Trong những ngày qua, truyền thông trong nước tiếp tục cập nhật tin tức quanh tình trạng xây dựng trái phép tại đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Đặc biệt đáng chú ý là những tuyên bố về biện pháp kỷ luật đối với những công trình sai phạm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến chuyên gia và người dân Sóc Sơn liên quan vấn đề này.
Phải thu hồi sổ đỏ đã cấp sai
“Hiện nay pháp luật quy định, sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hay lâm nghiệp) mà cấp sai mà có kết luận của thanh tra là sai, thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy sẽ có quyết định thu hồi. Trong trường hợp Sóc Sơn này, trong hai năm 2008 và 2013, thanh tra đã có kết luận sai rồi, mà đã kết luận sai thì cơ quan có thẩm quyền phải có quyết định thu hồi.”
Trong trường hợp Sóc Sơn này, trong hai năm 2008 và 2013, thanh tra đã có kết luận sai rồi, mà đã kết luận sai thì cơ quan có thẩm quyền phải có quyết định thu hồi.<br/>-GS Đặng Hùng Võ
Đó là khẳng định của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 31 tháng 10 năm 2018.
Thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch. Một trong những sai phạm mà báo chí lên tiếng là việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của huyện khiến đất rừng bị “xẻ thịt”, nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái. Trong khi đó thì lãnh đạo địa phương không thừa nhận sai phạm và cho rằng những công trình kiên cố đó chỉ là nhà tạm.
Vì sao đất rừng phòng hộ lại có thể cấp cho dân, chúng tôi liên hệ Kỹ sư Nguyễn Hữu Lễ, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu thêm về việc này:
“Họ cấp đất rừng cho dân là để giải quyết đất cho người dân tại chỗ, chứ không thì người dân tại chỗ không có đất làm. Cho nên bây giờ nhiều nơi cũng có tranh chấp đất rừng giữa dân với lâm trường là ban quản lý rừng phòng hộ. Vì trước đây dân không cần đất rừng, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý đất rừng đó, nhưng tình hình đất đai hiện nay thì người dân lại cần đất đó.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, theo luật đất đai và luật bảo vệ phát triển rừng trước đây và hiện nay là luật lâm nghiệp, thì người dân địa phương được cấp đất rừng để sống và canh tác, chỉ có có thể chuyển nhượng cho người dân cùng địa phương. Chứ không được chuyển nhượng cho người từ địa phương khác đến. Theo ông, khi chưa thể di dời người dân đang sống dưới tán rừng ra khỏi cánh rừng thì dân có thể sửa chữa nhà để có điều kiện sống cho phù hợp, nhưng không thể xây dựng kiên cố quy mô.
Luật sư Hà Huy Sơn cũng đồng quan điểm với Giáo sư Đặng Hùng Võ, theo ông đất rừng cũng là đất nông nghiệp, chỉ được giao cho các hộ dân địa phương trực tiếp sản xuất trên đất rừng ở địa phương. Luật không cho phép chuyển nhượng cho người ngoài địa phương. Ông nói tiếp:
“Cơ quan nào cấp sổ đỏ cho người không có hộ khẩu tại địa phương và không trực tiếp sản xuất ở đó là trái quy định pháp luật. Việc xây dựng kiên cố trên đất rừng là trái pháp luật. Cho dù xây dựng có xin phép thì việc cấp phép cũng trái pháp luật. Phải cưỡng chế và khôi phục hiện trạng rừng.”
Vào ngày 30 tháng 10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra thông báo để các hộ dân vi phạm tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế bất kể là ai.
Sau đó 1 ngày, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cũng phê duyệt lệnh cưỡng chế 18 công trình bị kết luận xây dựng sai phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Tôi thấy hiện tại bình thường, chưa thấy gì là cưỡng chế cả. Khoảng 5 năm trở lại đây, mình thấy xây dựng nhiều lắm, cũng không đếm được, Hà Nội vào nhiều. Họ cũng xây để ở, một phần thì người ta làm du lịch.<br/>-Người dân Sóc Sơn
Chúng tôi liên lạc nhiều lần với Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn để tìm hiểu về việc cưỡng chế này, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Vào ngày 31 tháng 10, một người dân sống ở huyện Sóc Sơn cho Đài Á Châu Tự Do biết về về tình hình thực tế tại địa phương:
“Tôi thấy hiện tại bình thường, chưa thấy gì là cưỡng chế cả. Khoảng 5 năm trở lại đây, mình thấy xây dựng nhiều lắm, cũng không đếm được, Hà Nội vào nhiều. Họ cũng xây để ở, một phần thì người ta làm du lịch. Bây giờ tự nhiên cưỡng chế, nhà nước phải như thế nào chứ người ta mua người ta cũng có sổ hẳn hoi.”
