Mới đây, báo Thanh Niên có bài viết về thị trường mua bán đề tài khoa học kỹ thuật trên mạng. Theo tác giả, một đề tài có thể tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đến quốc gia dành cho học sinh được mua bán với mức giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng trên các nhóm mạng xã hội.
Cuộc thi khoa học- kỹ thuật học sinh trung học phổ thông đã diễn ra hơn 10 năm qua. Những năm sau này, kỳ thi luôn có những nghi ngại, thắc mắc về dự án được trao giải. Lý do được nêu ra là có những dự án mà trình độ tiến sĩ cũng chưa chắc viết được chứ nói gì đến học sinh phổ thông. Chẳng hạn như dự án Nghiên cứu chế tạo các hạt nano bạc nhằm ứng dụng phun tạo màng bảo quản trái cây; Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân parkison sử dụng công nghệ xử lý ảnh; Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng của vật liệu nano bạc làm đầu dò đa chứng năng trong cảm biến sinh học để xét nghiệm cholesterol…
Rõ ràng đây là những cuộc mua bán khoa học kỹ thuật để chạy bệnh thành tích. Rất nhiều người trong cuộc đã đề nghị, một là dẹp bỏ cuộc thi này vì giả dối quá nhiều; hai là phải trả nó về thực chất, chỉ là những đề tài khoa học kỹ thuật gắn liền với đời sống của học sinh ở địa phương. - Nhà giáo Đinh Kim Phúc
Theo nhà giáo Đinh Kim Phúc, tất cả những gì xảy ra là do các trường lấy kết quả để báo cáo thành tích, xét thi đua. Ông giải thích:
“Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh khối phổ thông đã triển khai rất nhiều năm. Ý đồ ban đầu của Bộ GD-ĐT rất tốt, muốn cho học sinh phổ thông bắt đầu tiếp cận vấn đề khoa học kỹ thuật ở những bài tập rất nhỏ, gắn liền với đời sống hàng ngày, để dần phát hiện ra những em có năng khiếu, tạo cho các em nghiên cứu khi lên đại học và sau đại học.
Nhưng càng ngày, cuộc thi này nó bốn thành căn bệnh thành tích rất nặng giữa các trường, giữa các tỉnh với nhau. Từ các cuộc thi ở địa phương ra đến trung ương thì nó đã xảy ra rất nhiều tiêu cực. Một trong những tiêu cực đó là mua bán đề tài, mua bán đề cương rồi được huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật để đi thi.
Rõ ràng đây là những cuộc mua bán khoa học kỹ thuật để chạy bệnh thành tích. Rất nhiều người trong cuộc đã đề nghị, một là dẹp bỏ cuộc thi này vì giả dối quá nhiều; hai là phải trả nó về thực chất, chỉ là những đề tài khoa học kỹ thuật gắn liền với đời sống của học sinh ở địa phương.”
Thật ra, chuyện đạo văn ở Việt Nam đã xảy ra từ nhiều năm qua. Từ học sinh, sinh viên cho tới một số người có học vị cao như giáo sư, tiến sĩ cũng phạm phải dù vô tình hay cố ý.
Mới năm ngoái, Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.HCM thu hồi sách “Báo chí và Truyền thông: Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại”. Nguyên nhân được nói do một bài viết trong sách bị tố vi phạm bản quyền tác giả Jim Macnamara. Chính Giáo sư Jim Macnamara đã gửi thư đến hai trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đại học Văn Lang thông báo, bài viết đã sao chép hơn 85% nội dung bài báo của ông đăng trên Tạp chí quốc tế Journalism & Mass Communication Quarterly năm 2016.
