Campuchia chính thức lên tiếng phản đối việc VN xâm lấn biên giới

0:00 / 0:00

Bộ ngoại giao Campuchia liên tiếp gửi hai công hàm ngoại giao cho chính quyền Hà Nội để phản đối về việc Việt Nam tự ý ao mương thủy lợi trong khu vực biên giới.

Đây là lần hiếm hoi mà chính quyền được cho là thân Việt Nam của ông Hun Sen lên tiếng trước hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ từ phía Việt Nam. Hai công hàm được bộ Ngoại giao Campuchia gửi cho chính phủ Việt Nam liên tiếp trong hai ngày 12 và 14 tháng 6 năm 2015, phản đối việc Việt Nam tự ý đào 8 ao mương nước trên khu vực vẫn chưa được phân giới cắm mốc.

8 ao mương nước này được đào ở khu vực phum Lum, xã Pak Nhay, huyện O Yadaw, tỉnh Ratanakiri giáp với tỉnh Gia Lai của Việt Nam.

Thời gian gần đây, vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia là vấn đề lớn trên nghị trường Campuchia. Theo các nghị sĩ thuộc đảng Cứu Quốc đối lập thì tình trạng Việt Nam có các hành vi lấn chiếm, thay đổi thực trạng biên giới diễn ra ở mọi nơi. Thông tin về vấn đề Việt Nam lấn chiếm lãnh thổ được báo chí Campuchia cập nhật liên tục, ban đầu là khu vực Ton Hon tỉnh Kampot giáp với Hà Tiên, khu vực Phnum Dinh tỉnh Takeo giáp với tỉnh An Giang, khu vực Me Mort tỉnh Tbong Khum, giáp với tỉnh Tây Ninh, khu vực Rumdoul tỉnh Svay Rieng giáp với tỉnh Long An và mới đây nhất và việc Việt Nam đào giếng bị cho là trên phần đất Campuchia.

Hai công hàm được bộ Ngoại giao Campuchia gửi cho chính phủ Việt Nam liên tiếp trong hai ngày 12 và 14 tháng 6 năm 2015, phản đối việc Việt Nam tự ý đào 8 ao mương nước trên khu vực vẫn chưa được phân giới cắm mốc

Điều này cũng khiến cho người dân ở các địa phương dọc biên giới, học sinh, sinh viên, các tầng lớp xã hội và các đảng phái chính trị ở Campuchia hết sức bất bình. Họ liên tục thành lập các đoàn đến kiểm tra các địa điểm có phát sinh mâu thuẩn.

Công hàm ngoại giao gửi hồi ngày 12 và 14 tháng 6 vừa qua sau khi chính quyền Campuchia tìm thấy 8 ao mương nước do Việt Nam đào trái phép. Tuy nhiên, trước đó Hạ nghị sĩ Mao Monyvann thuộc đảng đối lập đã nhiều lần đến kiểm tra và cáo buộc Việt Nam lấn chiếm biên giới.

Ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Quốc, người từng nhiều lần lến án chính quyền ông Hun Sen vô trách nhiệm với vấn đề biên giới đã lên tiếng ủng hộ bản công hàm này. Ông gọi phản ứng này của chính quyền là một việc hiếm trong lịch sử. Ông Sam Rainsy: "Chúng ta ủng hộ. Họ làm đúng, không ai dám chống lại cả. Ai lại chống đối hành vi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chứ. Campuchia là đất nước chung của chúng ta. Chúng ta ủng hộ và cổ vũ những người yêu nước".

Vào ngày 15 tháng 6 năm 2015, chúng tôi không thể hỏi được phản ứng của Việt Nam trước công hàm này do người phụ trách Phòng Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia không nghe điện thoại.

Các nhà nghiên cứu xã hội độc lập và các tổ chức xã hội Campuchia thì cho rằng Campuchia quốc tế hóa vấn đề biên giới với Việt Nam.

Tiến sĩ khoa học chính trị Sok Tuoch cho rằng phản ứng của chính phủ là quá chậm và đáng lý phải ra công hàm ngoại giao và thông cáo báo chí từ đầu tháng 5 năm 2015 khi mà Việt Nam phun thuốc phá hoại hoa màu của người Campuchia ở huyện Me Mort tỉnh Tbong Khum. Về bản công hàm này, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng thì Campuchia có quyền đơn phương lấp các giếng đào kia. Tiến sĩ Sok Tuoch:

"Chúng ta phải tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề một nhà nước phải trả lời yêu cầu của một nhà nước khác. Và chúng ta có quyền triệu tập Đại sứ Việt Nam để buộc họ làm sáng tỏ về vấn đề này. Chúng ta buộc họ phải cho biết họ làm như vậy là dựa vào cơ sở gì, bản đồ nào và luật gì. Chúng ta phải buộc Đại sứ Việt Nam trả lời".

Chúng ta phải tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề một nhà nước phải trả lời yêu cầu của một nhà nước khác. Và chúng ta có quyền triệu tập Đại sứ Việt Nam để buộc họ làm sáng tỏ về vấn đề này. Chúng ta buộc họ phải cho biết họ làm như vậy là dựa vào cơ sở gì, bản đồ nào và luật gì

Tiến sĩ Sok Tuoch

Riêng tiến sĩ Kem Lay thì ủng hộ bản công hàm ngoại giao này vì nó nhắc nhở phía Việt Nam nên chấm dứt các hoạt động lấn chiếm đất đai. Ông còn cho biết Chính quyền Campuchia nên có những hành động khác với quy mô lớn hơn do tình trạng Việt Nam lấn đất diễn ra hầu như ở mọi nơi dọc biên giới. Ông cho rằng việc lấn đất của Việt Nam được thực hiện theo hệ thống và gợi ý chính quyền phải nghiên cứu vấn đề biên giới với Việt Nam một cách có khoa học với sự tham gia của đảng đối lập và một bên thứ ba nữa. Tiến sĩ Kem Lay:

"Bên thứ ba ở đây có thể là Pháp vì Pháp biết rất rõ vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, thứ hai là chúng ta nên tìm sự can thiệp từ các nước ASEAN. Nhưng tốt nhất là chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ, trong thời gian ngắn để hoàn thiện hồ sơ, không chỉ là thông cáo hay công hàm ngoại giao như hiện nay mà phải kiện lên tòa án quốc tế như trường hợp đền Preah Vihear vậy. Ta thấy trường hợp này cũng tương tự trường hợp Thái xâm chiếm Preah Vihear, còn Việt Nam thì họ xâm chiếm tất cả các nơi dọc theo biên giới. Chúng ta phải kiện như nhau, nếu không kiện thì chứng tỏ rằng chúng ta đã nằm dưới sự cai trị của họ".

Đây là lần đầu tiên chính quyền Campuchia chính thức lên tiếng phản đối việc Việt Nam xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của mình kể từ khi quân đội Việt Nam lật đổ chính quyền Khmer Đỏ hồi ngày 7 tháng Giêng năm 1979. Trong buổi hội đàm với Tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam hồi ngày 9 tháng 6, Thủ tướng Hun Sen đã đề cập đến vấn đề Việt Nam lấn chiếm Campuchia và yêu cầu phía Việt Nam tiếp tục giữ ổn định về các vấn đề biên giới.

Sơn Trung tường trình từ Campuchia.