Mang lại hạnh phúc cho nhân dân mới là thành công của Đại hội: lại mị dân!

0:00 / 0:00

Đại hội chỉ là mở đầu, còn làm được hay không, có biến nghị quyết thành hiện thực hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của đại hội.

Nhận định vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được đưa ra khi ông phát biểu tại buổi bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13.

Chị Huyền Trang, chuyên viên phân tích kinh doanh cho công ty nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về phát biểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:

“Đó là đường hướng người ta đưa ra nhưng về thực thi thì không thực sự đúng như người dân mong muốn.”

Còn theo Nhạc sĩ Lê Thiệu đang ở Sài Gòn, từ xưa tới nay, ông Trọng hay bất cứ lãnh đạo cộng sản nào nói thì cũng vậy, mang đảng sang nhân dân, nhưng thực tế có làm được hay không lại là một việc hoàn toàn khác, không dính líu gì nhau. Ông nói từ thực tế xã hội mà ông đang sống:

“Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua. Tết này có những công nhân, lao động từ các tỉnh đổ về không có tiền về quê ăn Tết thì làm sao có hạnh phúc?

Nên hạnh phúc của đa số người dân là điều rất mơ hồ mà cá nhân tôi là một trong những người dân tôi chưa từng thấy.”

So với các nước khác trong tình hình dịch bệnh này thấy Việt Nam cũng khá là hạnh phúc, còn xong đợt dịch thì không biết, hiện tại trước mắt thấy vậy. - Chị Hồng Thanh

Vẫn theo Nhạc sĩ Lê Thiệu, gần nửa thế kỷ ông sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và ông thấy tất cả những điều lãnh đạo chính phủ Hà Nội nói đều mang tính chất an dân, mị dân, để từ đó dễ bề cai trị.

“Đảng cố giữ đảng, cố giữ chế độ thôi, còn thực sự họ không lo lắng gì cho người dân nghèo khổ, coi như là bỏ mặc, nói chung dân người nào sống được cứ sống, khổ thì cứ khổ chứ không có cái gì gọi là nhà nước hay chính phủ có phúc lợi cho nhân dân nghèo khổ.”

Việt Nam trong ba năm gần đây được nói có nhiều cải thiện về chỉ số hạnh phúc.

Cụ thể, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được biên soạn hàng năm bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 95 trong bảng xếp hạng 156 quốc gia.

Đến năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng, tăng một bậc so với năm trước.

Sang năm 2020, Báo cáo Chỉ số hạnh phúc cho thấy Việt Nam đã lên vị trí thứ 83.

Mọi người nâng ly tại bàn nhậu có gắn vách ngăn nhựa chống lại sự lây lan COVID-19. Ảnh chụp ngày 20/8/2020. REUTERS / Kham
Mọi người nâng ly tại bàn nhậu có gắn vách ngăn nhựa chống lại sự lây lan COVID-19. Ảnh chụp ngày 20/8/2020. REUTERS / Kham

Bên cạnh đó, theo những số liệu thống kê của tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, trong năm 2018, Việt Nam xếp hạng 5 của những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và đứng thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một năm sau, theo báo cáo HSBC Expat 2019 được HSBC công bố, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 10 quốc gia tốt nhất cho những người nước ngoài sống và làm việc.

Từ khi dịch viêm phổi cấp SARS-CoV-2 bắt đầu lan truyền rộng rãi trên toàn thế giới vào đầu năm 2020, Việt Nam là nước được đánh giá cao vì đã có biện pháp truy dấu khống chế dịch bệnh hữu hiệu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong danh sách số ít nước có GDP tăng trưởng dương trong thời kỳ kinh tế thế giới ảm đạm.

Chị Hồng Thanh, giáo viên mầm non tại Đồng Nai bày tỏ:

“So với các nước khác trong tình hình dịch bệnh này thấy Việt Nam cũng khá là hạnh phúc, còn xong đợt dịch thì không biết, hiện tại trước mắt thấy vậy.”

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành phân tích, chị Huyền Trang cho rằng nếu so sánh Việt Nam với các nước khác thì rõ ràng Việt Nam quản lý dịch nCoV quá tốt. Vì vậy, theo chị, tại thời điểm này thật lòng nếu hỏi mọi người thì ai cũng nói họ cảm thấy hạnh phúc.

Tuy nhiên, chị Huyền Trang cũng cho hay nếu nói chỉ số hạnh phúc ngay thời điểm này sẽ không đúng giống như ngày xưa vì mỗi thời điểm sẽ bị đánh giá bởi những yếu tố khác nhau. Chị giải thích thêm:

“Ví dụ như trước đây, để đo chỉ số hạnh phúc người ta sẽ có rất nhiều yếu tố, trong đó có những cái như phúc lợi xã hội, thu nhập bình quân đầu người, bộ máy quản lý nhà nước… Trước đây Việt Nam sẽ không thể nào đứng top được vì cơ bản là thu nhập người dân nói chung không cao, người giàu rất giàu còn người nghèo rất nghèo, chính sách hỗ trợ, phúc lợi cho mọi người không tốt.”

Hạnh phúc của người dân trong nước chế độ xã hội chủ nghĩa là điều rất xa vời, còn xa lắm không biết chừng nào mới tới. Theo chủ trương, chính sách đó thì giống như câu chuyện hoang đường. - Nhạc sĩ Lê Thiệu

Do đó, chị Huyền Trang cho rằng nếu gạt chuyện COVID-19 qua một bên để nói về mức sống, chất lượng cuộc sống… thì Việt Nam vẫn còn nhiều cái chưa tốt. Chị nhận định:

“Vì cơ bản là những chính sách hỗ trợ dân, phúc lợi không ở mức mà người ta cảm thấy hài lòng, còn rất nhiều cái rắc rối và không triệt để. Tức kế hoạch vẫn có những hành động để làm những chuyện đấy nhưng nó chưa thực sự hiệu quả. Vậy nên tự nhiên người ta (người dân) sẽ cảm giác là làm cho có chứ không suy nghĩ cho dân, nên dân không cảm thấy hạnh phúc.”

Theo quan điểm cá nhân, Nhạc sĩ Lê Thiệu bày tỏ băn khoăn:

“Hạnh phúc của người dân trong nước chế độ xã hội chủ nghĩa là điều rất xa vời, còn xa lắm không biết chừng nào mới tới. Theo chủ trương, chính sách đó thì giống như câu chuyện hoang đường.”