Vì sao phải kêu gọi mua báo Đảng lúc này?
Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 9 tháng 9 năm 2020, đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, và các tờ báo đảng như Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật... tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam ban hành trước đây. Trong đó yêu cầu tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng...
Đây không phải là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ thị tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng... Nhưng vì sao dù đã có chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã lâu, mà Ban Tuyên giáo lại phải tiếp tục kêu gọi như vậy?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Nếu chỉ thị đó có hiệu lực trong phạm vi đảng thì không có việc gì cả, một ban của đảng chỉ chị cho các đảng bộ địa phương mua báo của đảng thì không thành vấn đề, đó là chuyện nội bộ của đảng. Khó nhất là người ta lấy tiền ngân sách, tức là tiền thuế của người dân bình thường không phải đảng viên, như tôi chẳng hạn, tôi phải đóng thuế... để đi mua những tờ báo đó... thì mới thành vấn đề... tôi sợ rằng nó rơi vào trường hợp thứ hai, chứ không phải trong phạm vi đảng, dùng quỹ đảng để mua.”
Mua báo Đảng có là nhu cầu cần thiết?
Họ bắt các cơ quan khác lấy tiền ra mua thì tôi nghĩ đấy là một cách nhồi sọ rất trắng trợn, nó thể hiện một sự bất lực của họ là chẳng ai thèm đọc cả, nên mới phải ép buộc như vậy. Đó là một lời thú nhận thất bại một cách gián tiếp.<br/>-TS. Nguyễn Quang A
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra chỉ thị đến tất cả các ban ngành ở các địa phương trên toàn quốc, cần nâng cao nhận thức, coi việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm, là nhu cầu cần thiết.(!?)
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, nói:
“Tôi nghĩ đối với đảng của họ thì chắc chắn họ nghĩ báo đảng là cần thiết, còn đối với người dân thì người ta coi cái đấy ra gì, và tôi nghĩ ngay cả các đảng viên thường thì cũng chẳng ai coi báo đấy ra cái gì cả.”
Liệu việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng có là nhu cầu cần thiết của người dân, hay công chức địa phương mà Ban Tuyên giáo Trung ương gắn nó với trách nhiệm? Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ đấy là một cách áp đặt cho bên dưới... nếu mà họ lưu hành nội bộ trong đảng của họ thì không nói làm gì. Còn nếu họ bắt các cơ quan khác lấy tiền ra mua thì tôi nghĩ đấy là một cách nhồi sọ rất trắng trợn, nó thể hiện một sự bất lực của họ là chẳng ai thèm đọc cả, nên mới phải ép buộc như vậy. Đó là một lời thú nhận thất bại một cách gián tiếp.”
Những ai làm về báo chí đều biết ngoài việc đưa tin xác thực, nói chung phải đánh đúng nhu cầu của người đọc, những cái người đọc đang quan tâm thì theo đúng. Vậy liệu có phải Ban Tuyên giáo Trung ương biết rõ báo đảng không đáp ứng được nhu cầu người dân nên phải ra chỉ thị, gắn trách nhiệm?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định dưới góc nhìn của mình:
“Họ quá lo lắng vậy thôi, chứ tôi nói ví dụ như cơ quan của tôi là một trường đại học, bao giờ tờ báo Nhân dân cũng có trong các tổ chức trong trường do ngân sách bỏ tiền mua... Ta thấy tình trạng buồn cười lắm, những tờ báo này nếu là kinh tế thị trường bình thường thì chắc đã chết từ lâu rồi... vì không ai mua cả. Bằng chứng rất là rõ và rất dễ kiểm chứng, chỉ cần ra phố hỏi người bán báo mua báo Nhân dân, thì người bán kinh ngạc lắm, tưởng mình nói đùa vì họ không bao giờ bán báo Nhân dân cả... lý do đơn giản vì không ai mua nên bán làm chi.”
Đối với các nước nói chung, báo chí là một sản phẩm của thị trường thì phải căn cứ vào nền kinh tế thị trường. Người ta hay gọi báo chí là một món ăn tinh thần, như vậy để thị trường quyết định. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì người ta sẽ chấp nhận và mua (xem) sản phẩm đó, và tờ báo sẽ sống được.
Vậy những tờ báo đảng như báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản... được tiêu thụ ở đâu? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng giải thích:
“Báo đảng được tiêu thụ ở các tổ chức nhà nước, người ta lấy tiền thuế của dân để đi mua báo. Ta thấy một tình trạng là tờ báo Nhân Dân lấy tiền thuế của dân làm ra báo, và tờ báo đó cũng được mua bằng tiền thuế của dân, vòng xoay cứ như thế nhưng không ai đọc. Nhưng theo tiêu chuẩn của đảng là rất quan trọng, được đánh giá rất cao, tổng biên tập tờ báo đó phải là ủy viên trung ương đảng, tờ báo được đối xử như một bộ... Ví dụ lãnh đạo tổ chức nhân sự tờ báo được gọi là Vụ trưởng Vụ tổ chức nhân sự báo Nhân Dân, như một vụ của một bộ, thực tế là như vậy đó nhưng chả ai đọc cả.”
Không có tự do báo chí
Chỉ cần ra phố hỏi người bán báo mua báo Nhân dân, thì người bán kinh ngạc lắm, tưởng mình nói đùa vì họ không bao giờ bán báo Nhân dân cả... lý do đơn giản vì không ai mua nên bán làm chi.<br/>-PGS. TS. Hoàng Dũng
Nếu có ai đọc báo của đảng như báo Nhân Dân, thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, họ chỉ muốn kiểm chứng chính sách của đảng như thế nào? Người đọc quá ít nên sự tồn tại của báo đảng như báo Nhân Dân là một sự mỉa ai cho nền báo chí. Ông nói tiếp:
“Nhưng ta biết đây kinh tế thị trường nhưng là kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa, các tờ báo đảng như tờ Nhân Dân thể hiện cái Xã hội Chủ nghĩa đó. Như tôi đã nói, chỉ thị đó là do họ quá lo vậy thôi, chứ lâu nay họ vẫn bỏ tiền nhà nước ra mua, vì tiền nhà nước chứ không phải tiền túi nên người ta có e ngại gì đâu? Mà cơ quan kiểm toán thấy dùng tiền thuế dân mua báo Nhân Dân thì đó cơ quan kiểm toán nào dám có ý kiến. Đối với mua báo đảng, chỉ là số tiền nhỏ đối với các cơ quan, mà lại bảo kê về mặt tư tưởng, nên không ai lại ngại ngần gì mà bỏ tiền ra mua. Chỉ thị như vậy là do họ quá lo lắng thôi chứ không có tác động gì lớn.”
Không chỉ báo Đảng, báo chí tại Việt Nam nói chung phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình:
“Họ vẫn tư duy theo lối cũ, rõ ràng đây là một cách tư duy có từ những năm 60 thế kỷ trước, mà họ vẫn làm, không có gì thay đổi. Bây giờ là thời đại của internet, công nghệ thông tin, thì làm sao nó phù hợp được, trong khi hiện nay thông tin luôn luôn mới trong một thế giới đầy biến động. Bây giờ vẫn cứ nhìn nhận theo một cách áp đặt như thế thì không thể được.”
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, đã công bố phúc trình về Chỉ số Tự Bo Báo chí Thế giới năm 2020; theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia, được đánh giá là không có tự do báo chí.