Mối quan hệ căng thẳng cố hữu
Từ lâu nay, 2 cường quốc láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thể xoá bỏ được mối quan hệ căng thẳng đang tiếp tục âm ỉ, từ những tranh chấp về lịch sử khi Đế Quốc Nhật cai trị khắc nghiệt Trung Hoa, cho tới những bất đồng về lãnh hải, kinh tế và cả rắc rối liên quan lãnh vực quân sự.
Tình hình lại càng không sáng sủa khi hai nước chạm trán gần đây tại vùng biển tranh chấp có liên quan tàu đánh cá cùng máy bay quân sự gây hấn của Trung Quốc, rồi 1 máy bay Trung Quốc áp sát khu trục hạm của xứ Phù Tang tại biển Hoa Đông.
Tokyo đặc biệt bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục gia tăng đáng kể chi phí quân sự khi công bố hồi tháng này là nâng thêm 12,7% ngân sách quốc phòng cho năm nay lên hơn 600 tỷ nhân dân tệ so với khoảng 533 tỷ nhân dân tệ hồi năm ngoái, giữa lúc Hoa Lục tiết lộ về nhiều kế hoạch phát triển hàng không mẫu hạm, phi đạn chống chiến hạm và cả chiến đấu cơ tàng hình.
Nhưng thiên tai động đất gây sóng thần, dẫn tới những vụ nổ lò phản ứng nguyên tử phía Đông Bắc Nhật Bản với mức tử vong tiếp tục tăng cao đáng ngại đã tác động khá lạ thường tới mối quan hệ căng thẳng Nhật-Trung vừa nói.
Tờ Washington Post số ra thứ Bảy vừa rồi có bài tựa đề “Động đất ở Nhật: Trung Quốc bỏ qua những tranh chấp để trợ giúp”, mở đầu rằng thiên tai động đất và sóng thần tàn phá phía Bắc xứ Phù Tang có thể giúp tạm thời làm giảm tình trạng cẳng thẳng trong mối quan hệ Nhật-Trung.
Bài báo lưu ý rằng khi có tin về động đất, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã nhanh chóng gởi lời chia buồn và bày tỏ ý muốn trợ giúp Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt gọi điện thoại cho nhân vật tương nhiệm phía Nhật Bản là ông Toshimi Kitazawa đề nghị giúp đỡ trong khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo gọi điện cho Thủ tướng Naoto Kan bày tỏ thiện ý tương tự. Còn Hội Chữ Thập Đỏ TQ cũng hứa giúp hơn 152 ngàn đô la.
Trong khi đó những bài xã luận do nhà nước Trung Quốc kiểm soát từng cổ võ tinh thần dân tộc, xách động tinh thần bài Nhật thì nay lại đề cập tới sự chia sẻ nỗi đau vì thiên tai ở xứ Phù Tang cùng những gì mà phía Trung Quốc có thể học hỏi từ cách ứng phó nhanh chóng và nề nếp của Nhật Bản.
Một công đôi việc
Bài “Thảm hoạ động đất ở Nhật, cơ hội cho Trung Quốc” đăng trên tạp chí The Atlantic ở Mỹ nêu lên câu hỏi rằng hải quân Trung Quốc, lâu nay bị ngăn chận bởi liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu, có thể dùng hoạt động nhân đạo để mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực được không ?

Bài báo nhắc lại rằng cách đây vài ngày, trước khi thiên tai xảy ra, Nhật Bản đã cùng Việt Nam và Philippines chính thức phản đối hành động ngày càng gây hấn của Trung Quốc tại biển Hoa Đông, thì hiện giờ hải quân Trung Quốc chuẩn bị tiến vào cũng vùng biển này với mục đích khác hẳn: Trợ giúp nhân đạo và tái thiết xứ Phù Tang.
Bài báo phân tích rằng nạn nhân Nhật cần được di tản nhanh chóng. Nếu phải triển khai nhân viên cứu hộ, thì vị trí địa dư của Nhật có nghĩa là phương cách tốt nhất để chuyển mau lẹ đông đảo nạn nhân thiên tai phải cần tới tàu đổ bộ quân sự. Trong khi khả năng này của Hoa Kỳ giới hạn vì tình trạng cắt giảm ngân sách thì Trung Quốc có sẵn 1 hạm đội tàu đổ bộ mới, kế cận và sẵn sàng hành động ngay khi được thông báo. Hải quân hùng hậu của Trung Quốc tại vị trí địa dư gần kề Nhật Bản có nghĩa là mọi nghi kỵ về văn hoá, chính trị đối với Trung Quốc cũng khó có thể ngăn chận xứ Phù Tang khước từ nguồn trợ giúp này.
Theo bài báo thì nếu Trung Quốc có thể trợ giúp nhân đạo cho thiên tai Nhật Bản, dĩ nhiên mọi hành động cứu nhân mạng và giúp tái thiết là điều tốt mà không có chính khách Nhật Bản hay Mỹ nào nỡ cản ngăn.
Trong khi Trung Quốc nhiều lần muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực bằng võ lực thậm chí một cách thô bạo, thì giờ Bắc Kinh có thể ý thức rằng việc ra tay trợ giúp đúng vào lúc Nhật cần vẫn có thể mang lại ảnh hưởng như Bắc Kinh mong muốn, để mục tiêu sau cùng là tàu của Trung Quốc có thể di chuyển tự do hơn, với số lượng nhiều hơn, ở khu vực này.
Bài báo nhận xét đề nghị trợ giúp mạnh mẽ của Hoa Lục cũng có thể tạo cơ hội cải thiện mối quan hệ hữu nghị Nhật-Trung, mà theo thời gian, sẽ mở đường cho căng thẳng cố hữu giữa hai nước lắng dịu, giúp ngăn chận được những vụ va chạm nhỏ rơi vào tình trạng "chuyện bé xé to".
Bài báo kết luận rằng chắc chắn là trợ giúp nhân đạo sẽ là điều tốt.
Nhưng điều đó có ý nghĩa ra sao về mặt an ninh trong khu vực vốn đang bấp bênh đáng kể thì lại là chuyện khác.