Chủ tịch nước Việt Nam - Nguyễn Xuân Phúc hôm 11/1 đưa ra yêu cầu ngành tư pháp phát triển tòa án điện tử ngang tầm thế giới, khi phát biểu tại Hội thảo khoa học ‘Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Ông Phúc dẫn chứng tính khả thi yêu cầu của mình khi cho biết, chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín của ngành tư pháp Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, Tòa án Nhân dân Tối cao mới bắt đầu hoàn thiện dự thảo quy chế xét xử trực tuyến các vụ án tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2021. Vậy mà mới chỉ vài tháng sau, ông Chủ tịch nước đã đòi ngang tầm thế giới.
Liệu với ‘những bản án bỏ túi’... Việt Nam có thể phát triển tòa án điện tử ngang tầm thế giới?
Những tội danh trong chương xâm phạm an ninh quốc gia, như điều 117 vừa rồi rất nhiều người bị xử rất nặng, thì đó ai cũng biết đó là những bản án bỏ túi. Bây giờ có tổ chức tòa điện tử thì nó cũng không làm thay đổi gì nội dung hàng chục năm qua.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trả lời RFA hôm 12/1, nhận định:
“Tôi cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc không phân biệt được cặp phạm trù nội dung và hình thức. Ở đây phải nói rõ nội dung là pháp luật và thi hành luật, còn hình thức là tổ chức tòa điện tử... Nội dung hệ thống luật pháp hiện nay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì họ không có gì thay đổi. Ví dụ như những tội danh trong chương xâm phạm an ninh quốc gia, như Điều 117 (Bộ Luật Hình sự) vừa rồi rất nhiều người bị xử rất nặng, thì đó ai cũng biết đó là những bản án bỏ túi. Bây giờ có tổ chức tòa điện tử thì nó cũng không làm thay đổi gì nội dung hàng chục năm qua.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, trước khi có tòa điện tử thì tội danh chống Nhà nước đã có rồi, do đó ông không có niềm tin gì vào tòa điện tử, vì nó chỉ mang tính chất trang trí, theo xu hướng tiếp cận văn minh thế giới. Nhưng bản chất ngoa ngôn và lộng ngôn của người cộng sản Việt Nam theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già là không có gì thay đổi. Do đó ông không tin là có sự văn minh hơn hay tiến bộ hơn đối với tòa án điện tử.
Số liệu thống kê của Human Rights Watch vào cuối năm 2021 cho thấy, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 145 người vì dám lên tiếng đòi thực thi các quyền cơ bản ôn hoà. Trong năm 2021, ít nhất 31 người đã bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến trái với quan điểm của Chính phủ trên mạng internet.
![7040665d-c061-4758-ac14-a7d1c22812ad.jpeg](https://www.rfa.org/resizer/v2/TVUNMQFHEZSPAM2HOWSKLO5Q2M.jpg?auth=56e2098c56ee198df6dd9ca96288a17329597a42813ba4808fa973dd6ac85417&width=400&height=400)
Dù vậy, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam khi trả lời RFA vẫn cho rằng Việt Nam đủ cơ sở để xử trực tuyến. Theo ông Hậu, trong mấy tháng qua, vì đại dịch COVID-19 nên tất cả đều thực hiện theo hình thức trực tuyến và ông thấy phát triển kỹ thuật số của Việt Nam đủ cơ sở để thực hiện việc này. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói tiếp:
“Thứ nhất là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí như là khi tham gia tố tụng phải trả như tiền ăn, tiền ở, đi lại... Và đối với vụ án như vậy thì chúng tôi có thể đọc hồ sơ trực tuyến mà không phải đến tòa. Đối với những vụ án thương mại nếu xử trực tuyến thì rất thuận tiện. Theo tôi đây là xu thế mà chúng ta nên thực hiện, là bước khởi đầu trong cải cách tư pháp của Việt Nam.”
Tuy nhiên, Luật sư Hà Huy Sơn khi nhận định với RFA từ Hà Nội cho rằng, Việt Nam muốn phát triển xét xử trực tuyến thì Quốc hội phải sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Dân sự... Vì quy định xét xử trực tuyến chưa quy định những thủ tục như thế nào? Xét xử trực tuyến đối với những ai? Theo Luật sư Hà Huy Sơn, nếu xét xử trực tuyến mà tạo điều kiện công khai, cho dư luận, công luận được biết thì theo ông cũng là tích cực.
Nhưng Luật sư Hà Huy Sơn cũng bày tỏ lo ngại, vì ngay cả xét xử trực tiếp tại Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều vấn đề cần xem xét. Ông nói tiếp:
“Xét xử trực tiếp thời gian qua như các vụ án thuộc diện an ninh quốc gia, người ta hay nói có tính chất chính trị, thì tòa hay hạn chế người dân tham dự. Nói chung gọi là công khai nhưng thực chất là xử kín. Thường các vụ án này thì hầu như có sự chuẩn bị sẵn của phía tòa, người ta ít tranh luận hết các quan điểm của các luật sư. Và ý kiến của các luận sư cũng ít khi được lắng nghe. Tình trạng thời gian qua là như vậy.”
Các vụ án thuộc diện an ninh quốc gia, người ta hay nói có tính chất chính trị, thì tòa hay hạn chế người dân tham dự. Nói chung gọi là công khai nhưng thực chất là xử kín. Thường các vụ án này thì hầu như có sự chuẩn bị sẵn của phía tòa, người ta ít tranh luận hết các quan điểm của các luật sư.
-Luật sư Hà Huy Sơn
Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào cuối năm 2021 đã gửi một bức thư đến Chính phủ Việt Nam, yêu cầu cung cấp các thông tin về việc bắt giữ và kết án đối với một số các nhà hoạt động tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021.
LHQ yêu cầu phía Việt Nam làm rõ thông tin bắt giữ và kết án đối với các nhà hoạt động bao gồm: Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thành và Trần Quốc Khánh. Đây là những người đã bị bắt giữ trong năm 2020 và 2021 với các cáo buộc tội liên quan đến an ninh quốc gia theo các Điều 117 và Điều 331 của Bộ Luật Hình sự 2015 vốn là những điều luật bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và chuyên dùng để áp tội lên những người có tiếng nói chỉ trích chính quyền.
Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng yêu cầu Hà Nội cung cấp và làm rõ các thông tin liên quan đến các cáo buộc đối với những người được nêu tên trong thư; cơ sở pháp lý của việc bắt giữ và kết án, giải thích cơ sở này dựa trên nghĩa vụ được quy định tại Công ước của LHQ về các Quyền Dân sự và Chính trị; giải thích tại sao những người bị bắt giữ không được tiếp xúc với gia đình và luật sư.