Sau một thời gian tạm lắng, vừa qua, vấn đề xây dựng Nhà hát Giao hưởng ở Thủ Thiêm lại được cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh xới lên qua việc đề nghị ngân sách xây dựng công trình bị cho là chưa cần thiết như thế.
Người dân Thủ Thiêm phản ứng như thế nào trước thông tin này trong khi chuyện đền bù, tái định cư cho họ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng?
Cụ thể, Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trong báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) về tiến độ các dự án của ngành văn hóa và thể thao, đã cho biết dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch có vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm, đang được lập báo cáo tiền khả thi.
Theo Sở Văn hóa Thể thao việc triển khai dự án đang gặp khó khăn do phải chờ cơ quan có thẩm quyền cấp vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện công tác lập nhiệm vụ thiết kế và tổ chức thi tuyển kiến trúc công trình theo quy định, nên đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét chuyển giao các sở ngành liên quan bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Bây giờ mở nhà hát thì ai vô đó mà coi? Nhưng mà mấy ổng nghĩ nước ngoài vô phải có cái nhà hát lớn… để mà cho có bộ mặt đó mà. Tui nghĩ đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ổng không nghĩ người dân đang khó khăn, đang khổ.<br/>-Người dân Thủ Thiêm
Trong lúc việc đền bù giải tỏa cho người dân mất đất tại Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thì việc yêu cầu cấp vốn ngân sách để xây dựng nhà hát có thích hợp? Trao đổi với chúng tôi hôm 12 tháng 3 năm 2019, một người dân mất nhà ở Thủ Thiêm không muốn nêu tên cho biết:
“Theo tôi nghĩ không nên làm (Nhà hát giao hưởng), vì chưa có giải quyết cho người dân Thủ Thiêm về vấn đề nhà đất còn đang lu bu, không biết chính phủ tính như thế nào thì mình cũng không hiểu được họ. Về vấn đề này nếu mà bà con biết được thì bà con cũng sẽ phản ứng.”
Theo bà nghĩ, nhà nước nên để số tiền xây nhà hát vào việc ổn định cuộc sống cho người dân. Rồi sau đó muốn làm gì thì làm, bà nói tiếp:
“Bây giờ mở nhà hát thì ai vô đó mà coi? Nhưng mà mấy ổng nghĩ nước ngoài vô phải có cái nhà hát lớn… để mà cho có bộ mặt đó mà. Tui nghĩ đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ổng không nghĩ người dân đang khó khăn, đang khổ. Mà người dân đang khổ không phải do làm biếng hay ăn chơi, mà do nhà nước chính quyền lấy đất của dân, đền bù không thỏa đáng. Còn một số đất ngoài ranh của bà con, cũng lấy mà chưa giải quyết được. ”
Còn ông Ca, một cư dân Thủ Thiêm thì cho rằng, tiền đền bù còn không có thì có tiền để xây dựng gì:
“Về vấn đề nhà hát thì chúng tôi không thật sự quan tâm lắm, vì người ta đưa ra dư luận thôi chứ người ta đâu có tiền mà người ta làm. Người ta đưa lên để lái dư luận vào một vấn đề nào đó thôi, chứ thực chất hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh không có tiền. Ngay vấn đề giải tỏa làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đền bù cho dân người ta cũng chẳng có tiền. Bí thư Thành Ủy hứa tháng 12 năm 2018 giải quyết thì không giải quyết được, bây giờ lại năm 2019. Người ta chỉ nói vậy thôi chứ không làm được cái gì đâu.”
Theo Sở Văn hóa Thể thao, thời gian thực hiện dự án Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm là từ năm 2019 đến 2022. Trong đó năm 2019 - 2020, tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình và hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công theo đúng quy định. Do đó đây là thời điểm thích hợp để được cấp vốn.
