Doanh nghiệp Việt có thể tồn tại qua dịch COVID-19?

0:00 / 0:00

Phòng, chống dịch: ưu tiên hàng đầu!

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, vào ngày 9 tháng 3 nói với RFA về đường hướng phải hi sinh phát triển kinh tế để dập tắt dịch COVID-19.

<i>"Đây là bệnh dịch rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng. Chính phủ xem tính mạng con người là số một, nên có thể nói sẵn sàng đánh đổi kinh tế để bảo toàn sinh mạng cho con người."-PGS.TS Ngô Trí Long<br/> </i>

“Đây là giải pháp tốt nhất, vì nếu để dịch bệnh lây lan ra như Trung Quốc, thì không chỉ sản xuất kinh doanh không được, mà còn bị tốn kém chi phí cách li và chi phí về phòng chữa bệnh. Vì thế mà sự tăng trưởng kinh tế có cao hay thấp thì nó không quan trọng lắm bằng việc làm thế nào dập tắt được dịch bệnh với chi phí thấp nhất.”

Đồng tình, PGS. TS Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế khác mà RFA đã có cuộc phỏng vấn cùng ngày, khẳng định tính mạng con người là trên hết.

“Đây là bệnh dịch rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng. Chính phủ xem tính mạng con người là số một, nên có thể nói sẵn sàng đánh đổi kinh tế để bảo toàn sinh mạng cho con người.”

Tiền hành khử trùng máy bay của Vietnam Airlines sau khi có hành khách xét nghiệm dương tín với COVID-19
Tiền hành khử trùng máy bay của Vietnam Airlines sau khi có hành khách xét nghiệm dương tín với COVID-19 (AFP)

Ông Long cho biết thêm, dịch bệnh xảy ra làm hao tổn chi phí đến các nguồn lực về mặt tài chính và tất cả các nguồn lực khác để phục vụ cho việc kiểm soát bệnh dịch. Từ đó làm cho sản xuất đình trệ và hệ quả theo nhận định của Ông Ngô Trí Long:

“Mà nếu sản xuất đình trệ thì cùng lúc 2 thiệt là thiệt kép. Mong mỏi của chính phủ là gì? Là vừa kiểm soát được dịch bệnh và đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế, điều đó hoàn toàn rất khó khăn. Cùng lúc không thể thực hiện được nhiệm vụ kép đó, theo quan điểm cá nhân của tôi. Vì qua quá trình kiểm soát dịch bệnh phải tổn hao người, tiền bạc, của cải, vật chất, tất cả.”

Thực tế và cơ hội?

Báo cáo 2 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho thấy ngành xuất khẩu vẫn tăng trưởng, ước đạt gần 40 tỷ USD, tăng 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, ông Thịnh cho rằng phương diện phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, nhưng không đến mức độ nghiêm trọng.

<i>"Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết, liên doanh lại để giảm thấp các chi phí về quản lý, tiếp cận thị trường, và chi phí về nghiên cứu để có thể có các thương hiệu riêng của riêng mình. Có những mẫu mã và hình thức riêng, những sản phẩm riêng của người Việt Nam."-PGS.TS Đinh Trọng Thịnh<br/> </i>

Dựa trên cơ sở đó, ông Thịnh nhận định rằng nguy hại của dịch COVID-19 lại tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xem xét và định hướng lại chiến dịch kinh doanh của mình, nhất là vào khâu xuất khẩu.

“Đây là hướng các chuyên gia kinh tế mong muốn và khuyến khích, đó là nhập các công nghệ và nguyên liệu từ các nước hiện đại, tiên tiến; có thể đắt một chút, nhưng nó sản xuất ra các sản phẩm tốt. Dù các nguyên nhiên vật liệu và linh phụ kiện đắt hơn, nhưng mà có thể đáp ứng được sản xuất sản phẩm chất cao, từ đó có thể xuất khẩu vào các nước liên minh châu Âu và các nước phát triển nói chung. Đồng thời, trên cơ sở đó có thể đẩy mạnh các quan hệ giữa Việt Nam với các nước phát triển.”

