Bùng nổ camera hay tham vọng mới “lộ diện”?

0:00 / 0:00

Hình thức tham nhũng mới?

Tỉnh ủy Vĩnh Long vào ngày 22/10 đã phải có cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan đến dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long” với tổng kinh phí hơn 199,1 tỉ đồng cho 114 camera khiến dư luận xôn xao.

Tôi lo ngại họ dùng từ mỹ miều như để đảm bảo an ninh xã hội để... sử dụng nó như một công cụ để giám sát người dân, hạn chế hoạt động của những người nói ý kiến trái chiều với họ như dân oan hay những nhà hoạt động, theo dõi, giám sát người ta. - Lã Việt Dũng

Sở dĩ sự vụ ở tỉnh Vĩnh Long gây xôn xao dư luận vì trước đó, tỉnh Sóc Trăng, đã phải điều trần về chi phí lắp đặt 16 camera gần 1 tỷ đồng tại tư gia 16 cán bộ trong Ban Thường vụ. Và, nguồn kinh phí này lại được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng tỉnh Ủy.

Mặc dù ngay sau khi dự án được công bố khoảng 1 tuần thì các vị lãnh đạo tỉnh ủy Sóc Trăng đã trả lại số tiền mua camera lại ngân sách của tỉnh nhưng người dân trong cả nước vẫn còn hoang mang về dự án được cho là “đẻ” ra để “rút” tiền ngân sách là chính.

Sự vụ ở Sóc Trăng vừa ngưng thì Vĩnh Long lại công bố số tiền khủng đầu tư camera. Theo thông tin thì vị chi tiền mua một camera lên đến trên 1 tỷ đồng.

Liên tiếp 2 vụ việc ở Sóc Trăng và Vĩnh Long, dư luận lại bàn tán về đề án “Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung” mà Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa trình lãnh đạo thành phố trong tháng 8. Theo Sở, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.

Nhận xét về việc tăng cường camera giám sát ngày càng nhiều ở các tỉnh thành, Luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ:

“Theo tôi nghĩ lắp vào những nơi công cộng cũng tốt thôi, không ảnh hưởng gì nhiều, nhất là những nơi như bến xe, nhà ga, bến cảng hoặc những nơi sinh hoạt cộng đồng nên lắp để đảm bảo an ninh.”

Nhiều ý kiến trên các diễn đàn lại cho rằng sau khi hàng loạt dự án bị phanh phui sai phạm, hàng chục cán bộ lãnh đạo bị khởi tố do ‘tham nhũng’ khiến nhiều quan chức đang tại vị lo sợ, vì vậy, thay vì “vẽ” dự án khủng hàng nghìn tỷ đồng họ bắt đầu chuyển dịch sang dự án nhỏ hơn vài trăm tỷ đồng như lắp đặt camera tràn lan.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định:

“Thực ra cái này không có gì mới, thường xuyên như vậy. Tất cả các dự án chi tiêu vào tiền ngân sách thì họ đều là công cụ để họ kiếm tiền thêm, có thể thấy như các tượng đài hay các công trình cổng chào, tất cả những dự án gì thì gần như đều đội giá lên rất nhiều. Đấy chắc chắn là công cụ để các quan chức trong các tỉnh kiếm (tiền). Còn vụ camera này họ còn kiếm mạnh hơn nữa bởi vì tôi thấy các dự án thông minh lắp các camera giám sát nó là chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới họ có ý định làm từ lâu rồi. Chắc chắn đây là một miếng bánh rất béo bở đối với họ.”

Chúng tôi có trao đổi với một doanh nghiệp lắp camera an ninh tại Sài Gòn để tìm hiểu về giá cả lắp đặt camera quan sát giao thông và được anh cho biết:

“Tùy theo loại camera hay độ phân giải của camera, hoặc vị trí lắp đặt. Nếu loại speedup khoảng 40-50 triệu cũng có, loại bình thường khoảng 1, 2 triệu. Nhận diện khuôn mặt thì mắc hơn, cần tích hợp phần mềm tích hợp nhận diện khuôn mặt nữa, khoảng tầm 50-60 triệu nữa.”

