Ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “thốt ra” cụm từ “văn kiện là văn bia lưu mãi về sau” hôm 8 tháng 12 năm 2020, khi ông chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương và của các tổ chức khác trong việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.
Chữ nghĩa hay đường hướng quan trọng?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 12 năm 2020, Nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, đưa ra phân tích câu nói của ông Trọng:
“Tôi đoán ông Trọng muốn nhắc những người biên soạn phải rất cẩn thận. Vì xưa nay người ta cho rằng “dại văn bia”, cái này chữ nghĩa còn lưu lại, chịu sự phê phán của nhiều người... Ông Trọng nhắc nhở như thế thì cũng đúng nhưng vấn đề không phải là chữ nghĩa. Vấn đề là cả một cái đảng đã xác định đường hướng sai, thì dù chữ nghĩa có hay đến mấy thì cũng là loại vứt đi, đó mới là quan trọng chứ không phải vấn đề chữ nghĩa.”
Dân gian xưa nay hay truyền miệng câu ‘khôn văn tế, dại văn bia’... Có thể hiểu đơn giản là ai dại mới viết văn bia. Vậy vì sao ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhấn mạnh văn kiện phải như văn bia?
Ông Trọng nhắc nhở như thế thì cũng đúng nhưng vấn đề không phải là chữ nghĩa. Vấn đề là cả một cái đảng đã xác định đường hướng sai, thì dù chữ nghĩa có hay đến mấy thì cũng là loại vứt đi, đó mới là quan trọng chứ không phải vấn đề chữ nghĩa.
-Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng phân tích tiếp:
“Văn tế là đọc đi rồi thôi không lưu lại, còn văn bia đục vô đá, mà đã đục vô đá thì lưu lại muôn đời cho con cháu mai sau. Nó chịu sự phê phán, bình phẩm không chỉ khi đó mà có thể hàng trăm năm sau nữa. Thành ra nếu làm văn bia thì áp lực về khả năng bị chê là rất cao. Còn văn tế thì chỉ những người lúc đó hiện diện mới biết. Vì thế người ta nói ‘khôn văn tế’ đọc xong là bỏ, ‘dại văn bia’ vì nhiều người xem xét hay dở... Nghĩa là như thế nhưng vận dụng thế nào cho hay, cho đúng là chuyện khác.”
Sử gia Dương Trung Quốc, hiện đang sống tại Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hồi tháng 2 năm 2020 cũng về vấn đề văn bia ông cho rằng, Văn bia là một hình thức khá phổ biến trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam và có nhiều loại chứa đựng nhiều thông tin khác nhau:
“Văn bia là một thứ thư tịch để lại cho đời sau, vì nó được khắc trên chất liệu bền vững. Đó là những thông điệp của người đời nay không chỉ để nói với người đời nay mà muốn để lâu dài. Có thể đơn giản như một tấm bia mộ chí hay có thể là một tấm bia biển hiệu, bia hạ mã, nhắc nhở mọi người tôn trọng không gian có di tích, có tâm linh tôn giáo… Nhưng nó cũng có thể chứa đựng rất nhiều thông tin, kể cả những án văn, những thông điệp, nó có thể tôn vinh những người đỗ đạt như bia tiến sĩ chẳng hạn.”

Tham vọng để lại muôn đời!
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ví văn kiện như văn bia. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2020 ông Trọng khi phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, gửi đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến, cũng đã cho rằng phải coi văn kiện đại hội đảng là ‘văn bia’, còn để lại đời sau…
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 12 năm 2020, cho rằng cách nói như ông Trọng không ăn nhập gì đến thời đại. Ông nói:
“Tôi nghĩ ông Trọng nói như thế là rất ham danh vọng, ổng muốn đi vào sử sách hoặc là được lưu văn bia muôn thuở. Tôi nghĩa đó là não trạng hết sức cổ hủ và không tỉnh táo. Trước đây cũng có vị lãnh đạo nói như vậy khi họ ca ngợi thành tích của họ. Nhưng mà nói một cách bộc bạch như thế, tỏ rõ ý định như thế, và lập đi lập lại như ông Trọng thì tôi nghĩ chưa có người nào.”
Tôi nghĩ ông Trọng nói như thế là rất ham danh vọng, ổng muốn đi vào sử sách hoặc là được lưu văn bia muôn thuở. Tôi nghĩa đó là não trạng hết sức cổ hủ và không tỉnh táo.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, nếu có thể có một nhận xét khác thì Việt Nam cũng có một câu mọi người thường nói, là nếu làm những điều tốt cho dân sẽ được tiếng thơm trong dân và tiếng thơm vẫn lưu ngàn đời. Còn “văn bia” ghi lại những cái không ra gì, thì nó cũng nhanh chóng đi vào lãng quên mà thôi.
Nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng không khác mấy với câu của dân gian Việt Nam ‘Trăm năm bia đá cũng mòn; ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ’.
Cũng bàn về việc đóng góp ý kiến của người dân cho văn kiện Đại hội 13 của Đảng CSVN, hôm 5/10, RFA có bài viết “Liệu dân có dám đóng góp ý kiến cho đảng?” ghi nhận rất trung dung ý kiến đa chiều từ các luật sư, nhà báo, điều mà báo chí nhà nước vẫn chưa làm được.
Tuy nhiên, hôm 7/12 trên website Dân tộc & Phát triển đăng lại bài từ nguồn quandoinhandan.vn cho rằng bài viết của RFA là những chiêu trò hòng bôi nhọ bản chất và truyền thống trọng dân, lắng nghe dân của đảng. Đồng thời xác nhận bài viết đã gây hoang mang dư luận, giảm bầu nhiệt huyết của quần chúng, chống phá Đại hội 13 của đảng và xoá bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản.