Nông dân làm nghề cá có giao dịch với Bianfishco trở thành những nạn nhân đáng thương, vì không những bị bể nồi cơm mà còn phải chịu cảnh gia đình xích mích, con cái bỏ học, đau yếu không thuốc thang. Hoàn cảnh bi đát này có được chính quyền cùng cơ quan chức năng dốc sức giải quyết hay không? Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu tìm hiểu thêm về mối ưu tư đó.
Không dễ bán nhà máy
Trong một bài viết đăng tải trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, tác giả là tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và Công Nghiệp Cần Thơ có nói đến việc đại công ty Bình An, ở Thốt Nốt, mắc nợ tới 1.300 tỷ đồng khiến những nhà nông nuôi cá phải kiện thưa ra tòa. Họ còn tập trung trước nhà cặp đại gia, phản đối, căng băng rôn đòi nợ.
Tiến trình giải quyết nợ này còn rất dài, phía Bình An đưa ra cách làm để xoa dịu dư luận, nhưng thật ra thì không dễ dàng gì bán được nhà máy.
TS Võ Hùng Dũng
Công ty thủy sản Bianfishco không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất ở Miền Tây bị vỡ nợ, vì trong ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Việt Nam, có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp nuôi cá để xuất khẩu, hầu như doanh nghiệp nào cũng bị nợ nần, cầm giữ vốn liếng do nông dân cho vay mượn. Nhưng điểm khác nhau là món nợ của Bình An được xem là không lồ với trên 1.300 tỷ, cũng có tin nói tổng số nợ có thể tăng đến 1.500 tỷ đồng. Chủ nợ là hàng chục ngân hàng thương mại cùng với hàng ngàn hộ nông dân nuôi cá có làm ăn, mua bán với công ty Bianfishco lâu nay.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên RFA, ông Võ Hùng Dũng phân tích thêm về chuyện làm ăn thất bại của công ty Bianfishco kéo theo cảnh suy sụp, điêu dứng cho bao gia đình nông dân nghề cá:
“Tôi muốn nhấn mạnh hai điều, thứ nhất là thời gian qua cũng có một số doanh nghiệp làm ăn được, nhưng cũng có một số làm ăn không đàng hoàng, nên làm hại đến quá trình phát triển ngành thủy sản, mà Bình An là một trường hợp. Ngoài ra cũng có các doanh nghiệp khác, khi mua hàng của nông dân thì không trả tiền ngay mà để nợ kéo dài, vì thế chính người nông dân cũng phải chịu một mức lãi của ngân hàng, phần ngân hàng thì cũng ép người nông dân, đòi thu hồi vốn, nhưng nông dân lại không có khả năng trả, vì doanh nghiệp đi vay tiền nhưng chưa trả cho nông dân. Người nông dân đang đứng trước cảnh hết sức khó khăn hiện nay, vì với lối làm ăn như Bình An thì ngành thủy sản cũng không phát triển được. Thứ hai là mấy ngày gần đây, cá đang giảm giá, là do ngân hàng rút vốn, họ không dám cho doanh nghiệp vay tiền để mua cá nữa, đây là một tình cảnh hơi xấu.”
Về khả năng giải quyết nợ nần chồng chất của công ty Bianfishco, ông Võ Hùng Dũng cho đó là một vấn đề gai gốc, chưa thấy đáp số:
“Tiến trình giải quyết nợ này còn rất dài, phía Bình An đưa ra cách làm để xoa dịu dư luận, nhưng thật ra thì không dễ dàng gì bán được nhà máy, và cũng không dễ dàng có người chịu đặt hàng để họ tiếp tục sản xuất trong lúc này đâu. Tin tức mới nhất thông báo đến công nhân cho hay họ sẽ ngưng làm việc một thời gian nhưng không nói cụ thể là đến bao giờ, điều này cho thấy tình hình làm ăn của Bình An khá xấu.”
Một trong những viên chức có theo dõi các diễn tiến liên quan đến công ty thủy sản Bình An, ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết về thông tin ông ghi nhận mới đây:
“Hiện nay tình hình công nợ khoảng trên 1.300 tỷ, theo ông Trí, quyền chủ tịch hội đồng quản trị công ty Bình An, cam kết sẽ bán tài sản để ưu tiên thanh toán nợ cho bà con nông dân. Ngoài ra ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đang phối hợp với các ngành để có hướng giải quyết hầu tránh thiệt hại cho nông dân.”
