Hôm 11 tháng 12 năm 2020, bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch Thành phố Hà Nội bị chủ tọa Trương Việt Toàn tuyên mức án 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Sau phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn vẫn trong trang phục xét xử của thẩm phán đã bắt tay, vỗ vai bị cáo Nguyễn Đức Chung và động viên ông Chung cải tạo tốt, 5 năm cũng nhanh thôi.
Hành động này gây phản ứng của nhiều người trên mạng xã hội và báo chí Nhà nước trích dẫn giải thích của ông Toàn rằng, sau khi xét xử xong ông phải đi qua hàng ghế của bị cáo để về phòng làm việc và việc bắt tay ông Chung diễn ra một cách bình thường, thể hiện tình người với nhau thôi.
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng làm Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang 10 năm cho biết, ông chưa bao giờ thấy việc tương tự như vậy xảy ra. Ông Tạo nhận xét về hành vi của Thẩm phán Trương Việt Toàn:
“Trong con mắt cán bộ tòa thì những người gọi là tù nhân lương tâm thì họ căm thù lắm chứ không bao giờ có hành vi thân mật như thế. Cái thân mật của ông Toàn với ông Chung là hành vi chưa từng thấy và nó không bảo đảm tính khách quan. Công chúng người ta không nghĩ rằng ông thẩm phán, chủ tọa phiên tòa này khách quan mà phải có cái gì đó đáng nghi ngờ đằng sau.
Mình cũng chưa đọc văn bản nào nghiêm cấm sự thân mật giữa Hội đồng xét xử đối với bị cáo. Nhưng nó có cái nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia Hội đồng xét xử không được phép tiếp xúc, trò chuyện với bị can, bị cáo tại tòa cả. Hành vi đó rất chướng và khiến những người khác đặt ngay dấu hỏi và nghi ngờ tính công tâm của Hội Đồng xét xử.”
Nó có cái nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia Hội đồng xét xử không được phép tiếp xúc, trò chuyện với bị can, bị cáo tại tòa cả. Hành vi đó rất chướng và khiến những người khác đặt ngay dấu hỏi và nghi ngờ tính công tâm của Hội Đồng xét xử. -Nhà báo Võ Văn Tạo
Ông Tạo nói thêm rằng, tuy hành vi này chưa từng có tiền lệ nhưng nó lại không ảnh hưởng đến yếu tố độc lập tư pháp. Tư pháp độc lập phải hiểu là không chịu ảnh hưởng của bất cứ ai. Về mặt nguyên tắc thì luật Việt Nam họ cũng ghi như thế. Có nghĩa là khi xét xử thì các thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đó là về mặt nguyên tắc, còn thực tế thì nó khác hoàn toàn.
Trao đổi với truyền thông trong nước, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Tiến sĩ luật học, cho rằng khi xét xử, thẩm phán được nhân danh Nước CHXHCN Việt Nam. Do đó, dưới góc độ pháp lý tại pháp đình, hành vi của chủ tọa Trương Việt Toàn là không hợp lệ. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đây là bài học để các vị thẩm phán rút kinh nghiệm.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng sau khi xét xử vụ án mà thẩm phán xuống bắt tay với bị cáo là rất phản cảm. Việc này chưa từng xảy ra tại một phiên toà nào cả dù hiện nay chưa có quy định nào về việc thẩm phán bắt tay với bị cáo, bị can.
Việc Thẩm phán Trương Việt Toàn đi xuống bắt tay ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác sau phiên tòa gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một số người quan niệm rằng, người tiến hành tố tụng không được bắt tay bị cáo sau khi tuyên án hoặc bày tỏ những cử chỉ thân thiện như người nhà hoặc bạn thân. Một số người khác lại nhạo báng yếu tố được coi là “nhân văn” trong hành động này, bởi trước đó chính ông Toàn cũng trong Hội đồng xét xử vụ án Đồng Tâm. Ông Toàn không hề xuống bắt tay những nông dân giữ đất bị kết án.
Với cái nhìn của một luật sư, ông Phạm Công Út phân tích:
“Người thẩm phán hoặc một trong các thành viên của Hội đồng xét xử phải từ chối xét xử, tiến hành tố tụng nếu bị can, bị cáo có quan hệ thân thích vì nó sẽ không khách quan khi xét xử.
