Campuchia không an toàn cho người tị nạn

Theo HRW, Campuchia không còn là nơi an toàn cho người tị nạn khi chính phủ nước này trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc và buộc hồi hương 14 người Thượng về Việt Nam.

0:00 / 0:00

Trục xuất người tị nạn

Một chuyên gia cao cấp của tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch, bà Sara Colm, mới đưa ra nhận định Campuchia không phải là nơi an toàn cho những người tị nạn trong bài phân tích liên quan đến vấn đề Chính phủ hoàng gia Campuchia quyết định trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc năm ngoái, và tiếp tục dọa sẽ đóng cửa trại tị nạn người Thượng chạy thoát từ Việt Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 2011.

Quan chức cấp cao của tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch viết rằng, dịp kỷ niệm một năm ngày Campuchia quyết định trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ để Trung Quốc sách nhiễu, buộc tội, giam cầm cho thấy xứ Chùa Tháp không tôn trọng Hiệp ước Quốc tế bảo vệ người tị nạn mà chính phủ đã ký kết với Liên Hiệp Quốc trong năm 1951 và Nghị định thư năm 1967. Hiệp ước này, không cho phép nước thành viên đã ký kết trục xuất người tị nạn trở về nước trong khi họ bị hành hung, sách nhiễu, đàn áp bởi chính phủ họ.

Bà Sara Colm còn cho biết, quyết định trục xuất người Duy Ngô Nhĩ được thực hiện chỉ sau khi Thủ tướng Hun Sen đã ký chỉ thị vào ngày 17 tháng 12 năm 2009 chỉ đạo cho Bộ Nội Vụ nước này từ chối hay chấm dứt việc cấp quy chế tị nạn mà việc này từng thuộc vào quyền hạn của cơ quan Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR).

Sau đó một ngày, 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ đã bị trục xuất về Trung Quốc.

Sau khi Thủ tướng Hun Sen và phái đoàn cấp cao kết thúc chuyến thăm chính thức tại Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Hor Namhong cho biết quyết định của Chính phủ trong buổi họp báo tại sân bay Quốc tế Phnom Penh hôm 17/12 rằng, Campuchia sẽ trục xuất những người Thượng không được cấp quy chế tị nạn về Việt Nam. Ông Hor Namhong phát biểu:

"Thủ tướng Hun Sen quyết định cho hoãn đóng cửa trại đến giữa tháng hai. Ông Long Visal sẽ gặp đại diện cơ quan UNHCR tại thủ đô Phnom Penh để báo cho họ biết, chúng ta chỉ hoãn đến ngày 15 tháng 2. Chúng ta sẽ đóng cửa trại người Thượng."

Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Khi có nhiều viện trợ thì lại có xu hướng chính trị theo nước tài trợ và làm theo nước đó...

Giáo sư Lao Mong Hay

Giáo sư Lao Mong Hay, hiện là chuyên viên cấp cao của Ủy ban Nhân quyền Á Châu tại Hồng Kông, đồng thời là nhà phân tích tình hình Campuchia bày tỏ hối tiếc bởi vì Chính phủ hoàng gia nước này không tôn trọng Hiệp ước bảo vệ người tị nạn. Ông nói, lãnh đạo Campuchia hiện nay chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân và quyền lực, chứ họ không nghĩ đến công việc nhân đạo:

"Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Khi có nhiều viện trợ thì lại có xu hướng chính trị theo nước tài trợ và làm theo nước đó chẳng hạn như Trung Quốc, họ viện trợ hàng trăm triệu đôla Mỹ thì Campuchia chẳng dám làm gì họ; ngoài ra còn có Việt Nam. Chính vì lãnh đạo chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân."

Giáo sư Lao Mong Hay còn cảnh cáo rằng, Campuchia không được bỏ quên hoàn cảnh mà người dân mình từng gặp cách đây khoảng 30 năm. Vì lúc đó đã có rất nhiều người Campuchia sang các nước trên thế giới để xin tị nạn. Ông muốn Chính phủ xem xét và tôn trọng Hiệp ước Quốc tế liên quan vấn đề người tị nạn và Nhân quyền.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng cho biết, vào tháng Giêng năm 2010 có một thông tin không chính thức rằng, trong 20 người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất từ Campuchia về Trung Quốc đã có 4 người bị đem ra tử hình và nhiều người khác bị kết án từ 4 năm tù giam đến chung thân.

Không nơi nương tựa

000_Hkg4335213-250.jpg
Một nhà sư VN cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng vụ cầu Kim Cương ở Campuchia hôm 22/11/2010. AFP photo (Một nhà sư VN cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng vụ cầu Kim Cương ở Campuchia hôm 22/11/2010. AFP photo)

Tuần qua, Trung tâm Nhân quyền Campuchia cũng lên án mạnh mẽ xung quanh vấn đề Chính phủ nước này quyết định đóng cửa trại người Thượng tại thủ đô Phnom Penh và buộc trục xuất 14 người Thượng về Việt Nam. Mặc dù Chính phủ khẳng định Việt Nam không còn chiến tranh nhưng những người đang đứng trước nguy cơ sẽ bị trục xuất vẫn tỏ ra lo lắng. Một người Thượng sang tị nạn tại Campuchia hồi tháng 11 năm 2010 được ký tên về Việt Nam nói:

"Sang Campuchia thì UNHCR đã từ chối em. Họ nói em không còn hy vọng nữa cho nên họ cho em ký về. Về Việt Nam, em sợ công an làm khó em."”

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2005, cơ quan Cao ủy tị nạn LHQ tại Campuchia ra thông báo từ chối cấp quy chế tị nạn cho người Khmer Krom chạy từ miền Nam của Việt Nam. Thông báo viết rằng, cơ quan UNHCR đã được thông báo từ Chính phủ hoàng gia Campuchia, Khmer Krom chạy thoát từ Việt Nam đến Campuchia đã được nước này chào đón và được xem là công dân Campuchia. Do đó, trường hợp người Khmer Krom đã đăng ký với cơ quan UNHCR thì không còn thuộc phạm vi của tổ chức này. Mọi hỗ trợ, Khmer Krom nên yêu cầu trực tiếp với Chính quyền Campuchia.

Sang Campuchia thì UNHCR đã từ chối em. Họ nói em không còn hy vọng nữa cho nên họ cho em ký về. Về Việt Nam, em sợ công an làm khó em.

Một người Thượng tị nạn”

Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia không chỉ không quan tâm đến những người tị nạn Khmer Krom mà còn chụp mũ họ là người lợi dụng đất xứ Chùa Tháp để nổi dậy đấu tranh đòi độc lập từ Việt Nam. Kể từ đó, nhiều người tị nạn Khmer Krom bị đàn áp và cuối cùng họ buộc phải sang Thái Lan để xin tị nạn. Một số người bị cơ quan UNHCR tại Thái Lan từ chối cấp quy chế thì họ buộc phải trở về nhà, nhưng họ về lại bị Công an Việt Nam bắt bỏ tù như trường hợp ông Chau Hêng, 56 tuổi, quê quán ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Thực tế, Việt Nam không còn chiến tranh nhưng những người tị nạn Khmer Krom than phiền rằng nước này vẫn còn tồn tại tệ chụp mũ. Mỗi khi họ đi biểu tình đòi đất đai, thì bị cáo buộc là đòi sáp nhập lãnh thổ vào Campuchia.

Theo dòng thời sự: