Tổng thầu EPC Trung Quốc lại tuyên bố, nếu phía Việt Nam không thanh toán đủ tiền thì tàu sẽ không chạy thử toàn tuyến và không thể đưa vào vận hành khai thác thương mại cuối năm nay như hứa hẹn mới nhất. Thế nhưng nếu trả đủ tiền thì có bảo đảm tàu chạy được hay không?
Ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Tổng thầu EPC Trung Quốc mới đây cho biết, phía tổng thầu đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu của đại diện chủ đầu tư, các hạng mục dự án sẽ được nghiệm thu xong ngay trong tháng 7 này. Sau đó, dự án sẽ vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày dưới sự đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trước khi Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu và bàn giao dự án cho Thành phố Hà Nội. Ông Hồng nêu điều kiện để chạy thử là phía chủ đầu tư phải thanh toán hết tiền cho tổng thầu.
Hợp đồng Tổng thầu EPC là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Đầu tháng 6 năm 2020, ông Đường Hồng đề nghị giao thêm số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác hoàn thiện dự án. Ông nêu lý do là không có số tiền này để thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị thì họ không cử người sang. Chỉ cần 1 trong số 11 nhà cung cấp thiết bị chuyên ngành không cử người sang thì không thể hoàn thành được công việc chạy thử và nghiệm thu.
Nhưng đó chưa phải là con số sau cùng. Theo ông Đường Hồng, nếu thanh toán thêm 50 triệu USD thì phía chủ đầu tư cũng mới chỉ thanh toán 86,7% giá trị hợp đồng. Để đạt mức thanh toán 100% giá trị hợp đồng thì ngoài số tiền 50 triệu USD này, còn cần thêm khoảng 85,7 triệu USD nữa. Như vậy, nếu cộng với 50 triệu USD đã đưa ra trước, chủ đầu tư phải trả cho nhà thầu 135,7 triệu USD.
Theo tôi thì đường sắt đó đã được đầu tư khá tốn kém và bây giờ gần đến giai đoạn có thể vận hành được, thì thôi đành phải chấp nhận chi thêm tiền để còn vận hành. - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tuyến đường sắt này nhiều lần chậm tiến độ và nhiều lần đội vốn. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4 năm 2019. Tới nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của chính phủ Hà Nội. Nhưng ‘lỡ phóng lao thì phải theo lao’. Ông giải thích:
“Theo tôi thì đường sắt đó đã được đầu tư khá tốn kém và bây giờ gần đến giai đoạn có thể vận hành được, thì thôi đành phải chấp nhận chi thêm tiền để còn vận hành.
Nếu không chi thì đường sắt này không vận hành được và nó thành ra một đống sắt vụn sắt gỉ và nó chiếm không gian, chiếm đường xá thành phố Hà Nội. Người dân không thể nào chấp nhận được. Vậy nên tôi nghĩ cần phải kết thúc và đưa vào vận hành.
Còn những vấn đề liên quan như tại sao lại đội vốn cao như thế, phương án được đầu tư như thế nào, ai đã duyệt, ai đã ký thì cho đến bây giờ chưa thấy có công bố và báo cáo ra với quần chúng.”
Tuy đồng ý với phương án cho thêm tiền để hoàn thành dự án, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vẫn lo ngại dự án lại tiếp tục bị hoãn như từ trước đến nay bởi họ đã hứa quá nhiều lần.
Đa số người dân Việt Nam không tin dự án này sẽ hoàn thành cho dù có đổ thêm tiền vào, vì ‘một lần bất tín, vạn lần bất tin’, huống gì đã quá nhiều lần thất hứa.
Bà Lê Hiền Đức từ Hà Nội nói với RFA tối 14 tháng 7 rằng:
“Quan điểm của riêng tôi là hoàn toàn phản đối và tôi coi khinh những người tiếp tục cho làm cái đường sắt này. Trung Quốc nó làm cái đường ấy đội vốn lên nhiều lắm rồi. Nó làm khổ dân Việt Nam nhiều lắm rồi.”
Hôm 8 tháng 7 năm 2019, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch vay hơn 98 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ đồng) với mục đích được nêu ra là nhằm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Kế hoạch vay này được 96/97 đại biểu giơ tay tán thành.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội phản đối việc vay thêm tiền như vậy. Ông cho rằng dân phải è cổ đóng thuế trả nợ nước ngoài trong khi người dân không hề được hỏi ý kiến, và người dân cũng không hề được biết chi tiết dùng số tiền 98 triệu USD để vận hành, khai thác như thế nào và thời gian cụ thể ra sao.
Bà Tâm, một người dân Hà Nội cho rằng phải xem xét bên nào làm sai thì phải đền bù thiệt hại chứ cứ đổ thêm tiền rồi vẽ ra cho đẹp, chỉ khổ dân:
"Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. Mang ra tòa án phân định xem ai sai. Những ông bên chính phủ, bên Bộ T ài chính hãy làm bằng tâm đi. Dân biết hết, dân không ngu đâu!"
Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. - Bà Tâm, Hà Nội
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017. Như vậy, đến 2018 mỗi người dân phải ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công.
Tại cuộc làm việc ở Hải Phòng hôm 19 tháng 6 năm 2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng kêu gọi ba địa phương Hải Phòng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh “đồng cam cộng khổ cùng Chính phủ trả nợ công”.
Chiều 5 tháng 7 năm 2019, tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, ông Trần Hải Đông, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn lên hơn 200% vì đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, xác định. Quá trình lập dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ, lại thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Mặt khác, do bàn giao mặt bằng chậm, dẫn tới tiến độ thực hiện kéo dài, tăng chi phí nhân công, vật liệu...
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây bất bình cho rất nhiều người dân Việt Nam và bị coi là một thất bại của chính phủ trong việc lựa chọn nhà thầu. Thế nhưng tại buổi gặp giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba vào chiều 24 tháng 6 năm 2020, ông Hùng Ba khẳng định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Ông Đinh Kim Phúc nhận định một cách mỉa mai khi công nhận phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Theo ông, gọi đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, là những người phải đóng thuế để trả cho cái tình hữu nghị này.