Trong lúc nhiều trang mạng trong và ngoài nước loan tin ông này bị bắt tại Campuchia nhưng giới chức cao cấp xứ chùa Tháp lên tiếng từ chối.
Interpol ở Campuchia không được báo cáo?
Sau khi được Việt Nam yêu cầu, Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với ông Dương Chí Dũng, 55 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), do ông này cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật hình sự.
Các trang mạng điện tử trong và ngoài nước loan tin ông này bị bắt vào ngày 1/9 tại Campuchia, rồi bị áp giải về Việt Nam vào ngày 4/9. Sau đó một ngày, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tuyên bố tại cuộc họp báo rằng ngay sau khi ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, Thủ tướng đã trực tiếp nghiêm khắc nhắc nhở Bộ Công an và yêu cầu bộ tập trung chỉ đạo bắt bằng được ông Dương Chí Dũng.
Mặc dù thông tin chính thức Bộ Công an cho biết ông Dương Chí Dũng đã bị bắt nhưng chi tiết về việc bắt giữ, cũng như nơi mà ông Dũng ẩn trốn trong suốt thời gian qua không được đề cập. Tuy nhiên thông tin trên nhiều trang báo điện tử và trang blog của Việt Nam cho rằng ông Dương Chí Dũng bị bắt ở Campuchia.
Nhiều trang mạng còn nói Việt Nam – Campuchia trước sau là một, hợp tác đôi bên có lợi. Có lẽ vì quá gấp gáp nên ông Dũng quên đi nước láng giềng Campuchia không phải là nơi an toàn cho riêng ông và những người bất đồng chính kiến đào thóat từ Việt Nam.
Mặc dù thông tin cả trong và ngoài Việt Nam đều nói ông Dũng bị bắt tại Campuchia nhưng chính Phnom Penh lên tiếng với RFA rằng những thông tin ông Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia thiếu cơ sở và không chính xác.
Ông Keo Vanthan, Giám đốc Văn phòng Interpol Campuchia; ông Sok Phal, Phó trưởng cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Campuchia; ông Kirth Chantharith, Phát ngôn viên của lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia; ông Khiev Sopheak, Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Hoàng gia Campuchia và ông Touch Narath, Cảnh sát trưởng Phnom Penh đều lên tiếng không xác nhận tin tức về việc Campuchia bắt được ông Dũng đưa về Việt Nam.
Ông Kirth Chantharith, người phát ngôn của lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia nói bình thường vụ án xảy ra ở xứ này ông đều nhận được báo cáo nhưng đối với thông tin ông Dương Chí Dũng bị bắt thì không biết. Ông nói:
“Trường hợp bị truy nã quốc tế là phải có hồ sơ đề nghị truy nã, phối hợp chặt chẽ với tổ chức Interpol. Trong đó phải chứng minh nghi phạm có tội gì, thuộc loại hồ sơ nào. Sau khi bị bắt, Interpol sẽ thực thi đúng theo Luật pháp của nước đề nghị và quốc tế. Riêng vấn đề ông Dương Chí Dũng bị bắt ở đây, tôi không nhận được báo cáo, và cũng không biết.”
Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol là một tổ chức thi hành luật quốc tế được thành lập vào năm 1923. Tổ chức này bao gồm 187 thành viên, tất cả là lực lượng cảnh sát của các quốc gia thành viên, nhằm phối hợp các nước lại với nhau để giải quyết những khó khăn, trở ngại trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm người nước ngoài.
Công việc chính của Interpol là theo dõi, điều tra phát hiện các tội phạm như rửa tiền, buôn bán người, buôn bán ma túy, vũ khí, chống tội phạm công nghệ cao, chống tội phạm có tổ chức, chống khủng bố…
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chỉ biết tin qua internet?
Đến nay, giới trí thức và nhà quan sát Campuchia vẫn coi Chính phủ xứ chùa Tháp chịu ảnh hưởng lớn từ Việt Nam. Có rất nhiều trường hợp người tỵ nạn chính trị Việt Nam bị bắt đưa về nước.
Tháng 4 năm 2002, Thượng Tọa Thích Trí Lực trốn sang Campuchia và được Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cấp giấy công nhận quyền tỵ nạn chính trị. Tháng 7 năm 2002, Thượng Tọa Thích Trí Lực bị công an Việt Nam hợp lực với cảnh sát Campuchia bắt cóc từ Phnom Penh đưa về nứơc xét xử và bị kêu án 18 tháng tù trong một phiên tòa xử kín năm 2003.
Ông Nguyễn Nam nhận xét: "Chúng ta đều biết, ông Dũng ăn hối lộ bao nhiêu nhưng cuối cùng ông ấy vẫn ra đi được. Luật pháp Việt Nam rất gắt gao trước khi bắt một tội phạm nào, đối với trường hợp không phải như ông Dương Chí Dũng ấy thì người ta giữ lại rồi. Còn ở đây, không biết lý do nào mà có thể trốn đi. Theo tôi nghĩ chắc phải bị bắt ở Campuchia."
Quay lại chuyện ông Dương Chí Dũng, có thông tin Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã làm thủ tục bàn giao ông Dũng để di lý về Việt Nam vào ngày 4/9/2012.
Tuy nhiên thông tin trên đã bị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia bác bỏ. Đại sứ Việt Nam Ngô Anh Dũng trả lời phóng viên RFA vào sáng ngày 7/9 rằng Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia không nhận được thông tin liên quan vụ án ông Dương Chí Dũng.
Bên cạnh có tin Campuchia và Việt Nam làm thủ tục bàn giao ông Dũng về nước nhưng phía Sứ quán Việt Nam nói không biết chuyện này.
Còn người phát ngôn Lê Minh Ngọc cho biết: "Hiện nay, thông tin thì tôi chỉ đọc trên mạng công khai nhưng không có thông tin gì từ Bộ Nội vụ cả. Họ chỉ nói lực lượng chức năng đã bắt được ông Dương Chí Dũng nhưng không nói cụ thể là bắt ở đâu và bắt được ông Dương Chí Dũng như thế nào. Đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông tin liên quan…có thể thông tin này đến chậm?"
Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải vào tháng 2 năm 2002 nhưng cảnh sát điều cho rằng ông này có sai phạm lúc làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Trước khi cơ quan điều tra tiến hành lệnh bắt giam vào ngày 17/5/2012, ông Dũng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và người ta nghi ngờ rằng chính cơ quan công quyền Việt Nam giúp cho Dũng trốn để tránh liên lụy tới nhiều người khác trong bộ máy.
Sau khi bắt được ông Dương Chí Dũng, công an Việt Nam đã khuyến khích những ai đã bao che cho ông Dũng chạy trốn hãy ra đầu thú để đựơc nhà nước khoan hồng.