Việt Nam có thể làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm thay Facebook, Google?

0:00 / 0:00

Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, do Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 15 tháng 7 năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể".

Tạo niềm tin cho lớp trẻ Việt

Ông Hùng cho rằng, tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa.(!?).

Đối với công cụ tìm kiếm thì vị Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông gợi ý, cần công cụ tìm kiếm mới thay thế. Vì công cụ hiện nay, khi tìm một thông tin sẽ có hàng trăm nghìn câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên theo ông Hùng, trong số các đáp án, cần một câu trả lời có độ tin cậy để dùng được, nhất là những người không có chuyên môn.

Liệu Việt Nam có đủ khả năng thực hiện như ý ông Nguyễn Mạnh Hùng? Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc, khi trao đổi với RFA hôm 16/7, nhận định:

Nói về cơ sở hạ tầng – infrastructure, nguồn tài chánh, thì Việt Nam không bao giờ có thể hình thành cái tương tự như google, facebook được. Tại vì Google mất mấy mươi năm, và đã bỏ một nguồn vốn rất khủng khiếp để xây dựng, Facebook cũng vậy.<br/>-Hoàng Ngọc Diêu

“Nói về cơ sở hạ tầng – infrastructure, nguồn tài chánh, thì Việt Nam không bao giờ có thể hình thành cái tương tự như google, facebook được. Tại vì Google mất mấy mươi năm, và đã bỏ một nguồn vốn rất khủng khiếp để xây dựng, Facebook cũng vậy. Nói về tài sản thì tài sản của Google còn hơn cả nước Việt Nam, thu nhập còn hơn GDP của Việt Nam. Thì hỏi làm sao Việt Nam có nguồn tài chánh để làm cái tương tự như vậy được.”

Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho rằng, điều ông Hùng nói chỉ là một giấc mơ hảo huyền. Một lãnh đạo ngành mà nói như vậy thì có khi chỉ là thói quen bông lơ, khoác lác… chứ chẳng bao giờ là sự thật. Tuy nhiên, ông Diêu cũng cho rằng, nếu nhìn một cách tích cực, thì câu nói của Bô trưởng Hùng có thể là một dạng khích lệ cho lớp trẻ Việt Nam “mơ” về một thứ hoài bão gì đó.

… chinh phục thế giới

Tuy nhiên, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội hôm 16/7, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV cho rằng, về mặt công nghệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng để làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm để thay thế Facebook, Google. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Về mặt phát triển thị trường thì cần phải rất là nỗ lực mới có thể thay thế Facebook, Google. Hiện nay tôi thấy có hai xu hướng, một xu hướng là các công ty sẽ vào thị trường ngách, tức là họ tìm một điểm mới, cũng theo phương thức mạng xã hội, nhưng tìm vào thị trường ngách khác với Facebook, nếu thành công thì phần nào cũng cạch tranh với Facebook. Ví dụ như họ lấy video làm chủ thể của mạng xã hội đấy, thay vì các bài post. Xu hướng thứ hai là làm ra một cái mới có thể thay thế hoàn toàn Facebook. Tôi nghĩ công cuộc này chắc chắn có nhiều khó khăn, tuy nhiên không phải là không thể.”

Đây không phải là lần đầu tiên một ông Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Việt Nam đòi làm mạng xã hội mới, thay thế Facebook và Google. Hồi tháng 9 năm ngoái, khi còn giữ chức quyền Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng bày tỏ mong muốn phát triển mạng xã hội ‘Made in Vietnam’ để ‘đàm phán và buộc Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam’.

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam nên làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm thay Facebook, Google.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam nên làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm thay Facebook, Google. (RFA Edited)

Không ngờ vào ngày 10/6/2019, một mạng xã hội “Made in Vietnam” mới toanh đã được ra đời mang tên ‘Hahalolo’. Tại buổi ra mắt ở Sài Gòn, vị đại diện ‘Hahalolo’ cho biết, mạng xã hội này không dùng ngân sách nhà nước, không dùng tiền thuế của dân, đặt tham vọng ‘2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ’.

