“Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam” lần thứ hai được tổ chức vào chiều Thứ Bảy, 8 tháng 12, năm 2012 tại Hội trường chùa Điều Ngự thuộc thành phố Westminster, miền Nam California.
Trong ngày này, hòa thượng Thích Viên Thành, tổng vụ trưởng tổng vụ nghi lễ thuộc văn phòng II Viện Hóa Đạo Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, đã tổ chức lễ dâng hương và cầu siêu cho những anh hùng dân tộc, đặc biệt là cầu siêu cho hơn 300 tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam bị chính quyền cộng sản Việt Nam xử tử hình.
Ông Lou Correa, thượng nghị sĩ tiểu bang California, cũng đã có mặt để trao nghị quyết của quốc hội California nhằm vinh danh “Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam” 10 tháng 12.
Cũng nhân kỷ niệm “Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam”, một chương trình văn nghệ mang tên “Đêm tù ca” được tổ chức tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí ngay trung tâm Little Saigon nhằm gây quỹ ủng hộ cho các tù nhân lương tâm còn trong nước.
Ngay trước giờ khai mạc chương trình, thông tín viên Ngọc Lan đã có cuộc chuyện trò cùng ông Vũ Hoàng Hải, tổng thư ký và ông Phạm Trần Anh, chủ tịch hội đồng điều hành hải ngoại của Hội Ái Hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam (TNCT-TGVN).
Nội dung buổi họp mặt
Ngọc Lan: Thưa ông Vũ Hoàng Hải, trong tư cách là một tổng thư ký của hội ái hữu TNCT-TGVN anh có thể giới thiệu với khán thính giả đài Á Châu Tự Do về nội dung buổi họp mặt ngày hôm nay?
Ông Vũ Hoàng Hải: Hôm nay hội ái hữu TNCT-TGVN rất hân hạnh được tổ chức ngày tù nhân lương tâm. Đây là lần thứ hai hội tổ chức tại Hoa Kỳ. Năm nay đặc biệt có sự vinh danh của Quốc Hội California. Hôm nay Hội hội ái hữu TNCT-TGVN tổ chức tại văn phòng II Viện Hóa Đạo GHVNTN hải ngoại tại Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn qua ngày này vinh danh tất cả những tù nhân sau ngày Việt Nam bị cộng sản cưỡng chế Miền Nam rất nhiều người đã chết trong các trại tù cải tạo, và đang ở tù như linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Công Chính, Luật sư Cù Huy Hà Vũ, hay Anh Ba Sài Gòn, những người đã hy sinh, đấu tranh cho tự do, dân chủ và biết bao người đã chết trong các trại cải tạo, trại tù và hiện nay những người còn đang ở trong tù, như nhạc sĩ đại úy Nguyễn Hữu Cầu. Chính vì thế mà hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam hải ngoại muốn lấy ngày 10 tháng 12 hằng năm dể vinh danh tất cả những người đấu tranh cho tự do dân chủ, những người đã xây dựng nền móng cho dân chủ và họ đã không quản ngại những mất mát hy sinh, những đau thương để xây đắp một nền dân chủ cho Việt Nam.
Video: Biểu tình, tuyệt thực cho Nhân Quyền trước Đại sứ quán Viêt Nam ở Washington DC
Ngọc Lan: Được biết đây là lần thứ hai Hội tổ chức vinh danh ngày tù nhân lương tâm, sau thành công lần thứ nhất, hội đã tạo được tiếng vang như thế nào?
Ông Vũ Hoàng Hải: Sau khi tổ chức lần thứ nhất, sau đó hai tuần, chính báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã ra một bài nói về hội ái hữu TNCT-TGVN, trong đó chúng nêu đích danh ông Phạm Trần Anh là chủ tịch, và ông Vũ Hoàng Hải là tổng thư ký là hai thành phần cực kỳ phản động. Nhưng đó là thành công của chúng tôi, vì năm ngoái chúng tôi biết năm ngoái các anh em trong quốc nội và hải ngoại đều chú ý vào ngày này. Vì từ xưa tới giờ, vì nhiều lý do, chúng ta chưa vinh danh họ, thì năm ngoái lần đầu tiên hội ái hữu TNCT-TGVN vinh danh tất cả những người đã đóng góp từ năm 1975.
Những hành động thiết thực
Ngọc Lan: Thưa ông chủ tịch hội ái hữu TNCT-TGVN, được biết hội thành lập vào tháng 11 năm 2006, đến nay Hội đã có được bao nhiêu thành viên trong và ngoài nước cũng như hoạt động của Hội trong thời gian qua diễn ra như thế nào?
