“Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành ‘thành trì bảo vệ công lý’...”
Đó là phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, do Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức trực tuyến hôm 21/12/2020... Hội nghị có 10.000 người dự, trong đó có 6.000 thẩm phán các cấp tại gần 800 điểm cầu trực tuyến.
Liệu Tòa án Nhân dân Việt Nam có thể là thành trì bảo vệ công lý như lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi những năm qua đã xảy ra nhiều vụ án oan sai gây bức xúc trong dư luận. Chưa kể nhiều vụ án bị chính trị hóa, quy kết tội vi phạm an ninh quốc gia với những bản án bỏ túi.
Khi mà ở Việt Nam hiện nay hoạt động của Toà án được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiêu chuẩn chính trị của thẩm phán phải là đảng viên thì tính độc lập của Toà án chỉ là khẩu hiệu và tồn tại trên câu chữ mà thôi!
-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA hôm 22/12 về vấn đề này:
“Toà án lẽ ra phải là thành trì của Công lý! Và Công lý luôn là khát khao cháy bỏng nơi người dân Việt.
Tuy nhiên, khi mà ở Việt Nam hiện nay hoạt động của Toà án được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiêu chuẩn chính trị của thẩm phán phải là đảng viên thì tính độc lập của Toà án chỉ là khẩu hiệu và tồn tại trên câu chữ mà thôi! Và lẽ cố nhiên, Toà án mà không độc lập thì việc xét xử không thể tránh được oan sai và câu chuyện oan sai vẫn là điệp khúc bất tận trong môi trường pháp luật Việt Nam.”
Đơn cử một số vụ được nhiều người quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Hồ Duy Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.
Trước đó cũng có nhiều vụ án oan sai như vụ ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù liên tục kêu oan, sau 10 năm ngồi tù oan, ông mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người.
Hay ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, gần 17 năm ngồi tù oan, và chỉ được đình chỉ điều tra sau khi công an tìm ra hung thủ giết người.
Mới nhất là vào ngày 12/10/2020, VKSND tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án ‘Cướp tài sản riêng của công dân’. Vụ án oan này đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979 và có hai người đã chết không được nhận bồi thường.
Tôi cho rằng lời kêu gọi của ông Phúc rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và tôi cũng mong ông ấy sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể để cải cách hoạt động tòa án chứ không dừng lại ở lời kêu gọi.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Từ Sài Gòn hôm 22/12, Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA qua tin nhắn cho biết, Tòa án có chức năng bảo vệ công lý. Nhưng khi người đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi xây dựng Tòa án Nhân dân thành ‘thành trì bảo vệ công lý’ là đã tái xác nhận một thực trạng đáng buồn về hệ thống tòa án Việt Nam đã chưa đáp ứng được chức năng chính yếu của mình. Luật sư Mạnh cho biết tiếp:
“Qua đó, tôi cho rằng lời kêu gọi của ông Phúc rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và tôi cũng mong ông ấy sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể để cải cách hoạt động tòa án chứ không dừng lại ở lời kêu gọi.
Vài vấn đề mang tính cơ bản có thể giúp cải cách hoạt động tòa án mà chính quyền có thể cho nghiên cứu, điển chế để vận dụng ngay, như :
- Bảo đảm tính độc lập xét xử. Hiện nay, tôi tin rằng sự tồn tại các tổ chức nội chính tỉnh/thành, các hoạt động “chỉ đạo án” hay “duyệt án”… đang làm ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của tòa án.
- Thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời và được đãi ngộ xứng đáng để họ có thể toàn tâm, toàn ý với nghề nghiệp của mình.
- Bảo đảm tuyệt đối hoạt động tham gia tố tụng của luật sư.
- Thành lập tòa bảo hiến.
- Tách việc quản lý giam giữ nghi phạm ra khỏi hệ thống công an hoặc có thể giám sát, kiểm tra được.”

Cũng tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, TAND Tối cao báo cáo trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, các tòa án đã thụ lý hơn 2 triệu vụ việc. Ngành tòa án trong năm 2020 cũng đã xử lý nghiêm nhiều vụ án lớn với các bị cáo là người có chức vụ cao như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… Tuy nhiên cơ quan đứng đầu ngành Tố tụng không nói về các bản án oan sai mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Luật gia Phạm Công Út, hiện sống tại Sài Gòn, giải thích với RFA hôm 22/12 về cơ chế tố tụng tại Việt Nam:
“Tôi nghĩ đó là ước ao của Thủ tướng, nhưng cơ chế pháp luật đặc biệt là tố tụng rất khó bảo vệ công lý bởi vì họ có những vấn đề nhạy cảm về chính trị. Ví dụ như những vụ án hình sự thông thường như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trốn thuế....nhưng biến thành một vụ án chính trị. Khi như vậy, dù không phải là phiên tòa an ninh quốc gia, nhưng khi người ta chính trị một vụ thường án... thì nó không khác gì một phiên tòa an ninh quốc gia. Từ đó an ninh thắt chặt, và người bị quy kết đã giống như có tôi khi họ họp với nhau, chứ không phải khi bản án tuyên có hiệu lực pháp luật.”
