Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: một cách nhồi sọ mới của lãnh đạo thành phố?

0:00 / 0:00

Báo mạng Zing vào ngày 15/10 đăng tải bài phỏng vấn ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sẽ lấy niềm vinh dự của địa phương duy nhất được mang tên Hồ Chí Minh thành động lực phát triển, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo đó, ý tưởng này đã được Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong cuộc họp ngày 3/9 vừa qua, nhấn mạnh trách nhiệm và niềm vinh dự của thành phố Hồ Chí Minh khi là địa phương duy nhất được mang tên người lãnh đạo được gọi là Bác Hồ.

Mục đích xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nói để công dân mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và du khách khi đến thành phố lớn nhất phía Nam Việt Nam cảm nhận được tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh mỗi ngày.

Nhận xét về ý tưởng nêu trên, Nhạc sĩ Lê Thiệu tại Sài Gòn cho rằng:

“Thật lòng mà nói đưa tư tưởng Hồ Chí Minh của mấy ông thì tùy thuộc vào lãnh đạo chứ mình không nói gì được, mình không có quyền gì. Thế nhưng đa số dân chúng mong muốn lo lắng cho đời sống dân chúng, nhất là ở miền Nam người ta không màng tới những chuyện đó. Còn ông Nguyễn Thiện Nhân thì chắc sắp về hưu thì muốn làm gì đó để tỏ lòng với đảng. Riêng cá nhân anh thì thấy điều đó vô nghĩa, thay vì lo những cái thiết thực trong cuộc sống hơn thì những cái đó không thực tế, không giúp gì xã hội.”

Còn theo Tiến sĩ Đinh Đức Long, Bác sĩ Trung tá Quân đội Nhân Dân, ý tưởng được đưa ra khó có thể thực hiện trong tình hình hiện tại:

“Những lời hứa trong nhiệm kỳ thì nay ông sắp hết nhiệm kỳ thì ông hứa cho xong chứ có làm gì được. Đại hội sắp tới chắc chắn ông nghỉ, bàn giao cho người khác. Nói như vậy nhưng chẳng có cơ sở nào để có thể khẳng định, hy vọng lời nói ông sẽ trở thành sự thật. Ông nói văn hóa Hồ Chí Minh thì hành động vô văn hóa nhất của ông đã ăn cắp lư hương Đức thánh Trần ở bến Bạch Đằng. Ông là người chỉ đạo, chủ trương lấy lư hương giấu chỗ khác.”

Vào ngày 17/2/2019, lư hương ở tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, quận 1, Sài Gòn) bị dời đi ngay trong dịp tưởng niệm sự kiện Trung Quốc xâm chiếm miền Bắc Việt Nam. Mục đích dời lư hương được nhiều người cho rằng để tránh biểu tình.

Tuy nhiên, một ngày sau đó, theo lời bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1 khi giải thích cho sự việc này đã nói rằng dời lư hương về đền thờ Đức thánh Trần nằm trên đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định để việc thờ cúng, dâng hương dâng hoa được thực hiện trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn vì công viên không phải là nơi thờ phụng.

Đến nay, lư hương vẫn chưa được đưa về chỗ cũ, tức trước tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng.

Để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân có nhắc lại việc xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh ở Khu đô thị mới thủ Thiêm sau khi Thành ủy vừa có Nghị quyết chuyên đề tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị mới bên kia sông.

Trước đó, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh vào ngày 12/10/2019 có đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’.

Theo báo trong nước, ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ dự kiến rộng 27 hecta, bao gồm các hạng mục như cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày về chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá, công viên bờ sông, cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với Quận 1.

Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được nói sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư cho dự án được công bố gần 2.000 tỷ đồng.

Thông tin này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều lúc bấy giờ, đặc biệt khi việc đền bù đất đai cho người dân bị giải tỏa chưa được giải quyết thỏa đáng, kéo dài trong hàng chục năm qua.

Hình minh họa. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016
Hình minh họa. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016 (AFP)

Do vậy, khi biết đến ý tưởng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ bao gồm cả việc xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh, ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm có nhà trong khu giải tỏa vẫn đang khiếu kiện cho hay:

“Người ta phải làm mới có ăn thành ra người ta nghĩ đủ cách để làm, có chấm mút trong đó chứ họ chẳng có thật tâm. Cái này chắc chắn chẳng mang lại gì cho thành phố mà chỉ mang lại tư lợi cho những người thi công quảng trường đó. Hiện nay người ta không muốn giải quyết dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mặc dù Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm theo đúng luật pháp nhưng thành phố Hồ Chí Minh có luật riêng của họ và người ta coi thường nhà nước, chính phủ, muốn làm gì thì làm.”

