Tăng tiền phạt có thể cải tổ ngành giáo dục ‘xuống cấp’ lâu nay?

Ảnh minh họa. Học sinh một trường phổ thông dự lễ khai giảng năm học ở Hà Nội trước đây.
Ảnh minh họa. Học sinh một trường phổ thông dự lễ khai giảng năm học ở Hà Nội trước đây. (AFP PHOTO)

0:00 / 0:00

Theo nghị định mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, nếu vi phạm hành chính về giáo dục, một cá nhân sẽ bị phạt 75 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng theo quy định hiện hành; trong khi tổ chức sẽ bị phạt 150 triệu đồng thay vì 100 triệu đồng như hiện nay.

Đồng thời, nghị định sửa đổi quy định đối với hành vi vi phạm về liên kết tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ. Theo đó, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 110 triệu đồng thay vì 100 triệu đồng, đối với hành vi cấp chứng chỉ khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt việc liên kết tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ.

Thầy Đỗ Việt Khoa, người được nhiều người biết đến về sự lên tiếng về những bê bối nơi trường ông giảng dạy ở Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 3/1/2022, nhận định:

“Việc xử phạt này nghe rất hài hước và không nên có, bởi vì 99% cơ sở giáo dục của Việt Nam là của Nhà nước, nếu phạt thì lại lấy chính ngân sách Nhà nước để thu vào ngân sách Nhà nước. Vì họ chẳng lấy đâu ra tiền, đó là bỏ qua chuyện họ cố tình làm sai. Đúng ra cố tình làm sai thì cách chức, như vậy hợp lý, thì họ lại nghĩ ra việc phạt tiền... Số cơ sở giáo dục tư nhân rất là ít, nhất là đại học, nếu làm sai đúng ra là Bộ phải kiểm soát được, như chuyện tuyển sinh quá mức... Như chuyện Bộ lâu nay tiếp tay cho Đại học Đông Đô cấp bằng khống cho hàng trăm đối tược không theo học thì ai xử phạt Bộ?”

Việc xử phạt này nghe rất hài hước và không nên có, bởi vì 99% cơ sở giáo dục của Việt Nam là của nhà nước, nếu phạt thì lại lấy chính ngân sách nhà nước để thu vào ngân sách nhà nước.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Bê bối xảy ra ở Đại học Đông Đô khi trường này chưa làm thủ tục và chưa được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành Anh Ngữ. Nhưng từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Ban giám hiệu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành Anh Ngữ cho 431 người, thu lợi hơn 7,1 tỷ đồng.

Nghị định 127 cũng bổ sung quy định vi phạm hành chính chỉ được xử phạt một lần. Nếu nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là một năm.

Một giáo viên không muốn nêu tên hiện sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết ý kiến của mình:

“Ai sẽ là người tham gia vào để... gọi là... thu thập bằng chứng... giải quyết các vấn đề... Đến bước tiếp theo thì ở trong môi trường là nhà trường thì... mỗi nhà trường lại phải lập một ban thanh tra, kiểm tra... để làm việc đấy... hay là công an... hay là thế nào?”

aaab047c-cad8-404b-ae94-3ee2269754de.jpeg
Phiên xét xử sơ thẩm 10 bị cáo là cán bộ, lãnh đạo trường Đại học Đông Đô liên quan đến việc cấp bằng giả. Courtesy State Media.

Trước đó, vào tháng 4 năm 2021, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 04 liên quan xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó quy định phạt tiền từ năm đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi bao gồm kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành...

Việc tiếp tục tăng các mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được chính quyền Việt Nam cho biết nhằm từng bước cải tổ ngành giáo dục bị cho ‘xuống cấp’ lâu nay. Liệu giải pháp này có thật sự hiệu quả?

Liên quan vấn đề này, thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:

“Giáo dục VN phải nói là có nhiều vấn đề vô cùng, chúng tôi dạy phổ thông quá chán ngán với tình trạng lạm thu trên cả nước. Chỉ mong làm sao chấm dứt tình trạng này, bởi bản chất của lạm thu là tham nhũng. Tham nhũng của cá nhân hiệu trưởng hoặc tham nhũng tập thể, nhưng có rất ít địa phương khởi tố những người thu sai. Cái cần cải tố thứ hai là bộ máy lãnh đạo cực kỳ tồi, đã có sai phạm là bao che nhau, không bao giờ chịu xử lý nghiêm khắc. Họ cấu kết thành một hệ thống đoàn kết cướp tiền của dân.

Có nhiều chuyện lắm, muốn thay đổi là cực kỳ khó, xin lỗi là bất lực, phải có ai đó rất mạnh mẽ lắm mới làm được, nhưng rất tiếc ở VN chưa có.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Theo thầy Khoa, cấp đại học thì còn nhiều vấn đề cần cải tổ hơn nữa nữa, nhất là chất lượng giáo dục, khi sinh viên vẫn phải học những môn học không cần thiết như mấy mươi năm trước:

“Học sinh trường nào cũng phải học những môn không cần thiết, chiếm tới hơn một nửa thời lượng học tập. Thay vì cứ như các trường quốc tế họ dạy chuyên môn là chính, các môn không cần thiết cắt bỏ hay giảm số tiết còn 1/10 thôi... thì họ vẫn không dám thay đổi. Một vấn nạn nữa là mở ra quá nhiều trường đại học, có những trường phải vơ vét học sinh theo học bạ. Rồi ở trên tiếp tay cho họ khi đồng nhất hóa bằng bổ túc và tại chức với bằng chính quy. Cho nên đã dọn đường cho những kẻ gian lận bằng cấp leo lên. Có nhiều chuyện lắm, muốn thay đổi là cực kỳ khó, xin lỗi là bất lực, phải có ai đó rất mạnh mẽ lắm mới làm được, nhưng rất tiếc ở VN chưa có.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo với các trường đại học tại Việt Nam, khi trả lời RFA cho biết, ông sẽ lạc quan hơn nếu có tên một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo là một người liêm chính, có tinh thần giáo dục nhân văn, giáo dục vì sự tiến bộ của người dân và đặt quyền lợi của con em Việt Nam lên trên hết:

“Muốn như thế thì người lãnh đạo mới phải có tư tưởng ra khỏi khu rừng mà giáo dục Việt Nam đang bị lạc, có nghĩa là phải trở về học hành nghiêm túc, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Phải từ bỏ những hình thức sính bằng cấp, từ bỏ giáo dục nửa vời, từ bỏ giáo dục nhằm tìm kiếm cơ hội chiếm lấy vị trí cho bản thân mình, để lợi dụng chức quyền của mình.”

Lâu nay, lãnh đạo Việt Nam luôn đưa ra những khẩu hiệu như ‘Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người’... Tuy nhiên, qua nhiều thế hệ, Việt Nam vẫn chưa có được điều mong ước ‘thầy ra thầy, trò ra trò’...