Dân có thể tham gia giám sát cán bộ, đảng viên?

0:00 / 0:00

Vừa qua, khi tham gia Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ phường Tân Định, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, phát biểt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

Cụ thể, Bà Trần Kim Yến đề nghị các Đảng bộ địa phương chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, tham nhũng, phiền hà nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên... nhằm xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng vững mạnh...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, nhận định:

“Tôi thấy đây là một thông điệp rất là hay cho một nhà nước vì nhân dân, của dân và chịu sự giám sát của người dân, thông điệp này rất được sự đồng tình của người dân. Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp này, kiên quyết loại bỏ những cán bộ trong bộ máy của Đảng và nhà nước có hành vi tiêu cực, tham nhũng và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vi phạm.”

Việc người dân giám sát đảng viên không dễ dàng tí nào cả, ngay cả đảng viên thường họ cũng không biết đảng viên cao cấp hay đảng viên có chức vụ làm gì.<br/>-Trần Bang

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nói về việc giám sát cán bộ, đảng viên để chống tiêu cực. Vào cuối năm 2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng “thúc” Chính phủ sớm ban hành quy định xử lý cán bộ. Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu các cơ quan công quyền phải nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát...

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng:

“Việc người dân giám sát đảng viên không dễ dàng tí nào cả, ngay cả đảng viên thường họ cũng không biết đảng viên cao cấp hay đảng viên có chức vụ làm gì. Bởi vì, chế độ giải trình ở Việt Nam không có, không bắt buộc người ta giải trình. Không có cạnh tranh báo chương trình hành động của mình khi mình nhận chức vụ, và khi trong quá trình công tác mà dân hỏi thì buộc phải giải trình... nó không có cái đấy. Ngay cả đảng viên thường giám sát được đảng viên có chức vụ đã khó khăn rồi, nói chi đến người dân.”

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, những vấn đề tiêu cực mà người dân biết được, chẳng qua chỉ là cái ngọn của vấn đề. Ông nói tiếp:

“Ví dụ thấy đường bị ngập, cầu bị hư, hay ô nhiễm môi trường, hay vật giá leo thang, giá xăng dầu thế giới thấp mà Việt Nam vẫn cao chẳng hạn... thì người ta chỉ thấy cái ngọn của vấn đề, còn tại sao như thế thì họ không biết là do ai gây ra, thì không giám sát được cụ thể.”

Gần đây, hôm 4 tháng 5 năm 2020, khi trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để phát hiện những cán bộ tiêu cực, tha hóa, giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì chỉ dựa vào bộ máy của đảng, nhà nước là chưa đủ, mà phải dựa vào ý kiến của nhân dân, hỏi dân là ra ngay.

Trên thực tế, khi người dân tố cáo hay đưa ra phản ánh gì, lời nói của người dân có được chính quyền lắng nghe?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi đó cho rằng, không nhất thiết phải dựa vào dân. Cho dù dân nói đúng, nhưng đó chỉ là dân nhìn bề ngoài, chứ dân không thể đi sâu vào, để biết ‘của chìm, của nổi’ của quan chức. Dân chỉ biết ông này chơi sang, giàu có, biệt thự, nhà cao cửa rộng mà thôi... còn muốn biết cho rõ ràng thì phải các cơ quan chuyên trách của chính phủ phải vào cuộc. Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giới cầm quyền có lẽ không muốn điều đó.

Ảnh minh họa: Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam trong một lần biểu quyết.
Ảnh minh họa: Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam trong một lần biểu quyết. (Courtesy CPV)

Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận định với Đài Á Châu Tự Do:

“Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Ở Việt Nam ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu.”

Trên thực tế, luật pháp tại Việt Nam về vấn đề tố cáo tham nhũng hiện chưa được rõ ràng. Vì vậy, rất nhiều trường hợp tố cáo tham nhũng xong bị lãnh đạo trù dập, thậm chí bị buộc thôi việc. Như trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc, vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi.

Hay nhiều trường hợp khác trước đây như trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ ở tỉnh Phú Yên, cũng phải thôi việc vì tố cáo tiêu cực. Hay anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng, là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.

Chỉ có đa đảng, tự do, dân chủ, nhân quyền, chứ còn độc đảng thì không có cách gì giám sát được.<br/>-Trần Bang

Thậm chí có vị lãnh đạo khi phát biểu công khai trước buổi thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội còn cho rằng: “Bây giờ cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Cứ đưa ảnh tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý!?”

Nhà báo Nguyễn An Dân khi trả lời RFA, cho biết ý kiến của mình:

“Cần phải có cơ chế ‘cung cấp thông tin cho nhà báo’ và cần quy định rõ cần cung cấp cái gì, và bất kỳ thông tin nào mà xã hội quan tâm thì phải cung cấp. Tuy nhiên nhân dân cần chủ động hơn. Thí dụ như họ phải tìm, họ phải gặp những người Hội đồng Nhân dân, rồi Đại biểu Quốc hội của họ để mà kiến nghị. Cái kiến nghị đó nó đúng hay sai, hay nó có hiệu quả hay không là một vấn đề khác, nhưng mà phải làm những vấn đề này. Còn họ xử lý hay không, xử lý đến đâu thì đó là chuyện khác.”

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, phải tự do cạnh tranh các chức vụ chính trị, các chức vụ công, dùng đến tiền công, dùng đến ngân sách thì phải cạnh tranh. Phải để cho người dân bầu người thuyết phục được họ, chứ còn ở đây ‘đảng cử dân bầu’ thì chẳng qua là dân chủ giả tạo. Dân làm sao biết được mà giám sát, dân khi biết được thì ung nhọt đã lộ ra rồi. Kết quả khi rất tệ hại, người ta phải gánh chịu rồi mới lên tiếng, mà lên tiếng còn có thể bị cho là thế lực thù địch. Theo Nhà hoạt động Trần Bang, chỉ có đa đảng, tự do, dân chủ, nhân quyền, chứ còn độc đảng thì không có cách gì giám sát được.