Ông Phạm Trần Anh: Hội thành lập ngày 7 tháng 11 năm 2006. Thành phần sáng lập gồm có quý vị thượng tọa Thích Thiện Minh, và tôi là Phạm Trần Anh. Hội hoạt động ngay từ trong tù hồi đó dưới danh xưng là hội bảo vệ tù nhân chính trị Việt Nam, mặc dù một vị linh mục thành lập hội đã bị đánh chết ngay trong nhà tù nhưng chúng tôi vẫn làm.
Mục đích của Hội là tạo một sự tương trợ giữa anh em tù với nhau nhưng hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Tôn Giáo Việt Nam mang ý nghĩa là ra đời ngay trong lòng đất nước, sống chết với lý tưởng mà chúng tôi đã ra mắt chính thức trong nước . Hoạt động của Hội là tháng 1 năm 2008 Hội đồng điều hành chúng tôi đã sang 6 nước Âu châu, sang Canada và tổ chức họp báo tại Tiệp Khắc để lần đầu tiên công bố danh sách trên 141 tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam bị Việt Cộng xử tử hình trên tổng cộng 300 người.
Trong đó có 2 linh mục và 2 phụ nữ, đặc biệt là chị Trần Thị Lan bị xử bắn năm 1976 tại Sân Vận Động Gò Công trong lúc chị mang thai 8 tháng. Và giáo hội Việt Nam Thống Nhất đã can thiệp nhưng không được. Chị bị bắn đúng ngày lễ Vu Lan. Mục đích chúng tôi làm là để đánh động dư luận toàn thế giới, dư luận của cả loài người tiến bộ để yểm trợ cho tiến trình đấu tranh dân chủ của Việt Nam.
Ngọc Lan: Ông có thể cho quý thính giả biết về chương trình trong thời gian sắp tới hội sẽ làm gì để hỗ trợ cho những tù nhân lương tâm còn sống trong nước và những người đang sống tại đây?
Ông Phạm Trần Anh: Đây là thao thức trăn trở của tất cả chúng ta. Thứ nhất cộng đồng Việt Nam hải ngoại giống như cộng đồng lưu vong Do Thái, cộng đồng Ba Lan. Về lâu dài, chúng ta phải có mặt trong chính trường, đến lúc đó chúng ta không cần năn nỉ, mà để chính những người dân cử gốc Việt phải lên tiếng nói như cộng đồng Do Thái. Điều thứ hai là chúng tôi có thành lập hội Nhân Sĩ Diên Hồng Thời Đại để cùng với toàn thể đồng bào sẵn sàng chuyển lửa, tinh thần và vật chất để yểm trợ cho ngày N giờ G ở trong nước để các chiến sĩ yên tâm đấu tranh giống như cộng đồng Ba Lan đã yểm trợ và đưa đến thành công để đất nước Ba Lan thực sự có tự do dân chủ .
Chương trình của chúng tôi trong tương lai là sẽ tạo tinh thần tương trợ và kêu gọi tất cả chúng ta cùng yểm trợ cho trong nước đấu tranh. Chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị tên, địa chỉ, điện thoại để quý vị trực tiếp gửi về, hội không giữ tiền bạc.
Thứ hai trong tương lai chúng tôi sẽ lập một quỹ học bổng dành cho con em của cựu tù nhân chính trị gặp khó khăn có một học bổng. Mỗi người trong chúng ta có thể đóng góp $25, một tháng nhịn 1, 2 bữa sáng, nhưng mà một đứa trẻ thiếu may mắn có cơ hội học hành và thành đạt thì điều này là điều chúng ta phải nên làm cái công việc xã hội như dân gian vẫn nói ‘Dù xây chín ngọn phù đồ không bằng làm phúc cứu cho một người.’
Đây là hành động thiết thực chúng ta đóng góp xây chùa và xây nhà thờ rất nhiều, nhưng đây là việc cần thiết mà chúng ta phải thể hiện sự từ tâm của chúng ta. Để chúng ta hãnh diện với lương tâm là chúng ta đóng góp phần nào công sức mình vào việc chuyển đổi lịch sử.
Theo dòng thời sự:
- Cuộc đua về bét: Myanmar và Việt Nam đi ngược chiều nhau về vấn đề nhân quyền
- Hiện trạng nhân quyền Việt Nam - Phải làm gì?
- Việt Nam tuyên án tù 3 người tranh đấu cho quyền lợi của nông dân
- Cảm nghĩ của người Việt trong nước về Ngày Quốc tế Nhân q
- Tình cảnh các nhà bất đồng chính kiến bị giam hiện ra sao?
- Cần sửa đổi dự thảo của Bản tuyên bố nhân quyền ASEAN
- AICHR đã thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền?
- 2012: hoàn thành Bản tuyên bố nhân quyền của ASEAN?