Còn vấn đề thứ hai, theo Luật gia Út là vấn đề tố tụng của Việt Nam là sự pha trộn của tố tụng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), nó mang tính xét hỏi nhiều hơn là tính tranh tụng. Trong khi Việt Nam có ký kết một số công ước Liên Hiệp Quốc, và cũng có tiến hành sửa luật nhưng không đáp ứng được hiện thực tiến hành tố tụng. Ông đưa ra dẫn chứng:
“Ví dụ như chống tra tấn, phải ghi âm ghi hình, được từ chối trả lời nếu không có luật sư... Nhưng mà khi người ta đã chính trị hóa một vụ thường án thì luật sư không được sao chụp tài liệu, không được tham gia từ đầu cho tới cuối. Hay ví dụ vụ án giết người ở Đồng Tâm, thì người ta chính trị hóa nó thành vị trọng án, nó không phải vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng các luật sư tham gia bị hạn chế một số quyền tiếp cận hay quyền của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nó hạn chế rất nhiều so với các vụ trọng án khác, không phải là một phiên tòa xét có tội hay không và sau đó có một phiên tòa khác tuyên mức án. Mà phiên tòa này ở Việt Nam từ sơ thẩm kết tội đến kết án trong cùng một phiên tòa. Như vậy nó mang mô hình XHCN.”
Trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội... Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên xử diễn ra vào ngày 14/9/20, đã ra phán quyết đối với 29 người.
Trong 6 người đã bị cáo buộc tội ‘giết người’, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội ‘Chống người thi hành công vụ’.
Người dân Đồng Tâm và các luật sư đều cho rằng các bản án tuyên cho người dân Đồng Tâm đều là oan sai.
Tôi nghĩ đó là ước ao của Thủ tướng, nhưng cơ chế pháp luật đặc biệt là tố tụng rất khó bảo vệ công lý bởi vì họ có những vấn đề nhạy cảm về chính trị.
-Luật gia Phạm Công Út
Sau này, Việt Nam đã có cải cách tư pháp, lấy tranh tụng tại phiên tòa làm trọng tâm của bản án. Tuy nhiên theo Luật gia Phạm Công Út, việc tranh tụng thì luật sư bị dẫn giải ra khỏi phòng tranh tụng rất nhiều. Nếu luật sư đó bị chủ tọa cho rằng luật sư đó không đi vào trọng tâm, sẽ bị nhắc nhở nhiều lần và áp giải ra ngoài. Tuy nhiên ông Út nói tiếp:
“Luật không quy định là nếu không đi vào trọng tâm, bị nhắc nhở nhiều lần thì cảnh sát bảo vệ tư pháp sẽ áp giải ra ngoài. Mà hình ảnh các luật sư bị áp giải ra ngoài rất nhiều, trong khi các luật sư cho rằng mình đi vào trọng tâm. Trong cải cách tư pháp, phiên tòa xét xử phải có camera ghi hình, phải lưu lại, nếu có khiếu nại tố cáo thì lấy ra xem ai đúnh ai sai... Thì tòa vẫn có camera, nhưng áp dụng một cách tùy nghi, cảm tính, người ta không dám trích xuất các camera các phiên tòa có luật sư bị dẫn giải sau khi tranh luận gay gắt, dù đã có tiếng nói của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.”
Như vậy đó không chỉ là ao ước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cũng là ao ước của người dân. Họ ao ước có một sự công bằng công lý tại phiên tòa. Đó là về hình sự, Luật gia Phạm Công Út cho biết thêm về vấn đề dân sự trong tố tụng ở Việt Nam:
“Vấn đề dân sự trong tố tụng ở Việt Nam trải qua một gia đoạn có sử đổi. Tuy nhiên theo một vị chánh án từng nói ‘án dân sự tại Việt Nam sử sao cũng được’... như vậy thì làm sao có công bằng. Sau sơ thẩm thì đúng ra người ta kháng cáo phúc thẩm, nhưng thậm chí người ta bị chặn đứng bằng các thủ thuật để không thể kháng cáo phúc thẩm. Đôi khi vấn đề sai sót của tòa sơ thẩm được đưa ra lúc kháng cáo, thì tòa phúc thẩm cũng cho qua luôn. Theo luật, việc sai phạm nghiêm trọng ở sơ thẩm, mà cấp phúc thẩm không thể nào khắc phục được thì phải hủy để xét xử lại.”
Tuy nhiên theo Luật gia Út, có rất nhiều vụ như vậy khiến đương sự mất sự công bằng đối với mình. Thậm chí có đương sự đã tự kết liễu sao phiên xử. Do đó đối với Luật pháp Việt Nam, dù Việt Nam không có Tam Quyền Phân Lập, thì Luật gia Phạm Công Út vẫn chưa tin rằng sau lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một người đứng đầu hành pháp, chứ không đứng đầu về tư pháp... mà có thể chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Viện Kiểm Sát và Tòa Án.