Hộ vi phạm có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng”
Trả lời báo chí hôm 31 tháng 10, Phó bí thư xã Minh Phú, bà Vũ Thị Tuyết Lan cho biết, trong 18 hộ vi phạm tại xã này, có 2 hộ là người lâm trường, còn lại là người từ Hà Nội và các tỉnh mua đất xây nhà ở đây. Theo Bà Lan, những vi phạm này đã có từ lâu, từ những nhiệm kì trước.
Bà Lan cũng cho biết, cần xem xét sổ lâm bạ cấp cho các hộ dân trước hay sau thời điểm quy hoạch. Vì các hộ vi phạm có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng” nên am tường các qui định của luật.
Một trong những người có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng” có biệt thự xây dựng trên khu đất 12 ngàn mét vuông thuộc rừng phòng hộ Sóc Sơn, là gia đình ca sĩ Mỹ Linh.
Theo kết luận của thanh tra Sở tài nguyên môi trường Hà Nội, gia đình ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng hơn 1,2 ha đất của ông Đỗ Xuân Lâm từng là công nhân lâm trường ở Sóc Sơn. Việc chuyển nhượng đất kể trên đã được xã Minh Phú xác nhận và huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600 m2, trên tổng diện tích 1,2 ha đất rừng phòng hộ.
Theo tin báo chí trong nước đăng tải hôm 19 tháng 10, gia đình bà Linh trình bày việc xây dựng các công trình đã được huyện Sóc Sơn cấp phép.
Chúng tôi gọi điện thoại cho gia đình ca sĩ Mỹ Linh để xác minh vụ việc nhưng không ai bắt máy.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, trường hợp ca sĩ Mỹ Linh xây dựng biệt thự ở rừng Sóc Sơn là vi phạm pháp luật. Ông nói tiếp:
“Là bởi vì đây là người bên ngoài chứ không phải người dân cùng xã đều đang được quyền sinh sống trong rừng. Thế nên người ngoài đến mua thì chắc chắn là trái pháp luật. Bởi vì pháp luật quy định chỉ được sang nhượng cho người cùng xã.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, việc này đã phát hiện năm 2008, lúc đó thanh tra chính phủ đã thanh tra và ra kết luận việc xây dựng ở Sóc Sơn là trái pháp luật. Nhưng Hà Nội không xử lý gì. Và đến năm 2013 thanh tra chính phủ lại thanh tra lần nữa và phó giám đốc Sở tài nguyên môi trường khi đó là ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đã kết luận những trường hợp xây dựng như vậy ở Sóc Sơn là trái pháp luật. Nhưng rồi cũng không xử lý gì.
Một trong những hộ vi phạm mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói sẽ xem xét xử lý “bất kể là ai”, và cũng được cho có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng”, bị báo chí phanh phui hôm 1/11/2018 là người có khu “lâu đài” ở Sóc Sơn, bà L.T.L.H mà người dân thường gọi là “H. áo dài”.
Tuy nhiên những hộ còn lại trong số 27 hộ mà ông Nguyễn Đức Chung nhắc đến, hiện vẫn nằm trong vòng bí ẩn!?
Trách nhiệm
Tôi cho rằng cấp tỉnh thành phố trung ương cũng phải chịu trách nhiệm vì sau khi thanh tra đã kết luận vi phạm năm 2008 và 2013, rồi báo chí đưa tin, dư luận bức xúc, nhưng thành phố không có chỉ đạo nào cương quyết. Trung ương cũng không can thiệp gì.<br/>-GS Đặng Hùng Võ
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ,những vi phạm ở Sóc Sơn trước hết cấp xã là cấp phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì đã chứng nhận việc sang nhượng này cho người bên ngoài trước khi chuyển lên huyện. Như vậy cấp xã đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông nói tiếp:
“Cấp huyện có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất với hộ gia đình cá nhân, trong trường hợp này là các hộ gia đình với nhau. Nên cấp huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng cấp tỉnh thành phố trung ương cũng phải chịu trách nhiệm vì sau khi thanh tra đã kết luận vi phạm năm 2008 và 2013, rồi báo chí đưa tin, dư luận bức xúc, nhưng thành phố không có chỉ đạo nào cương quyết. Trung ương cũng không can thiệp gì.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, những vi phạm ở Sóc Sơn thì có thể giải thích tại sao rừng Việt Nam lại mất nhiều như thế. Tuy cũng có những nguyên nhân như lâm tặc, cháy rừng, rồi lấn chiếm rừng để làm đất sản xuất… Nhưng lấn chiếm rừng gần các đô thị cũng là một trong những nguyên nhân làm mất rừng. Và theo ông, cái tội không phải đối với cánh rừng đó, mà là tội đối với quốc gia, đối với toàn cầu, bởi vì rừng lúc này là cách thức bảo vệ con người khỏi những thảm họa của thiên nhiên.