Liệu Việt Nam có trụ được hạng nhì thế giới về hàng may mặc xuất khẩu?

Việt Nam từ năm ngoái đã qua mặt Bangladesh, trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ nhì thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng giữ được vị thế này trong khi dịch bệnh kéo dài là bài toán khó cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà Nước.

0:00 / 0:00

Việt Nam đứng thứ nhì thế giới, tức chỉ sau Trung Quốc và vượt qua Bangladesh về hàng may mặc xuất khẩu năm 2020. Đó là thẩm định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO được công bố vào ngày 4/8 vừa qua.

Thống kê của WTO cho thấy, năm 2020 hàng dệt may Việt Nam chiếm 6,4% thị phần xuất khẩu toàn cầu, tăng 6,2% so với 2019, đưa Bangladesh xuống hạng ba trên biểu đồ thứ hạng

Vẫn theo số liệu của WTO, lượng xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh và của Việt Nam đều giảm đi trong năm 2020 do tác động dịch bệnh, thế nhưng xuất khẩu từ Bangladesh giảm mạnh hơn 28 tỷ USD, trong lúc Việt Nam đạt 29 tỷ USD.

Báo chí trong nước dẫn lại nhận định của báo Bangladesh, tờ Dhaka Tribune, rằng Việt Nam vượt qua được Bangladesh nhờ tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm, lại thêm ảnh hưởng tốt từ FTA - Hiệp Định Thương Mại Tự Do mà Hà Nội đã ký với EU Liên minh Châu Âu hồi tháng 6/2019.

Điều này được ông Nguyễn Thành Sang, nguyên Tổng giám đốc Công ty Dệt May Phước Thịnh, xác nhận:

"Phải nói trong thời gian qua Việt Nam tập trung đầu tư cho ngành dệt may rất lớn. Hội nhập về xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam mình đi ra các nước, tốc độ phát triển của ngành dệt may xuất khẩu qua các nước mà áp dụng thuế bằng 0 cho nên lượng hàng hóa và năng lực sản xuất cũng được dồi dào. Tốc độ phát triển cũng hưởng lợi từ thuế bằng 0. Từ chỗ đó thì tôi nghĩ sự công tác chuẩn bị suốt những năm vừa rồi đã đạt mục tiêu đầu tư đó".

Câu hỏi tới giờ phút này là Việt Nam có khả năng giữ được vị trí một nước lớn thứ nhì toàn cầu về hàng may mặc xuất khẩu hay không?

Vấn đề thứ hai, làm sao giúp ngành may mặc Việt Nam đứng vững khi mà rất nhiều hãng xưởng gia công lớn nhỏ, đặc biệt ở phía Nam, bị tê liệt, đình trệ như lời một chủ doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương (xin giấu tên vì an toàn) chia sẻ qua điện thư với RFA:

“Tình hình doanh nghiệp bên chị bi đát lắm, các nhà máy đóng cửa hết, ba tại chỗ cũng là F0. Bây giờ không doanh nghiệp nào sản xuất được nữa, mong có vắc-xin thôi, còn hỗ trợ thì không biết”.

Chuyện Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc trong lãnh vực may mặc xuất khẩu không lạ, cái chính là khó mà có thể giữ được vị trí này trong hoàn cảnh ‘chống dịch như chống giặc’ hiện nay, là nhận định của người từng làm việc tại Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội trước đây, Luật sư Đặng Dũng:

"Tôi ở ngay bên cạnh khu công nghiệp Tân Bình. Thật tình mà nói nhìn cảnh đường phố vắng tanh, không một hàng quán một cơ sở nào hoạt động thì cũng chẳng có ai đi làm. Khu công nghiệp vắng hoe thế này thì làm sao bây giờ"

“Tôi coi trên VTV, thấy Bí thư ngoài Bắc Giang nói là họ cho tổ chức ba tại chỗ, bảo làm gương cho TPHCM. Thế nhưng báo đài TPHCM đang la hoảng lên vì áp dụng mô hình đó là có ổ dịch, những nơi ba tập trung như vậy là hãng dệt may thôi”

“Thế thì với tình trạng mỗi nơi một sách, tình hình vắc-xin chưa sáng sủa, Chỉ Thị 16 đang gắt gao và càng gắt gao hơn nữa, thì phải nói là chưa thấy một tia sáng nào về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, và cái thành tích dệt may lên hạng của mình khó lòng mà giữ được”.

