Áp đặt thành phố Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu phát triển cho cả nước có hợp lý?

0:00 / 0:00

Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cần thúc đẩy các chương trình đang triển khai như: đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển đổi số quốc gia; thu hút tài năng trong và ngoài nước; thúc đẩy các sáng kiến, đưa thành phố trở thành hình mẫu của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực về đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 15, phát biểu như vừa nêu khi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở TPHCM hôm 9/5/2021.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết khi trả lời RFA từ TPHCM hôm 11/5 thì cho rằng:

“Bây giờ nói chuyện TPHCM làm hình mẫu cho cả nước thì tôi không dám nghĩ đến. Bởi vì cả nước cũng có nhiều tỉnh thành làm ăn năng động và hiệu quả, chứ không phải mình TPHCM. Cho nên nếu đặt vấn đề TPHCM là hình mẫu thì trên phương diện nào đó tôi sợ không biết nó có hợp không? Không biết có hợp lòng dân hay không? Bởi vì có những vùng trên cả nước có tiền năng lớn lắm như Thủ đô Hà Nội, Tây Bắc Việt Bắc, rồi Tây Nguyên thì có tiềm năng cực kỳ lớn, rồi ĐBSCL Cần Thơ Bạc Liêu cũng vậy... rất nhiều nơi có điều kiện phát triển. Cho nên đặt TPHCM là hình mẫu cả nước thì tôi không biết chắc liệu có phù hợp hay không?”

Bây giờ nói chuyện TPHCM làm hình mẫu cho cả nước thì tôi không dám nghĩ đến. Bởi vì cả nước cũng có nhiều tỉnh thành làm ăn năng động và hiệu quả, chứ không phải mình TPHCM. Cho nên nếu đặt vấn đề TPHCM là hình mẫu thì trên phương diện nào đó tôi sợ không biết nó có hợp không?
-Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết

Khi còn giữ chức Thủ tướng Chính phủ, trong buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 8/5/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng yêu cầu TPHCM phải trở lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Số liệu thống kê được công bố trong buổi họp này cho hay đóng góp của thành phố Hồi Chí Minh chiếm khoảng 22-23% GDP của cả nước, chiếm 25% ngân sách cả nước, và 33% dịch vụ cả nước…

Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 11/5, cho rằng còn nhiều mặt quan trọng các tỉnh khác làm tốt hơn TPHCM:

“Về các thông tin áp dụng trong quản lý mà cụ thể là các thông tin địa lý thì dẫn đầu cả nước hiện nay là Đồng Nai. Tỉnh này đã làm được một hệ thống rất tốt, đảm bảo đầy đủ thông tin, mạch lạc... Chứ còn TPHCM về mặt này thì tư liệu làm cũng được nhiều nhưng tạo được hệ thống thì vẫn chưa được. Mặt khác nếu nói về địa kinh tế thì TPHCM đang nằm ở vị trí khá thuận lợi để phát triển. Bởi vì phía tay phải là vùng nông nghiệp quan trọng nhất cả nước, còn tay trái là vùng công nghiệp quan trọng. Vậy TPHCM phát triển như thế nào dựa vào lợi thế? Đó là câu hỏi cần đặt ra đối với TPHCM trong phát triển.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu biết làm thì có thể đặt TPHCM vào vị trí như là một thành phố dẫn đầu của cả nước. Ví dụ với những triết lý mới như kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, phát triển thông minh, kinh tế chia sẻ... mà TPHCM áp dụng được, cộng với vị trí thuận lợi của mình thì Giáo sư Võ cho rằng TPHCM có thể phát triển thuận lợi. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Thế nhưng làm thế nào để có thể hiện thực hóa được khả năng TPHCM là mô hình thành phố điển hình, tạo được hiệu quả phát triển đô thị cao thì cũng là vấn đề có nhiều cách thức tiếp cận khác nhau. Nếu tiếp cận đúng thì có thể đạt mục tiêu, nếu không đúng sẽ xa rời mục tiêu mà mình mong muốn là đô thị hình mẫu.”

44a7befa-7b11-44a7-89ef-4e36cc5da0f4.jpeg
Người điều khiển xe máy đứng chờ đèn giao thông giờ cao điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/9/2020. AFP.

