Ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu giải quyết ngay 'các vấn đề người dân bức xúc nêu ra'... khi thăm hỏi và chúc Tết Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM hôm 23/1/2022. Theo ông Phúc, khi bức xúc của người dân chưa được giải quyết thấu đáo sẽ như những ‘đốm lửa nhỏ’, có thể bùng lên thành đám cháy.
Liệu người dân có an toàn khi nêu bức xúc với Đảng và chính quyền? Hay ‘đốm lửa nhỏ’ sẽ bị dập tắt ngay bằng những án tù với cáo buộc bị cho là chống nhà nước?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 24/1 cho rằng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa nói với Đại biểu Quốc hội của TPHCM về việc phải biết và giải quyết bức xúc của dân... như thế là tốt. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng liệu có làm được không. Cách làm thông thường của Đại biểu Quốc hội là tổ chức họp đại biểu cử tri. Đó là những người được lựa chọn kỹ càng, vì vậy những bức xúc do họ nói ra cũng là bức xúc được lựa chọn. Còn những người dân có bức xúc thật thì không được đến dự họp, vậy họ muốn nói ra thì phải nói nơi khác và dễ bị gán cho tội vi phạm Điều 331 Luật Hình sự về tội lợi dụng quyền dân chủ. Khi đông ngườì có cùng bức xúc, thí dụ họ phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc mà tổ chức biểu tình thì bị đàn áp, bắt bớ.”
Nói tóm lại theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, dân chỉ được nói ra những bức xúc mà Đảng cho phép. Những bức xúc như thế dân không nói thì Đại biểu Quốc hội cũng tự biết. Vì vậy Giáo sư Nguyễn Đình Cốngcho rằng, lời của ông Phúc nói mang nặng tính chất tuyên truyền, hầu như không có tác dụng trong thực tế.
Nnhững người dân có bức xúc thật thì không được đến dự họp, vậy họ muốn nói ra thì phải nói nơi khác và dễ bị gán cho tội vi phạm điều 331 Luật Hình sự về tội lợi dụng quyền dân chủ.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác cho Tạp chí Cộng sản trong nhiều năm, nhận định với RFA khi được nêu vấn đề:
“Đây là điều bình thường của Nhà nước cộng sản Việt Nam. Một số cử tri họ đã lựa chọn ra, định hướng việc phát biểu của cử tri sau đó họ đăng lên. Đây là việc từ trước đến nay người ta đều làm như vậy sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, sau mỗi kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các vấn đề chính trị của đất nước.”
Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người dân hiện chỉ lo làm ăn, không quan tâm lắm về vấn đề chính trị nhiều nên những thông tin từ bộ phận tuyên huấn, tuyên giáo, báo chí cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ông nói tiếp:
“Còn người dân lấy thông tin từ thực tế cuộc sống, cộng đồng mạng, thông tin xác thực, còn những cái được tuyên truyền không ảnh hưởng gì nhiều đến người dân. Tất nhiên một số đối với hệ thống báo chí, hệ thống tuyên truyền vẫn nói nhưng người dân không quan tâm, mặc kệ.”

Theo thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR), có 288 tù nhân lương tâm còn đang bị giam giữ tại nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam, trong đó có nhiều nhà báo, Facebooker, các nhân vật tôn giáo, và các nhà hoạt động vì dân chủ bị bắt chỉ vì nêu ý kiến phản biện.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế còn cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt...
Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lại đề cao vai trò Đại biểu Quốc hội trong việc lắng nghe những bức xúc của người dân, những tiếng kêu đau lòng của người dân nhưng chưa được giải quyết thấu đáo... Và yêu cầu phải giải quyết ngay.
Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA về ghi nhận cá nhân đối với những ý kiến đóng góp của dân chúng tại Việt Nam, cho rằng cũng chỉ là hình thức mà thôi:
“Ý kiến đóng góp cho những việc gì nho nhỏ thì họ có thể nghe. Nhưng những việc lớn thì họ cho rằng vi phạm nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và ý thức hệ. Ông Võ Văn Thưởng từng tuyên bố là Đảng không sợ đối thoại và rất nhiều người trong xã hội dân sự và những trí thức có tên tuổi tỏ ra rất hy vọng trước tuyên bố đó. Nhưng mà cho đến nay đâu có đối thoại gì đâu. Cho nên, việc họ đánh trống khua chiêng thì các trí thức hầu như lãng quên và không quan tâm đến chuyện ấy nữa.”
Các cá nhân rất cẩn trọng trước khi lên tiếng về các vấn đề bức xúc trong xã hội, vì họ luôn quan ngại cho sự an toàn của chính mình.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Nhiều người dân tại Việt Nam than phiền trên mạng xã hội rằng, các khiếu nại của họ về tình trạng bất công phải gánh chịu, nhất là trong lĩnh vực đất đai, không được cơ quan chức năng giải quyết mà bị đùn đẩy từ cơ quan này, sang cơ quan khác, từ cấp này đến cấp khác. Thậm chí có những người phải ra tận trung ương ‘ăn dầm, nằm dề’ ở các cơ quan tiếp công dân suốt nhiều năm trời vẫn không được giải quyết thỏa đáng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói với RFA từ Na Uy rằng, các vấn đề mà người dân bức xúc có thể chia làm hai loại:
“Một loại liên quan trực tiếp đến những lợi ích của chính quyền, của các cá nhân trong chính quyền hay liên quan đến sự an nguy của chế độ. Và một loại còn lại không có nhiều liên hệ đến chính quyền hay không ảnh hưởng nhiều đến an ninh của chế độ. Tuỳ vào vấn đề của nó thuộc loại nào mà người dân có dám lên tiếng hay không và liệu chính quyền có giải quyết hay không.
Trong chế độ cộng sản như hiện nay, khi mà không có sự hiện diện của các đảng đối lập, việc Đảng Cộng sản xử lý một vấn đề như thế nào, nhất là những vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản hay Chính phủ Việt Nam, đó là quyền và sự thoả hiệp của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản. Biết vậy nên các cá nhân rất cẩn trọng trước khi lên tiếng về các vấn đề bức xúc trong xã hội, vì họ luôn quan ngại cho sự an toàn của chính mình.”
Mặc dù những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tuyên bố khuyến khích người dân góp ý kiến, thậm chí là chỉ trích những việc làm sai... Tuy nhiên chỉ trong năm 2021, chính quyền đã bắt giam hàng chục người dân chỉ vì dám lên tiếng, trong đó có những người bị cáo buộc ‘xúc phạm lãnh đạo địa phương trên mạng xã hội’.