Tham vọng để đời!
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu cho rằng phải coi văn kiện đại hội đảng là ‘văn bia’, còn để lại đời sau…
Ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra so sánh vừa nói hôm 14/2, khi chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, gửi đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến.
Trao đổi với RFA hôm 18/2, Nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, đưa ra phân tích câu nói của ông Trọng:
“Ý ông Trọng là ông muốn nói đó không phải là loại ‘lời nói gió bay’, mà cái đó còn để lại đời đời, cho đời sau đọc, và người ta sẽ căn cứ vào đó mà phán xét mình, cho nên phải rất là cẩn thận, có lẽ ý ông là như thế. Nhưng ông Trọng dùng chữ ‘văn bia’ là không cẩn thận, vì khi ông nói đã quên mất người Việt có câu thành ngữ ‘khôn văn tế, dại văn bia’…
Ông Trọng dùng chữ 'văn bia' là không cẩn thận, vì khi ông nói đã quên mất người Việt có câu thành ngữ 'khôn văn tế, dại văn bia'…<br/>-PGS Hoàng Dũng
Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giải thích thêm với RFA hôm 18/2:
“Trong dân gian có câu ‘khôn văn tế, dại văn bia’ tức là người khôn thì viết văn tế, viết xong đốt bỏ, không có tang chứng nào để lại. Còn văn bia là văn viết xong phải khác vào đá, bền vững với thời gian. Vì vậy ai dại mới viết văn bia, vì để mãi và người ta sẽ phán xét về nội dung đó, hậu thế sẽ phán xét. Ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhấn mạnh, văn kiện này sẽ lưu lại mãi và ai viết thì phải chịu trách nhiệm.”
Cũng tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giải thích, vì văn kiện đảng như văn bia, còn để lại đời sau, nên việc tiếp thu các ý kiến đóng góp phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ, phương châm là bình tĩnh lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa.
Trách nhiệm lãnh đạo!
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, như vậy là ông Nguyễn Phú Trọng đã gián tiếp thừa nhận những văn kiện này là những thứ lưu lại cho hậu thế và đảng công sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm với nhân dân, với hậu thế về những gì đã viết ra trong văn kiện đại hội đảng thứ 13. Ông nói tiếp:
“Ở đây tôi muốn nhắc lại việc trước đây khi ông Nông Đức Mạnh còn là Tổng bí thư có nói, đến năm 2020 Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp hóa. Đến bây giờ năm 2020 thì VN có công nghiệp hóa hay không? Vừa rồi mạng xã hội có lôi câu đó ra để đàm tiếu đối với người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản VN trước đây, tức ông Nông Đức Mạnh.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, có thể hiểu ông Trọng lưu ý như vậy là để những người viết văn kiện đại hội đảng thứ 13… thứ nhất phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, lịch sử về những điều ghi trong đó. Thứ hai có thể là nhắc nhở, những mục tiêu, đề xuất, phải trong chừng mực nhất định, chứ không thể nói như hồi ông Nông Đức Mạnh được.
Để hiểu rõ thêm thế nào là văn bia, và những trường hợp nào thường được dựng văn bia tại Việt Nam? Đài Á Châu Tự Do hôm 18/2 liên lạc Sử gia Dương Trung Quốc, hiện đang sống tại Hà Nội, và được ông giải thích:
“Văn bia là một hình thức khá phổ biến trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chúng tôi coi là một thứ thư tịch để lại cho đời sau, vì nó được khắc trên chất liệu có thể nói là bền vững. Như vậy đó là những thông điệp của người đời nay không chỉ để nói với người đời nay mà muốn để lâu dài. Có thể đơn giản như một tấm bia mộ chí, để thông tin về những người đang nằm dưới ngôi mộ ấy, hay có thể là một tấm bia biển hiệu, bia hạ mã, nhắc nhở mọi người tôi trọng không gian có di tích, có tâm linh tôn giáo… Nhưng nó cũng có thể chứa đựng rất nhiều thông tin, kể cả những án văn, những thông điệp, nó có thể tôn vinh những người đỗ đạt như bia tiến sĩ chẳng hạn. Hay một tấm bia để người ta chuyển tải cái gì đó cho đời sau, như bia trong Lăng Vua Tự Đức chẳng hạn. Hay về kinh Phật như bia Nhất Trụ ở Ninh Bình…”
Bia đá-bia miệng!
Theo Sử gia Dương Trung Quốc, điều quan trọng là phải sử dụng những chất liệu bền vững như bia đá tượng đồng dựng văn bia, để chuyển tải thông điệp cho đời sau. Đó có lẽ là đặt trưng cơ bản khi người ta ghi lên những tấm bia tại Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới.
Nếu mà có thể có một nhận xét khác thì Việt Nam cũng có một câu tục ngữ có ý là, nếu làm những điều tốt cho dân, thì tiếng thơm trong dân, thì dù bia bằng lời miệng vẫn lưu ngàn đời. Còn bia bằng đá, bằng đồng mà ghi lại những cái không ra gì, thì nó cũng nhanh chóng đi vào lãng quên mà thôi.<br/>-TS Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA hôm 18/2 liên quan vấn đề này cho rằng, kiểu nói như ông Trọng vừa nói là một phong cách rất cổ, của các vị lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.
Còn những người không già lắm như ông Trọng thì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A là đã bắt chước những vị lãnh đạo đã chết từ lâu rồi. Và khi người đứng đầu nói như thế thì những người nịnh hót theo sau cũng lại vào hùa, noi theo như con vẹt. Thật sự đó là phong cách lãnh đạo, mà với người dân Việt Nam hiện nay, nhất là giới trẻ, thì đó là điều hết sức lạc lỏng, không ăn nhập gì đến thời đại. Ông nói tiếp:
“Nếu mà có thể có một nhận xét khác thì Việt Nam cũng có một câu tục ngữ có ý là, nếu làm những điều tốt cho dân, thì tiếng thơm trong dân, thì dù bia bằng lời miệng vẫn lưu ngàn đời. Còn bia bằng đá, bằng đồng mà ghi lại những cái không ra gì, thì nó cũng nhanh chóng đi vào lãng quên mà thôi.”
Theo Nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, những câu nói của các vị lãnh đạo bị nhiều anh em đem ra mỉa mai, vì theo ông, đằng sau tất cả câu chữ đó, là do người ta không bằng lòng với sự lãnh đạo của đảng, những chính sách không đáp ứng được lòng dân, nên người ta mới cười cợt, mỉa mai được. Chứ nếu xã hội Việt Nam vận hành một cách thông suốt, người dân thấy hài lòng với cuộc sống, thì theo ông, chẳng ai đem lời ông Trọng ra mà mỉa mai.
Nhận định của tiến sĩ Hoàng Dũng cũng không khác mấy với câu của dân gian Việt Nam ‘Trăm năm bia đá cũng mòn; ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ’.