Hệ thống camera giám sát. (Ảnh minh họa)
Hệ thống camera giám sát. (Ảnh minh họa) (AFP)

Vì vậy, theo Luật sư Hà Huy Sơn, dù việc lắp camera giám sát là một điều tốt, nhưng nếu so với những nhu cầu xã hội khác, việc này vẫn chưa thật sự cần thiết:

“Với khoản chi lớn như thế các tỉnh nên cân nhắc trong các nhiệm vụ cần phải chi, chẳng hạn như tiền đấy giành chi để đầu tư nâng cấp bệnh viện, trường học hay các công trình phục vụ an sinh xã hội có khi nó sẽ có ích, có hiệu quả hơn việc lắp camera quá tốn kém.”

Vẫn theo Luật sư Sơn, chính quyền cũng cần phải xem xét tới việc quyết định lắp ở địa điểm nào, có thể thông qua Hội đồng Nhân dân hay cũng nên xin ý kiến xã hội, trưng cầu ý kiến dân chúng. Đa số quyết định thế nào thì chính quyền dựa vào đó thực hiện.

Giám sát người dân?

Báo trong nước dẫn lời ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết dự án lắp camera tại Sài Gòn được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 và giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Trong đó, các camera giám sát được kết nối dữ liệu về trung tâm hình ảnh giám sát camera tập trung của TPHCM, từ đó có thể giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng…

Bên cạnh đó, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, việc lắp camera này là mối nguy hại khá lớn đối với an ninh đất nước:

“Rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang học tập, thậm chí bê nguyên xi công nghệ của Trung Quốc về để tăng cường giám sát người dân qua các công cụ nhận diện khuôn mặt mà Trung Quốc gọi tên rất mỹ miều là ‘thành phố thông minh’. Bản chất đó là một giải pháp lắp rất nhiều camera và dùng các phần mềm, các công cụ trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt nhằm giám sát người dân. Tôi thấy đấy là một điều tốn tiền của.”

Với khoản chi lớn như thế các tỉnh nên cân nhắc trong các nhiệm vụ cần phải chi, chẳng hạn như tiền đấy giành chi để đầu tư nâng cấp bệnh viện, trường học hay các công trình phục vụ an sinh xã hội có khi nó sẽ có ích, có hiệu quả hơn việc lắp camera quá tốn kém. - LS. Hà Huy Sơn

Ngoài ra, ông Dũng cũng bày tỏ việc lắp camera này còn gây ra mối lo ngại về việc xâm phạm đời tư, cá nhân của con người. Ông tiếp lời:

“Tôi lo ngại họ dùng từ mỹ miều như để đảm bảo an ninh xã hội để làm 2 việc. Một là họ sẽ sử dụng nó như một công cụ để giám sát người dân, hạn chế hoạt động của những người nói ý kiến trái chiều với họ như dân oan hay những nhà hoạt động, theo dõi, giám sát người ta. Cái lo ngại thứ hai lớn hơn là thông tin công nghệ sử dụng sẽ ăn cắp những thông tin về khuôn mặt đó sẽ được đẩy qua Trung Quốc, như vậy gần như người dân Việt Nam không còn quyền riêng tư gì nữa cả.”

Trước đó, một số chùa tại Việt Nam đã lên tiếng cho biết bị an ninh gắn camera theo dõi trước cổng mặc dù không được sự cho phép của nhà chùa.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến cho rằng việc gắn camera quan sát thực chất được xem như một hình thức theo dõi và “răn đe” vì trên thực tế, các trường học, trung tâm, bệnh viện, sân bay, nhiều cơ quan, đường phố... cũng đã được gắn camera, nhưng bạo hành và các hình thức nhũng nhiễu người dân vẫn không giảm.

Theo báo Nikkei Asian Review, các nhà quan sát quốc tế cảnh báo tại Hội nghị Internet toàn cầu lần 6 diễn ra ở Chiết Giang, Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang cố xuất khẩu mô hình kiểm duyệt internet, mạng xã hội của họ sang các nước tham gia sáng kiến “Vành đai, con đường”. Cũng tại hội nghị, Trung Quốc tuyên bố đến năm 2020, chính quyền sẽ hoàn thành lắp đặt 626 triệu camera theo dõi trên cả nước và gần như cứ 2 người dân thì có một camera…