Cũng trong ngày 9/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dù muốn đưa TPHCM thành hình mẫu của cả nước, nhưng ông cũng nhìn nhận một số hạn chế của thành phố này về kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Chủ tịch nước cho biết sẽ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thời gian, chi phí về thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh, an toàn, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái…

Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, TPHCM còn nhiều hạn chế khác, trong đó vấn đề chính của TPHCM hiện nay là vấn đề thông tin chậm chạp:

“TPHCM cũng còn rất nhiều hạn chế. Ví dụ, trong kỷ nguyên thông tin, thế giới đã chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp, thì đáng lẽ ra chúng ta phải đi vào thông tin công nghệ một cách mạnh mẽ hơn thì sẽ đẩy được đô thị này lên một tầng mới hơn, mạnh hơn. TPHCM có ý định nhưng chưa tạo dựng được một phương thức phát triển công nghệ. Ví dụ như hệ thống tin địa lý là một hệ thống quy chiếu của mọi thông tin khác, thì phải thiết lập đầu tiên, theo thời gian thực... phải truy cập được dễ dàng, thông qua mạng thông tin. Điều này tôi thấy TPHCM còn chậm, thậm chí còn rất chậm.”

Đài Á Châu Tự Do hôm 11/5/2021 đã thử truy cập vào Cổng thông tin điện tử của thành phố Hồ Chí Minh... , quả thật trang web chạy rất chậm. Chưa kể trang web của tất cả các quận huyện, công an thành phố đều là trang web con của Cổng thông tin điện tử của thành phố Hồ Chí Minh... nên để truy cập phải chờ rất lâu. Đáng chú ý là Cổng thông tin điện tử của thành phố Thủ Đức mới thành lập cũng nằm trong nhóm này, nên truy cập rất khó.

Ví dụ như hệ thống tin địa lý là một hệ thống quy chiếu của mọi thông tin khác, thì phải thiết lập đầu tiên, theo thời gian thực... phải truy cập được dễ dàng, thông qua mạng thông tin. Thì điều này tôi thấy TPHCM còn chậm, thậm chí còn rất chậm.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết cho biết thêm một số hạn chế khác của TPHCM:

“Nó cũng có nhiều hạn chế chứ không phải không. Cái hạn chế về mặt khoa học kỹ thuật thì nó có giao lưu tốt. Nhưng điều kiện phát triển thì hiện nay so với Hà Nội và một số nơi khác thì nó không bằng. Do cơ cấu tổ chức của mình (của Chính phủ) vun xới cho Hà Nội nhiều, cho TPHCM ít. Cái cấu trúc tiền nong, tiền vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng từ đường bộ, sân bay cho tới hải cảng... kể cả xây dựng viện nghiên cứu thì tập trung ở Hà Nội và một số nơi khác, chứ ở TPHCM chưa được nhiều và hạ tầng cơ sở yếu kém. So với Hà Nội thì cơ sở hạ tầng của TPHCM bây giờ không bằng đâu, kém xa... Đó là những mặt hạn chế.”

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cho TPHCM có xu hướng giảm qua từng thời kỳ. Vào năm 2000, TPHCM được giữ 33% ngân sách, thì sau 20 năm giảm chỉ còn 18% vào năm 2020 và phải nộp ngân sách 82% số tiền thu được.

Trong khi đó Hà Nội được giữ lại 35% ngân sách và chỉ phải nộp ngân sách 65% số tiền thu được từ tất cả các nguồn.

Dù còn nhiều hạn chế nhưng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 9/5/2021 cam kết sẽ thúc đẩy triển khai bốn chương trình phát triển mà TPHCM đã đề ra, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của TPHCM, chuyển giao khoa học- công nghệ... bảo đảm môi trường sống xanh để góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại...

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trả lời RFA từ Sài Gòn cho rằng, nếu còn tiếp tục quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì không biết lúc nào có thể vươn lên được. Nếu tiếp tục tham nhũng tràn lan... nếu tiếp tục để cán bộ quản lý nhà nước, đảng viên Đảng Cộng sản thối nát từ trên xuống dưới thì sẽ không phát triển được. Nhưng ông Bùi Kiến Thành cho rằng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nếu Việt Nam thay đổi cơ chế, thay đổi cách quản lý nhà nước, thay đổi cách quan hệ giữa nhà cầm quyền và nhân dân, thành ra một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.