Theo thông tin Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong buổi phỏng vấn với báo mạng Zing, thành phố đang xem xét xây dựng một bộ phim 79 tập, mỗi tập khoảng một tiếng cho học sinh từ lớp 2 đến 12 xem mỗi tháng một tập và trao đổi nội dung như ông Hồ Chí Minh được sinh ra trong gia đình và bối cảnh đất nước như thế nào; thời niên thiếu học ở nhà, ở trường ra sao; trong thời gian làm việc ở Pháp, qua Anh sống thế nào; vì sao có tập thơ Nhật ký trong tù…

Vẫn liên quan đến giáo dục, thành phố có thể thành lập một Quỹ học bổng và hỗ trợ tài năng trẻ mang tên ông Hồ Chí Minh.

Với kinh nghiệm từng là Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định về kế hoạch phát hành 79 tập phim về ông Hồ Chí Minh cho học sinh các cấp như sau:

“Chuyện ông Nguyễn Thiện Nhân muốn xây dựng không gian văn hóa thì tôi không hiểu ông ta tính xây cái gì, văn hóa gì? Phải nói rằng tôi rất sửng sốt khi nghe nói phải xây dựng đến 79 tập phim, mỗi tập dài 1 tiếng để chiếu cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 thì tôi cảm thấy khôi hài, lố lăng vì những lẽ sau. Thứ nhất, 79 tập phim theo tôi suy đoán chính là số tuổi của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên ngay lập tức cho người ta thấy khoảng trống về nhân thân, lai lịch cả quãng thời gian ông Hồ Chí Minh còn sống. Ngay năm sinh của ông ta đã là điều mập mờ, khuất tất, ông ta sinh năm nào không biết. Lịch sử đã bị bóp méo.

Thứ hai là họ chiếu những bộ phim dự trên những sưu tầm tư liệu, phim tài liệu về Hồ Chí Minh. Mà phim tài liệu 1 tiếng đồng hồ kéo dài 79 tiếng là chuyện viển vông. Ông Nhân không hiểu vấn đề gì về làm phim, làm phim truyện đã khó mà phim truyện những nhân vật cộng sản thì không hút được người xem. Tôi cho rằng nếu làm 79 tập phim như vậy thì lại tiêu tốn khoản tiền không nhỏ của người dân với mục đích nhồi sọ.”

Với những cách thức được ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ông Nhân cho rằng nếu người dân, đảng viên thành phố được tiếp cận tư liệu lịch sử về ông Hồ Chí Minh một cách dày đặc, thường xuyên thì tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh trở thành một phần rất quan trọng của văn hóa người dân thành phố và là sức mạnh tinh thần đặc trưng của người dân thành phố lớn nhất phía nam trong thế kỷ 21 này.

Theo quan điểm cá nhân, Nhạc sĩ Lê Thiệu bày tỏ:

“Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nhồi nhét đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tất cả các tầng lớp nhân dân. Mặc dù ông Hồ Chí Minh tự ông chẳng có tư tưởng gì mà lấy của Karl Marx, Lenin, Mao Trạch Đông về làm, chính ông cũng xác định điều đó. Nên anh thấy điều đó vô nghĩa và không mang lợi ích gì cho xã hội nhưng đó là chuyện bên tuyên giáo, ông Nhân là chuyện đó từ chỉ đạo của Tuyên giáo trung ương để đưa tất cả những hình ảnh, tư tưởng ông Hồ Chí Minh như nhồi sọ thế hệ này đến thế hệ khác để tuân theo đảng, làm công cụ của đảng để dễ cai trị.”

Tuy nhiên, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng chuyện nhồi sọ của lãnh đạo chính phủ Hà Nội hiện nay đã không còn tác dụng mà thậm chí dẫn đến tác dụng ngược:

“Hiện nay công nghệ thông tin phát triển quá nên bất cứ người nào quan tâm cũng có thể tìm hiểu nên dẫn đến tác dụng ngược là khi phơi bày sự giả dối như vậy chỉ làm đánh đổ hình tượng Hồ Chí Minh thêm mà thôi.”

Thành phố Hồ Chí Minh trước đây từng được biết đến với tên gọi Sài Gòn với lịch sử trên 300 năm và được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông. Đến ngày 2/7/1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên.

Theo tin đăng tải trên báo mạng Zing, sau cuộc họp với Bộ Chính trị ngày 3/9, ý tưởng xây dựng môi trường sống thành phố Hồ Chí Minh thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo thành phố tiếp thu, bổ sung vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, theo chỉ đạo của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.