Cố Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây từng cho rằng thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất Việt Nam, cho nên Nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng lớn hay một quảng trường cho xứng đáng thì cũng là cần thiết. Những những việc ấy Việt Nam nên có trong tương lai, khi mức sống của nhân dân đã lên cao hơn hiện nay. Hay ít ra cũng phải là nước thu nhập trung bình ở lớp trên, chứ hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình ở lớp dưới thấp.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người bị cưỡng chế đất tại Thủ Thiêm cho biết ý kiến của mình:
“Chúng tôi không chống bất cứ một công trình văn hóa nghệ thuật nào tại Thủ Thiêm. Trái lại, chúng tôi hoan nghênh việc đó vì thành phố cũng cần, quy hoạch cũng cần. Nhưng trung tâm này, nhà hát này ở thời điểm nào? Trên phần đất của ai? Đó là vấn đề chúng tôi đặt ra, và đền bù như thế nào cho người dân? Và khu vực Thủ Thiêm máu, nước mắt, tù đày, sỉ nhục và khổ đau, dân ly tán, mà bây giờ xây không lo toàn trách nhiệm đền bù, trả lại tài sản người dân đúng chính sách pháp luật. Như vậy là không đúng lạc hậu, vô đạo đức, tại sao không trả lại nhà nguyện của chúng tôi, nhà thờ, trường học… mà nhất nhất làm nhà hát như vậy, trong thời điểm như vậy, trong vùng đất như vậy…”
Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Trong đó chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, đó là những việc cấp bách hơn rất nhiều. Còn một quảng trường như thế, nhà hát như thế, trong bản thiết kế thì được, chứ đưa ra để xây dựng ngay thì cần phải tính toán vì bây giờ còn rất nhiều vấn đề ưu tiên hơn, mà chưa kể đang là vấn đề về tranh chấp đất đai nữa.
Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp ký, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu lại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên hiện nay họ cũng chỉ biết chờ đợi.
Liên quan tiến trình giải quyết khiếu kiện ở Thủ Thiêm, người dân không muốn nêu tên cho biết:
“Tình hình đền bù đến nay chưa có gì mới, nhưng hôm rồi thanh tra chính phủ có báo cáo chính phủ cho thanh tra lại toàn diện Thủ Thiêm. Một là như vậy, hai là giải quyết cho bà con Thủ Thiêm. Bà con Thủ Thiêm cũng đang chờ đợi, nhà nước nói thì người dân cũng tôi trọng và chờ đợi một hai tháng, vài tháng coi như thế nào chứ bây giờ cũng chưa có gì.”
Còn ông Ca thì bức xúc với cách giải quyết mỗi người nói một kiểu của các vị lãnh đạo chính phủ:
Nói không có cơ sở gì, một người lãnh đạo có trình độ am hiểu má nói không đúng pháp luật. Nói dối một cách trắng trợn, nói theo kiểu dân gian là nói để lừa đảo.<br/>-Ông Ca
“Không ai nói gì hết, chỉ có hôm 5/3 vừa rồi, ông Võ Văn Hoan chánh văn phòng thành phố nói là trong năm 2019 giải quyết, nhưng bây giờ trung ương nói là đang cơ bản hoàn tất kết luận cuối cùng của thanh tra. Nhưng thực chất có thanh tra đâu mà kết luận. Khi chúng tôi ra ngoài Hà Nội làm thì ông Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ hứa hẹn kiến nghị chính phủ lập đoàn thanh tra, để thanh tra toàn diện Thủ Thiêm, mà đoàn Thanh Tra chưa có, Vậy mà ông Võ Văn Hoan chánh văn phòng thành phố lại nói vậy. Nói không có cơ sở gì, một người lãnh đạo có trình độ am hiểu má nói không đúng pháp luật. Nói dối một cách trắng trợn, nói theo kiểu dân gian là nói để lừa đảo.”
Người dân Thủ Thiêm cho biết, họ không cần cái nhà hát này, dân lao động như bà làm gì cần mấy cái đó, vì bản thân bà đến cái tv đẹp mà để coi còn chưa có thì cần nhà hát làm gì?
Người dân Thủ Thiêm chỉ cần muốn, khi chính phủ lấy nhà của dân thì phải có quyết định thu hồi và đền bù thỏa đáng, đúng như nghị quyết của đảng nói là "giải tỏa, thì chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ cũ". Nếu được như vậy thì không ai còn khiếu nại gì hết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết việc Thanh Tra Chính Phủ hứa sẽ kiến nghị Chính Phủ thanh tra lại toàn diện Thủ Thiêm, cũng sẽ kéo dài rất lâu để có quyết định của thủ tướng, rồi điều tra, rồi lại cũng ngâm nữa. Theo ông, họ đập nhà người ta rất nhanh, bắt nhốt ai rất nhanh, nhưng khắc phục hậu quả pháp lý rất nghiêm trọng thì họ không làm, không làm nổi.