Tháng 10 năm 2020, Facebook “Liêm chính khoa học” có bài viết của tác giả Duong Tu trích dẫn báo cáo của một nhóm Đại học Hoa Sen và Đại học Thủ Dầu Một khảo sát khoảng 1.000 luận văn đại học của sinh viên tại hai trường đại học. Một trường sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin và một trường không dùng phần mềm này. Kết quả cho thấy, hơn 91% luận văn của sinh viên tại trường không dùng Turnitin bị đánh giá là đạo văn trong khi ở trường sử dụng phần mềm này, tỷ lệ đạo văn ở mức 61%.
Nói về hiện tượng mua bán đề tài khoa học công khai trên mạng xã hội và tệ đạo văn, Phó Giáo sư Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 10 tháng 5 năm 2022:
“Nó không phải chỉ là đề tài gì đâu mà nó cả một thị trường về luận văn, từ tốt nghiệp đại học cho đến ít nhất là cao học. Tôi thấy đầy rẫy. Hiện nay đó là một thu nhập lớn của một số người. Có những trang mạng công khai. Nó là thế này: Một em đưa ra chỗ photocopy một luận văn, người ta mới đem cái luận văn đó bán trên một trang mạng. Vào trang mạng đó thì có đủ các luận văn trên trời dưới đất.
Có người copy lại như một tài liệu thì cũng tốt thôi, nhưng có người lấy rồi sửa sang lại rồi trình bày như một luận văn mới. Cái tệ nạn đó đã diễn ra rất lâu, một số trường đại học họ cảnh giác và bỏ tiền ra mua chương trình chống đạo văn.
Hiện nay các em học đại học đều học môn “phương pháp nghiên cứu” nhưng hầu như sách vở bằng tiếng Việt dạy môn này có rất ít sách đề cập đến vấn đề đạo văn như là một loại đạo đức khoa học. Trong lúc những cuốn sách viết về “phương pháp nghiên cứu” bằng tiếng nước ngoài như tiếng Anh chẳng hạn, đều có dành một số trang đáng kể để bàn về chuyện đạo văn vi phạm liêm chính khoa học như thế nào.”
Có người copy lại như một tài liệu thì cũng tốt thôi, nhưng có người lấy rồi sửa sang lại rồi trình bày như một luận văn mới. Cái tệ nạn đó đã diễn ra rất lâu, một số trường đại học họ cảnh giác và bỏ tiền ra mua chương trình chống đạo văn.- PGS. Hoàng Dũng
PGS. Hoàng Dũng cho biết, nơi ông đang giảng dạy là Trường Đại học sư phạm không mua phần mềm chống đạo văn, có lẽ ban giám hiệu cho rằng “các sinh viên sư phạm đạo đức sáng ngời” nên không có hiện tượng đạo văn. Ông nói thêm:
“Tôi nghĩ rằng, một phần vì mình không có những biện pháp kiểm tra thích đáng; một phần là do các em không được học hành cẩn thận về “phương pháp nghiên cứu” thành ra tỷ lệ đạo văn phải nói là cao. Mỗi lần một thầy cô giáo đọc luận văn của các em như thể đi trên bãi mìn. Đôi khi thấy nó viết cũng được nên mình cho qua, đâu biết cái mình cho qua có thể có đạo văn trong đó nhưng không làm nổi.”
Phần mềm chống đạo văn mà PGS Hoàng Dũng nói đến là phần mềm Turnitin. Turnitin là một hệ thống so sánh, kiểm tra tính nguyên gốc của văn bản, được sử dụng phổ biến tại các trường đại học giúp phát hiện và phòng chống đạo văn.
Tuy một số trường đại học đã mua phần mềm này để ngăn chặn tình trạng đạo văn, nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, hàng loạt bài viết trên mạng lại chỉ cách qua mặt phần mềm Turnitin với chỉ vài thủ thuật đơn giản. Như vậy, nạn đạo văn khó mà kiểm soát.
Ngoài những trang mạng mua bán công khai đề tài, luận văn, việc thuê người viết luận văn cũng là một lựa chọn của một số sinh viên đại học. Đó là bài toán khó cho nền giáo dục nước nhà từ nhiều năm qua.