Các tổ chức theo dõi nhân quyền cả trong và ngoài nước cho biết hiện ở Việt Nam có hơn 100 người bị bỏ tù chỉ vì họ dám can đảm công khai lên tiếng đòi hỏi các quyền căn bản mà người dân được hưởng. Tuy nhiên do những hoạt động đó mà nhà cầm quyền bắt bớ, xử tù họ với những bản án nặng nề.
Vừa qua có kêu gọi cộng đồng các nước hưởng ứng chiến dịch của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cùng viết thư tay cho tù nhân của nước sở tại. Các nhà hoạt động tại Việt Nam tích cực hưởng ứng chiến dịch này.
Nhà báo độc lập và cũng là nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang đưa lên trang Facebook cá nhân kêu gọi ‘Chúng tôi cần vài phút của bạn’. Cô Phạm Đoan Trang đề cập đến chiến dịch hằng năm mà Ân Xá Quốc Tế phát động nhằm bày tỏ ủng hộ đối với các tù nhân lương tâm giúp họ không cảm thấy bị đơn độc trong cuộc đấu tranh cho chính nghĩa; đồng thời nhắn gửi đến các nhà nước đàn áp những tiếng nói đối lập rằng ‘không thể đóng kín cửa, bịt miệng người dân’…
Từ đó cô Phạm Đoan Trang đưa ra kêu gọi mọi người dành chút thời gian viết thư tay, bưu thiếp gửi đến cho các tù nhân lương tâm như bà Trần Thị Nga, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, anh Hoàng Bình, ông Trần Huỳnh Duy Thức. Mỗi người có thể chọn một trong những tù nhân lương tâm mà họ biết hay ngưỡng mộ để gửi thư, thiệp…
Kêu gọi này ngay sau đó được một số người chia sẻ, truyền đi qua mạng xã hội. Một bạn trẻ ở Việt Nam, cô Bùi Thanh Thảo đáp ứng lời kêu gọi và cho biết:
Tại vì em được biết chị Quỳnh Mẹ Nấm đang tuyệt thực trong tù nên em muốn viết thư để hỗ trợ tinh thần cho chị Quỳnh.
Gởi thư đảm bảo chắc chắn tới là họ không nhận. Họ bắt mình gởi bình thường thôi. Nghĩa là đi mua tem dán vô rồi bỏ vô thùng thư gởi bình thường. - Cô Bùi Thanh Thảo
Tuy nhiên ở Việt Nam, chuyện gửi thư cho các tù nhân lương tâm không phải dễ dàng gì, dù cơ quan chức năng có thông tư số 46/2011/TT-BCA quy định phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam được nhận, gửi thư từ thân nhân trực tiếp từ những lần thăm gặp hoặc có thể nhận qua đường bưu điện.
Thực tế chuyện gửi thư cho tù nhân lương tâm được cô Thảo cho biết:
Hôm nay đi định gửi chuyển phát nhanh vô trại giam nhưng người ta không nhận. Họ nói bây giờ khó lắm không gửi được. Họ kêu gửi thư bình thường. Gửi bình thường cũng phải có CMND, có địa chỉ (người gửi) họ mới cho gởi.
Gởi thư đảm bảo chắc chắn tới là họ không nhận. Họ bắt mình gởi bình thường thôi. Nghĩa là đi mua tem dán vô rồi bỏ vô thùng thư gởi bình thường.
Tuy không dễ dàng trong việc gửi thư và biết thư gửi cũng chưa chắc gì tới tay người nhận là các tù nhân lương tâm, nhưng cô Thảo trình bày lý do vẫn thực hiện công việc đó:
Mình biết là có thể thư nó không đến nhưng mình vẫn cứ viết và cứ gởi. Nhân viên bưu điện nhận thư của mình họ nhìn thấy. Họ thấy mà họ e ngại như vậy nghĩa là mình đã truyền thông điệp đến cho những người ngay tại bưu điện rồi. Rồi tới những người nhận thư, giao thư. Cái thư được truyền đi rất nhiều rồi share lên facebook thì càng nhiều người biết nữa. Như vậy sẽ có lợi cho các tù nhân lương tâm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì không hẳn tất cả các lá thư đều không đến tay người nhận. Tất cả các lá thư gửi đến trại giam đều bị kiểm duyệt, nhưng với những lá thư vô thưởng vô phạt, nội dung chỉ là thăm hỏi hoặc chúc sức khỏe thì các tù nhân lương tâm vẫn được nhận.
Một cựu tù nhân lương tâm, anh Trương Quốc Huy, người được cho biết là tù nhân lương tâm đầu tiên ở Việt Nam nhận được thư trong chiến dịch của Ân Xá Quốc Tế hồi năm 2010 cho chúng tôi biết cảm xúc của anh khi nhận được những lá thư như thế:
Có những người họ ghi cho mình những lời lẽ giống như mình là một ngư ờ i rất thân thiện, mình là một người làm một việc gì đó lớn lắm. Họ viết như vậy thì khi mình nhận mình cảm thấy vui, và cảm giác an tâm khi mình vướng cảnh ngục tù nhưng công việc mình làm được mọi người ủng hộ và động viên. Huy nghĩ việc động viên là một phần, phần thứ hai là tạo cho người tù lương tâm có cảm giác rất an toàn. Và thực sự hành xử của chính quyền có phần nương tay hơn, cân nhắc hơn bởi họ thấy một tù nhân được đông đảo bạn bè quốc tế quan tâm như vậy.
Không chỉ bản thân tù nhân lương tâm như anh Trương Quốc Huy cảm thấy ấm lòng khi được nhớ đến lúc phải sống trong cảnh tù tội cùng cực; mà đó còn là niềm động viên rất lớn cho gia đình người tù khi họ biết rằng con em họ được quan tâm ra sao.
Khi có một vài người được quan tâm ở trại giam đó thì trại giam đó họ đối xử khác hơn một chút, họ nhẹ nhàng hơn. - Anh Trương Quốc Huy
Ngoài ra theo anh Trương Quốc Huy, một điểm tích cực nữa của việc thư gửi đến cho tù nhân lương tâm còn giúp giảm bớt sự hà khắc mà những người này phải gánh chịu trong tù. Anh chia sẻ:
Khi Huy nhận được những lá thư đó, cuộc sống của mình với nhiều người khác coi như thay đổi bộ mặt của trại giam. Thật sự có những cái họ chăm chút hơn. Khi có một vài người được quan tâm ở trại giam đó thì trại giam đó họ đối xử khác hơn một chút, họ nhẹ nhàng hơn.
Ngoài chiến dịch như vừa nêu của Ân Xá Quốc Tế, một số tổ chức và đơn vị khác cũng có hoạt động tương tự như vào tháng 12 năm 2017, một nhóm trẻ em gốc Việt trường Việt ngữ Thăng Long vùng Hoa Thịnh Đốn gửi thiệp Giáng sinh đến Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi trả tự do cho hai tù nhân lương tâm nữ Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Đây là hai phụ nữ có con nhỏ do đấu tranh cho nhân quyền mà phải chịu án tù bất công.
Khung thiệp ghi sẵn hai dòng: “Santa thân mến, tất cả những gì con muốn cho Giáng sinh là tự do cho mẹ của những người bạn của con” và “Những bà mẹ đơn thân này bị giam giữ 10 năm tù vì niềm tin của họ vào nhân quyền”.