Rõ ràng là về phía doanh nghiệp cũng như nhà nông đều cần có sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng hỗ trợ thế nào, tôi nghĩ là không có nguồn hàng hay nguồn tiền nào hỗ trợ.
TS Võ Hùng Dũng
Theo ông Quốc thì những bước kế tiếp mà công ty Bình An cần phải làm là:
“ Cam kết sẽ bán các tài sản, về đất đai, bất động sản, theo lời hứa của ông Trí là sẽ bán 50% cổ phần của công ty Bình An để ưu tiên giải quyết nợ cho nông dân. Qua các thông tin nhận được thì nếu số nợ ít, được trả một lần, nợ lớn được trả nhiều lần, có lẽ nên chờ thông tin chính xác tới đây, khi có chủ trương của thành phố Cần Thơ, cũng như sau phiên họp của hội đồng quản trị công ty Bình An, sẽ có các giải pháp tiếp theo.”
Cần nhà nước hỗ trợ
Vậy trước cảnh “sống cầm hơi”, “không lối thoát” của bà con nông dân lâu nay làm ăn với công ty Bianfishco thì chính quyền, cơ quan hữu trách có phương cách giải quyết rốt ráo nào không? Tiến sĩ Võ Hùng Dũng đáp:
“Tình hình hiện nay hết sức nan giải, nhà nước không thể nào bỏ tiền ra, cũng không thể can thiệp được, vì phần lớn những hợp đồng ký kết là những hợp đồng dân sự. Rõ ràng là về phía doanh nghiệp cũng như nhà nông đều cần có sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng hỗ trợ thế nào, tôi nghĩ là không có nguồn hàng hay nguồn tiền nào hỗ trợ cho nông dân, ngoại trừ việc doanh nghiệp trả nợ. Nhưng doanh nghiệp bị bế tắc nên họ cũng không lấy đâu ra tiền để trả nợ, tình thế rất nan giải.”
Vẫn theo phân tích của ông Võ Hùng Dũng thì không thể đổ lỗi hoàn toàn cho công ty Bình An mà phải thấy là do việc đầu tư không hiệu quả, sử dụng vốn liếng lãng phí, chi xài hoan phí là những nguyên nhân đưa doanh nghiệp đến cảnh khó khăn, bế tắc gấy tác động tiêu cực đến hoạt động chung của nền kinh tế. Tham nhũng, bòn rút của cải xã hội, không những chỉ xảy ra ở khu vực công quyền mà còn lan tràn cả lãnh vực tư nhân.
Vẫn theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng thì với năng lực, trình độ hiện có, nông dân không đủ sức để soạn thảo hợp đồng hầu bảo vệ quyền lợi của chính mình trước sức mạnh của doanh nghiệp. Ngoài ra, những hộ nông dân nuôi cá cũng không có tổ chức hay hợp tác xã nào hỗ trợ họ trong việc thương lượng, ký kết hợp đồng với doanh gia.
Hội Nông dân hay Hội Nghề cá là những tổ chức tuy gần với nhà nông, nhưng lại rất xa, khi xảy ra những sự việc như công ty Bình An bị vỡ nợ thì đây là một thách thức nghiêm trọng, vì không biết đến khi nào nông dân mới được thanh toán món nợ, mà cho chính họ đi vay mượn của ngân hàng với lãi suất cao, để đầu tư vồn vào Bình An, với hy vọng kiếm chút ít, nay thì hy vọng ấy tan thành mây khói, thực tế là hoàn cảnh hiện giờ không lối thoát.
Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN
Theo dòng thời sự:
- Câu chuyện nữ đại gia thủy sản và khoản nợ cả ngàn tỷ đồng
- Công ty cổ phần thủy sản Bình An sắp phá sản
- 60 doanh nghiệp VN được xuất khẩu thủy sản sang Brazil
- Công nhân Thủy sản Bình An đình công
- Thủy sản xuất từ Việt Nam vẫn còn dư lượng kháng sinh
- 400.000 tấn hải sản phải vứt bỏ mỗi năm
- Khi Liên Chi hội Nuôi trồng Thủy sản Huyện lên tiếng