Nó cho thấy ngành giáo dục cũng như các ngành khác như xuất bản, một khi có sự bao cấp, bảo vệ, che chắn thì quan chức hế sức lộng hành. Nghiêm trọng nhất là sách giáo khoa ảnh hưởng đến toàn dân, ảnh hưởng những đứa trẻ từ bé đến lớn. Vậy mà nhiều kẻ sẵn sàng làm việc táng tận lương tâm, thông đồng nhau để móc túi người dân.”
Qua việc ông cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục vừa bị phát hiện tham nhũng đến 25 tỷ đồng, có thể nói quan chức ở Việt Nam mấy năm gần đây cứ động đến ai là người đấy sẽ có tham nhũng.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Theo thầy Đỗ Việt Khoa, nhận hối lộ của các doanh nghiệp để nâng giá thành sản phẩm là một trò tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam:
“Các công trình xây dựng cũng rất dễ xảy ra tình trạng như thế, có thể nói nhiều công trình xây dựng trường học tại Việt Nam cũng trong tình trạng như thế, ngân sách thất thoát ít thì 30%, nhiều tới 50%. Tình trạng này cực kỳ phổ biến, do Việt Nam đang không có một cơ chế giám sát quyền lực, những vị cán bộ cầm quyền do đó mặc sức lộng hành, mặc sức tham nhũng… và rất ít khi bị phát hiện.”
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03 hôm 24/9/2024 khi trả lời truyền thông nhà nước khẳng định có 'lợi ích nhóm' trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục.
Tham nhũng là căn bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước. Đó là nhận định của Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từng giảng dạy nhiều năm ở Đại học Sư phạm TPHCM nói với RFA hôm 24/9:
“Chuyện ông Thái tham nhũng số tiền lớn như vậy đó là bệnh chung của tất cả các công ty nhà nước, ít hay nhiều, khi này khi khác… Có chấm mút, có ăn cái này cái nọ là bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước. Đây không phải vấn đề riêng của nhà xuất bản giáo dục, bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng có nạn tham nhũng ít hay nhiều. Vấn đề đặt ra là quản trị các công ty nhà nước như thế nào, trong đó có nhà xuất bản giáo dục, chứ không nên tách nhà xuất bản giáo dục ra như một trường hợp đặc biệt, như vậy thật sự không thể giải quyết vấn đề.”
Dân vẫn là người chịu thiệt thòi
Sách giáo khoa nhiều năm qua liên tục tăng giá khiến nhiều phụ huynh than vãn. Trong khi Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh đối với SGK được biên soạn.
Trong năm 2022, những lùm xùm về độc quyền SGK đã gây bức xúc trong dư luận và thanh tra đã phải vào cuộc. Kết luận thanh tra lúc bấy giờ cũng đã chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản. Đồng thời khẳng định những sai phạm trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến phụ huynh và học sinh khi mỗi năm con em họ phải mua SGK bắt buộc với mức giá không phù hợp.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy việc bồi thường cho phụ huynh học sinh đã mua sách giá cao, vì bị đội giá do chi phí hối lộ sẽ ra sao? Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:
“Chuyện mong muốn đó thì dân tình người ta mong muốn, nhưng có lẽ không bao giờ thực hiện được, Việt Nam là như thế… Quan chức đã tham nhũng, đã làm thiệt hại cho người dân thì người dân chịu, nhà nước mất thì nhà nước cũng chịu. Hầu như không thu hồi được và cũng chẳng bao giờ bồi thường thoả đáng cho người dân. Cho nên tóm lại nhân dân vẫn là người thiệt thòi.”
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng cho rằng rất khó để thực hiện việc bồi thường:
“Cái đó làm sao khắc phục được, chỉ có thể phòng ngừa chuyện đó đừng xảy ra. Tức là chuyện tương lai, chứ không phải chuyện quá khứ. Ngay cả chuyện trả lại tiền đã khó, huống gì tiền đâu mà trả? Bởi vì không có thông tin gì để thu hồi tiền đó cả. Chưa kể giá sách của các nhà xuất bản đối thủ cũng bán giá như vậy thôi, họ là tư nhân nên không có vấn đề hối lộ gì cả? Khi bán ra, một bên là nhà nước, một bên là tư nhân, giá thành cũng như nhau.”
Trong khi đó ngoài chi phí sách giáo khoa, vào mỗi đầu năm học, phụ huynh học sinh phải đóng rất nhiều khoản tiền phụ thu khác nhau, mà với một số gia đình là khoản chi phí không nhỏ.
Vấn đề giáo dục là công việc của cả một dân tộc, khi một học sinh đến trường thì gần như năng lượng của cả dân tộc vô chỗ đó. Mà dối trá trong giáo dục có nghĩa là dối trá cả dân tộc, có tội rất nhiều so với các ngành nghề khác.
-Ông Thái
Ông Thái, một phụ huynh có hai con trong tuổi đi học ở Quảng Nam, hôm 24/9 cho RFA biết thực tế:
“Nếu cộng cả chi phí áo quần, các loại phí phải nộp đầu năm và các khoản tiền khác… thì một tháng lương của một công nhân sẽ không đủ cho chi phí đầu năm của một đứa bé đi học. Mình có may mắn là con mình ở Quảng Nam thì chỉ tốn khoảng một nửa tháng lương, từ hai đến ba triệu là xong đầu năm, vì các phí hay quỹ lớp ít. Nhưng những nơi khác thì nghe khũng khiếp lắm, có nơi mười mấy triệu, vì họ kêu gọi mua dụng cụ, học cụ nên sẽ rất là cao, một tháng lương công nhân không thể đủ.”
Liên quan việc tham nhũng của cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục, ông Thái nhận xét:
“Vấn đề giáo dục là công việc của cả một dân tộc, khi một học sinh đến trường thì gần như năng lượng của cả dân tộc vô chỗ đó. Mà dối trá trong giáo dục có nghĩa là dối trá cả dân tộc, có tội rất nhiều so với các ngành nghề khác. Mỗi đồng tiền bỏ vô giáo dục cũng có thể là của cha mẹ giàu có hay trung bình cũng dồn hết vào cho con, nhưng cũng có những đồng tiền từ đi mò cua bắt ốc cũng dành hết yêu thương cho con… Dối trá, gian lận, hối lộ trong đồng tiền đó có nghĩa là đang ăn rất nhiều nước mắt, thậm chí xương máu của đồng bào mình. Dù sao họ cũng là người có bằng cấp mà suy nghĩ vậy là hết sức vô tri, vô trí, vô giác, mất tính người quá…”
Theo ông Thái, nhà nước nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này thì không biết tương lai của Việt Nam đi đến đâu? Bởi vì vấn đề giáo dục là vấn đề hàng đầu, tương lai nằm ở giáo dục.