“Thắp lửa yêu nước trong dân” phải bằng hành động cụ thể

Mất lửa yêu nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn trước Quốc Hội vào chiều ngày 8/11 nhấn mạnh rằng, chất vấn là dịp để các thành viên Chính phủ nhìn lại mình, nâng cao chất lượng điều hành và quản lý. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trước Quốc hội cho rằng, chưa bao giờ đất nước đứng trước thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Ông nói: "Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị như Bác Hồ kính yêu từng dạy: Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh."

Do đó, ông Phúc cho rằng, chỉ có khát vọng dân tộc, quyết tâm hành động bằng ý chí mới có thể đưa Việt Nam phát triển hưng thịnh.

Tuy nhiên, sau lời kêu gọi của Thủ tướng, dư luận xã hội cho rằng, dường như lời nói của lãnh đạo nước không gắn với thực tế và không đi đôi với hành động.

Có ý kiến về vấn đề này, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng thành viên nhóm No-U từ Hà Nội cho chúng tôi biết rằng, anh hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Thủ tướng đưa ra trước Quốc hội về việc nhân dân Việt Nam đã trải qua thời kỳ hết sức là khó khăn và đã đứng lên dành độc lập, nhưng:

“…điều ông Phúc nói thì cũng chưa đầy đủ vì trong lịch sử cũng có nhiều vua chúa rất là tàn bạo, kém tài kém đức thì khi gặp những trường hợp như vậy thì đất nước suy vong vì do những vị vua đó. Khi người dân có thể đứng lên cùng với triều đình chống ngoại bang khi có vua đủ tài đủ đức thì nhân dân mới tập hợp được.”

Còn với Nhà báo Ngô Nhật Đăng, thì ông có suy nghĩ khác, ông cho rằng, không riêng gì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ngay cả những nhà lãnh đạo cũng hô hào mọi người thể hiện tinh thần yêu nước nhưng đi vào thực tế đều ngược lại khi mọi người lên tiếng đều bị đàn áp thẳng tay.

“Dù rằng những người cộng sản nhận thấy rằng đất nước phải thay đổi thì người dân phải thể hiện lòng yêu nước nhưng những mục tiêu thay đổi của họ nó rất là mâu thuẫn, muốn kinh tế đất nước phát triển mà chế độ chính trị phải ổn định thì cho thấy hai phạm trù thay đổi nó khác nhau nên đối với những lời kêu gọi như vậy chẳng được người dân phản ứng.”

Có một góc nhìn nhận thực tế hơn, nhạc sĩ Lê Thiệu chia sẻ rằng, hiện nay nhân dân đã mất hết niềm tin vào chính phủ Việt Nam nên đối với những lời kêu gọi của chính phủ thì người dân cũng phớt lời, chẳng ai quan tâm để ý.

“Vì chính bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không có uy tín, trên diễn dàn chỉ nói theo kiểu tào lao thôi chứ không phải là người chính khách, nên niềm tin người dân không còn tin vào chính phủ hiện nay và thậm chí Thủ tướng phát biểu như một trò hề cho người dân cười vậy đó.”

Mất niềm tin

Cũng tại phiên chất vấn báo cáo Quốc hội, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn quá nhiều vấn đề mà người dân đang bức xúc và để giải quyết được những vấn đề đó, mọi người dân phải cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng, cùng hành động quyết liệt thì mới có thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này.

Đúng là lời nói của thủ tướng Phúc không sai chệch đường hướng của chính phủ VN đưa ra, nghĩa là chính phủ lúc nào cũng là …của dân, vì dân và do dân. Tuy nhiên, nhìn nhận lại thực tế, bao nhiêu tiếng nói của giới nhân sĩ, trí thức lên tiếng bảo vệ đất nước đã bị quy kết là phần tử phản động, thậm chí nhiều người trong số họ đã bị bắt bớ và bỏ tù.

Vậy, ngọn lửa yêu nước của người dân làm sao để thắp lên?

Kỹ sư Trần Bang từ Sài Gòn nhận định, đối với những lời nói đó thì việc tin hay không tin là tùy thuộc vào mỗi người nhưng đối với cá nhân ông thì ông khẳng định là không tin.

“…vì nếu các ông thả những người tù chính trị, biểu tình yêu nước ra, phản đối luật Đặc khu và An Ninh mạng mà hai luật này từ Trung Quốc mà ra giờ vác về kêu chống giặc ngoại xâm mà lại đi tiếp tay cho ngoại xâm. Nhiệt điện than, Vũng Áng Formosa, Bôxit Tây Nguyên… thì những điều đó tôi không tin. Họ thả hết những tù nhân lương tâm, những người đấu tranh lên tiếng chống Trung Quốc xâm lược bị bắt bỏ tù mà họ cho là tuyên truyền nói xấu. Khi nào bỏ Cộng sản thì chúng tôi công nhận yêu nước, còn không bỏ thì không yêu nước thế thôi. Đảng lãnh đạo mà cho đảng viên sang Trung Quốc tập huấn thì làm sao nói yêu nước, nói vậy chỉ nói giả vờ, mị dân thôi.”

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bổ sung thêm ý kiến về điều này:

“…thật nực cười và phi lý khi có hàng trăm tù nhân lương tâm vẫn đang chịu cảnh đọa đày trong ngục tối vì những điều họ nói và làm đi ngược với ý chí của nhà nước này. Mặc dù những việc họ làm cũng để bảo vệ đất nước, lên tiếng chống bất công, chống giặc ngoại xâm thế nhưng những người như thế là minh chứng lớn cho thấy nhà cầm quyền hiện nay họ không có thiện chí, ý chí gì bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước và tất cả những điều họ kêu gọi mục đích cũng chỉ là bảo vệ chế độ mà thôi chứ không phải bảo vệ đất nước bảo vệ nhân dân này.”

Còn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng dẫn ra một ví dụ để minh chứng cho mọi lời nói của chính phủ đều không được người dân quan tâm. "ví dụ như luật đất đai không thể để luật là đất đai sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý đó là một khái niệm nghe rất phẫn nộ, bất kỳ lúc nào có thể bị tước đoạt đất đai của mình." Do đó, ông cho rằng mọi vấn đề mà họ (chính quyền –PV) nói một đằng nhưng đều làm một nẻo làm cho mọi người hay nhớ lại câu nói của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy xem những gì cộng sản làm".