Trong khi đó ngành du lịch Việt Nam là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Cùng ngày, RFA cũng có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên thuộc công ty Du Lịch Lửa Việt, tình hình hiện tại của ngành hết sức khó khăn. Sau sự việc của bệnh nhân thứ 17 từ London trở về Hà Nội, đã dẫn đến đảo lộn rất nhiều dự tính của chính phủ Việt Nam.

"Ngay cả công ty du lịch Lửa Việt khi bắt đầu có khách trở lại, chúng tôi bắt đầu chương trình cho ngày 8 tháng 3 về Bến Tre. Nhưng sau khi công bố chính thức có thêm nạn nhân ngày ngày 7 tháng 3, thì số lượng khách hàng đăng ký tham gia chương trình này đã giảm xuống. Chỉ trong 1 ngày, mất khoảng chừng 30% khách. Chúng tôi có chương trình khuyến mãi đăng ký gần 200 khách, thì thông tin này đã kéo xuống của chúng tôi khoảng 40 khách... Đây là tác đông dây chuyền. Cùng một lúc, từ ngày 15 tháng 1 đến ngày 5 tháng 3 chỉ có 16 ca, mà từ ngày 5 tháng 3 đến nay đã từ 16 lên đến 31 ca nhiễm. Hết sức bất ngờ và lúng túng, nên đã tạo thêm hoang mang cho người dân."

Yêu cầu tồn tại!

Khi được hỏi về giải pháp để các doanh nghiệp trong nước có thể vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ông Mỹ cũng cho biết thêm:

“Trước hết phải tồn tại thì mới đến phát triển được. Thứ nhất, hậu quả của COVID-19 là nó không có biệt lệ và không loại trừ ai cả; không ai đứng ngoài cuộc cả. Ngay cả các ngành không ai nghĩ sẽ bị ảnh hưởng vì không có tính chất liên quan như giáo dục và quân đội cũng phải vào cuộc. Cho nên để vượt qua, thì phổ biến nhất là các công ty phải cắt giảm biên chế. Thứ 2, thuyết phục nhân viên nghỉ không lương. Thứ 3, giảm lương để được tồn tại.”

Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội trong mùa dịch COVID-19
Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội trong mùa dịch COVID-19 (AFP)

Riêng trong ngành du lịch, ông Mỹ cho biết công ty Lửa Việt đã tiến hành các tour đi về các vùng nắng gió, nơi mà dịch bệnh theo ông là khó phát triển, như vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

“Những vùng nắng gió, thì điều khí hậu tối kỵ cho phát tán virus COVID-19, thì nhớ đó chúng tôi tìm cách có thêm nguồn thu để duy trì hoạt động, tạo tâm lý không chỉ cho khách hàng họ tin tưởng mà còn từ nhân viên. Cứ ngồi than vãn mà chờ thì càng nguy hại.”

Trong lĩnh vực sản xuất, Ông Thịnh cho biết thêm, đã đến lúc Việt Nam dừng việc làm thuê gia công cho các thương hiệu nổi tiếng và các tập đoàn lớn ở nước ngoài. Đến thời điểm này, Việt Nam đã tích lũy các kinh nghiệm và có các hiểu biết nhất định về thị trường và sản phẩm nhất định.

“Dựa trên cơ sở đó, các nhà khoa học và các nhà thiết kế phải là người tiên phong dám nghĩ dám làm, để tự thiết kế mẫu mã của chính mình để không phải mượn các mẫu mã của nước ngoài để làm thuê. Nhờ đó mà có được lợi nhuận cao hơn và chi phí giảm đi... Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết, liên doanh lại để giảm thấp các chi phí về quản lý, tiếp cận thị trường, và chi phí về nghiên cứu để có thể có các thương hiệu riêng của riêng mình. Có những mẫu mã và hình thức riêng, những sản phẩm riêng của người Việt Nam.”

Theo hi vọng của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong sự bùng phát dịch COVID-19 này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có được những chuyển biến cả về mặt chất lượng và cũng như cả về các cách thức.