Đối với nguyên Tổng giám đốc Công ty Dệt May Phước Thịnh, ông Nguyễn Thành Sang, tình hình sản xuất 6 tháng đầu 2021 tương đối tốt, còn việc có giữ được vị thế thứ nhì trong xuất khẩu hàng may mặc năm 2021 này không thì không ai có thể nói chắc chắn được:

“Mấy tháng nay phải chấp hành Chỉ Thị 16 thì doanh nghiệp cũng đang rơi vào hoàn cảnh chung của cả nước. Còn lại sáu tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh cứ như thế này, lực lượng lao động tại chỗ bị phân tán hết, các khu công nghiệp vẫn bị phong tỏa, một số doanh nghiệp đã ngưng hoạt động Bây giờ mình sản xuất được cỡ 20 - 30% thôi, có đơn đặt hàng mà không có người làm, thì tôi nghĩ cái vị thế thứ nhì thế giới là không thể nói được”.

Muốn biết Việt Nam có giữ được vị trí thứ hai, hay lại bị tụt hạng năm 2021 này, thì hãy căn cứu vào tình hình dịch tể hiện tại, là khẳng định của ông Nguyễn Đình Trường, Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

“Còn căn cứ vào tình hình cụ thế chứ mình cũng chả dám nói là mình giữ được hay không, mình chỉ bảo đảm là khôi phục sản xuất thôi”

Khôi phục sản xuất thì những bước ưu tiên mà Chính phủ và doanh nghiệp dệt may phải thực hiện cho bằng được, theo lời chuyên gia Hiệp hội Dệt may Nguyễn Đình Trường:

"Thứ nhất là chống dịch thành công, bởi vì dịch bệnh liên tục kéo dài thì không thể nói là mình khắc phục được theo chủ quan của mình"

“Thứ hai là giữ người lao động, có lao động mới có sản xuất, có tiền trả lương cho người lao động. Thứ ba là phải giữ được khách hàng, cả nguồn cung và cả nguồn cầu. không giữ được thì khôi phục sẽ rất khó khăn và sẽ chậm hơn. Vấn đế thứ tư là phải tìm thị trường mới, bù vào những khách hàng đã phá sản và đã ngừng sản xuất”.

"Việc hỗ trợ tất nhiên nó phải chậm đi một bước, chỉ mức độ thôi chứ Việt Nam làm gì có tiền như bên Mỹ mà một lúc cho mỗi người cả nghìn đô, doanh nghiệp phải vận dụng thôi. Mình chả dám khẳng định là sẽ giữ thứ hai hay thứ nhất".

ditansaigon1a.jpeg
Người lao động rời khỏi TPHCM và các tỉnh phía Nam do dịch bệnh COVID-19 để về quê hồi cuối tháng 7/2021. Hình: Facebook

Với kinh nghiệm của người từng công tác trong Sở LĐ,TB&XH, Luật sư Đặng Dũng cho rằng muốn khôi phục xuất khẩu cho ngành may mặc Việt Nam, chủ yếu tập trung về các tỉnh thành phía Nam, thì phải tìm cách ổn định đội ngũ công nhân đông đảo đang tháo chạy khỏi thành phố:

“Ở miền Bắc thì tôi nghĩ tình hình khá hơn trong miền Nam. Tôi không hiểu các em chạy dịch về quê có công ăn việc làm để bù đắp cho số không có việc làm hiện tại ở TPHCM và các tỉnh phía Nam hay không. Các em chạy về Bắc mà có ngay việc làm thì tôi nghĩ đó là điều rất đáng hoan nghênh”

“Nếu Nhà nước biết cách kêu gọi những công nhân có tay nghề ở miền Nam về, đón họ và cho họ đi làm thì tôi nghĩ đó là hướng mở cho người lao động và cho sản xuất. Tôi chưa thấy Chính phủ tìm cách kêu gọi các công nhân có tay nghề vào đăng ký ở các khu công nghiệp đang chờ họ. Trên báo đài và trên TV cũng chưa thấy tin Nhà nước sẽ giúp đỡ những công nhân và doanh nghiệp dệt may này như thế nào”.

Tóm lại, theo nhận định của các chuyên gia ngành may mặc, không được hỗ trợ tài chính để phục hồi sản xuất và xuất khẩu thì khoan bàn đến chuyện nhất nhì thế giới năm nay và cả năm sau.

Luật sư Đặng Dũng cho rằng chẳng cứ ngành may mặc mà tất cả những ngành gia công khác cũng đang loay hoay, vất vả trước bài toán khôi phục rất khó giải này.