Ông Chung là một quan chức phạm tội với mức án lẽ ra phải từ 10 đến 15 năm mà bị tuyên có 5 năm. Như vậy là không khách quan và cái hình ảnh cuối cùng cũng thể hiện sự không khách quan.
Do đó, vụ án này về mặt hình ảnh, mặt thông tin, mặt dư luận, đặc biệt về mặt tố tụng thì thẩm phán Trương Việt Toàn có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng hình sự.”
Luật sư Phạm Công Út phân tích thêm về yếu tố không khách quan có thể có trong phiên xử thông qua bức ảnh với mức án mà ông cho là quá nhẹ rằng, không biết ông Toàn có chống lại hai lá phiếu 5 năm tù của hai vị hội thẩm đoàn không hay ông Toàn cũng đề nghị mức án 5 năm?
“Có điều sau khi tuyên án 5 năm tù thì ông Toàn xuống bắt tay ông Chung. Điều này thể hiện sự không khách quan trong khi tiến hành tố tụng chứ không phải là không độc lập trong tư pháp. Không độc lập nó là một câu chuyện khác.”
Truyền thông trong nước dẫn lại một số phân tích, giải thích của Thẩm phán Trương Việt Toàn rằng, về mặt nguyên tắc, Hội đồng xét xử sẽ tự giải tán sau khi phiên tòa kết thúc, tức khi tuyên án xong. Lúc này, ông Toàn không còn trong tư cách chủ tọa và ông Chung không còn trong tư cách bị cáo mà cả hai là những con người bình thường. Không có quy định nào cấm hai người bình thường bắt tay với nhau.
Ông Chung là một quan chức phạm tội với mức án lẽ ra phải từ 10 đến 15 năm mà bị tuyên có 5 năm. Như vậy là không khách quan và cái hình ảnh cuối cùng cũng thể hiện sự không khách quan. - Ls. Phạm Công Út
Ông Trương Việt Toàn cũng cho biết, trước đây, sau phiên xử Hà Văn Thắm ông cũng từng bắt tay, động viên bị cáo Thắm cải tạo tốt.
Tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc cho biết, ông thấy hành động của ông Trương Việt Toàn rất lố bịch, không có tính chuyên nghiệp và tư tưởng của một người làm luật.
“Về mặt pháp lý thì Nguyễn Đức Chung là một tội phạm đã bị kết án, Trương Việt Toàn là một thẩm phán, tức là người thi hành công vụ. Phải nói rõ vai vậy để thấy việc của ông Toàn là việc thực thi pháp luật. Không thể có chuyện một thẩm phán xử xong rồi vỗ vai, động viên bị cáo. Đó là việc của cán bộ quản giáo khi ông Chung đi thi hành án.
Vì vậy tôi cho rằng hành vi của ông Trương Việt Toàn không chuyên nghiệp. Hành vi đó nó chỉ thích hợp trong môi trường gia đình. Điều này không nên xuất hiện tại các phiên tòa. Ổng còn dám nói là trước đây ổng cũng vỗ vai Hà Văn Thắm sau phiên xử để động viên. Vậy tại sao ổng không làm vậy khi xử Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn?
Nhà văn Nguyễn Thị Hoài trên trang blog cá nhân trích dẫn phiên xử ngày 17 tháng 12 năm ngoái, vụ AVG. Lúc đó thẩm phán Trương Việt Toàn được tường trình đã ngắt lời bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Thông tin - Truyền thông khi nói trước tòa là vào thời điểm phê duyệt thì không hiểu vấn đề.
Ông Trương Việt Toàn được dẫn lời rằng ‘Nhưng mà chả hiểu thì làm bộ trưởng làm gì!’. Theo nhà văn Nguyễn Thị Hoài thì những phát ngôn của ông Trương Việt Toàn tại phiên xử đó được lòng dư luận. Nhà văn Nguyễn Thị Hoài cho rằng bà hiểu tâm lý đó, nhưng luật pháp không sinh ra để phục vụ cái vỗ tay của dư luận. ‘Thẩm phán thuộc hội đồng xét xử một phiên tòa trước hết phải giữ một thái độ tuyệt đối trung lập’.