Liệu Hahalolo có như lời vị đại diện này nói, hay tiếp tục rơi vào vết xe đổ như các mạng xã hội Việt Nam trước đây, từng tuyên bố trong 6 tháng sẽ đánh bật Facebook ra khỏi thị trường Việt Nam, thì đều đã chết yểu từ lâu lắm rồi như: Zingme, Go.vn, Tamtay.vn hay BizTime của CEO 7X Vũ Văn Anh…

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, đưa ra nhận định với RFA hôm 16/7/2019:

“Theo tôi nghĩ, việc làm mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm thay Facebook, Google thì về mặt kỹ thuật không có gì khó, nhưng vấn đề là không có người dùng. Quyền để làm một sản phẩm để cạnh tranh thì cũng là bình thường, nhiều doanh nghiệp cũng có thể nhảy vào để làm. Còn để có một kết quả để có người sử dụng thật sự thì không thể nói trước được, chắc là khó.”

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, không dễ dàng có sự ủng hộ của người dân, vì hiện nay rất nhiều người họ đang sử dụng Facebook rất quen thuộc, việc chuyển sang một hệ thống khác không phải là dễ dàng. Ông nói tiếp:

“Nhưng như một số nước có nền công nghệ phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc hay Hàn Quốc, nếu họ làm đúng cách, thì cũng có thể các đối thủ nặng ký với Facebook, đặc biệt là Hàn Quốc. Trung Quốc thì họ dùng biện pháp chặn Facebook, điều kiện này thì dễ nhất rồi, nhưng tôi thấy Việt Nam sẽ không làm như vậy.”

Và, tạo công cụ kiểm soát

Cũng tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thế giới cần cách tiếp cận mới về mạng xã hội. Theo ông, người dùng phải được chia sẻ giá trị mà mạng xã hội đó tạo ra. Người dùng phải được tham gia quyết định luật chơi và được bảo vệ trên đó. Mạng xã hội là một xã hội nên các giá trị đạo đức căn bản của con người cần được tôn trọng và phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia. Có lẽ đó chính là điều ông Hùng mong muốn và cũng là điều lãnh đạo Việt Nam cần (!?). Điển hình là Việt Nam đã từng yêu cầu facebook và youtube gỡ bỏ hàng ngàn clip và hàng trăm tài khoản, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà Nước.

Ngoài ra, năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An Ninh Mạng gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật này nhằm đàn áp tự do ngôn luận trên không gian mạng xã hội nói chung.

Người dùng cảm thấy có gì đó hạn hẹp và muốn vươn ra bên ngoài. Thì cái giá trị để họ vươn ra bên ngoài là cái không thể thay thế được. Chính quyền muốn kéo người dân vào cái khung nào đó để họ dễ dàng kiểm soát hơn.<br/>-Hoàng Ngọc Diêu

Được biết sắp tới Bộ Thông tin & Truyền thông cũng sẽ tạm dừng cấp phép các trang thông tin điện tử trong cả nước nhằm tăng cường quản lý, siết chặt nội dung đăng tải.

Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 11/6/2019 cũng cho ra mắt hệ thống Mạng xã hội – VCNET, được chính quyền cho là nỗ lực gần gũi dân theo phương châm ‘tuyên giáo đi trước, đi cùng’, ‘tương tác với dân’…

Tuy nhiên, dư luận khi đó lại nghi ngờ VCNET có thể là kế sách để tăng cường kiểm soát mạng xã hội?

Trở lại với ý tưởng Việt Nam nên làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm thay Facebook, Google của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu cho rằng ý đồ gia tăng kiểm soát mạng xã hội cũng là một khả năng, ông nói tiếp:

“Đây không phải là lần đầu tiên một cán bộ cấp cao tuyên bố hay đề nghị như vậy. Trước đây Việt Nam cũng có nhiều cố gắng, thử nghiệm để hình thành mạng xã hội riêng, mong thay thế… Thật sự mình thấy những thứ như Zalo cũng khá phổ biến trên đất nước Việt Nam, nhưng nó không thể nào thay thế được Facebook. Vì người dùng cảm thấy có gì đó hạn hẹp và muốn vươn ra bên ngoài. Thì cái giá trị để họ vươn ra bên ngoài là cái không thể thay thế được. Chính quyền muốn kéo người dân vào cái khung nào đó để họ dễ dàng kiểm soát hơn.”

Đồng quan điểm với chuyên gia Ngọc Diêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận, hiện nhà cầm quyền cũng đã có quá nhiều các công cụ để kiểm soát, bởi vì dữ liệu của các mạng xã hội hiện tại đều nằm trong tay chính quyền.