Nhà văn Y Ban đến Pháp dự cuộc thi Slam thơ

0:00 / 0:00

Sau khi đoạt giải “Slam thơ tiếng Việt” do Đại sứ quán Pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 25/3 vừa qua, nhà văn Y Ban đã đến Pháp để tham dự giải “Slam thơ Quốc tế” lần thứ 11 diễn ra từ ngày 22 đến 28 tháng 5.

Slam thơ là gì?

Trong buổi tiếp xúc với Thông tín viên Tường An, từ Paris, nhà văn Y Ban chia sẻ tâm tình của mình khi nhìn về văn đàn Việt Nam:

Thực ra văn đàn Việt Nam đang ở tình trạng mạnh ai người nấy đi. Có rất nhiều hội, mỗi tỉnh có một hội văn học nghệ thuật, sau đó có hội trung ương, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, rồi là Hội Nhà văn. Nhưng thực chất, những hội này có ảnh hưởng gì được đến các nhà văn không ? Không ! họ không ảnh hưởng gì được đến các nhà văn cả. Nhà văn vẫn cứ tự mình mày mò ra con đường của mình. Đôi khi chúng ta không biết mình đang đứng ở đâu ? Ở nhà, Mẹ hát con khen hay, nhưng đến khi ra trường quốc tế thì mình sẽ biết mình ở đâu. Mà, với một người sáng tạo rất cần cái đó để biết con đường đi tiếp của mình sẽ ra làm sao ? Mình dừng lại hay mình đi tiếp thì cực kỳ cần một sự cọ xát quốc tế.

Do một nhà thơ người Mỹ Marc Smith sáng tạo vào năm 1986, Slam thơ là một kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: ngâm thơ, đọc thơ, tận dụng năng lượng của ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể để tiếp cận người nghe. Slam thơ mang tính quần chúng, là cánh cửa mở cho tất cả giới yêu thơ từ bình dân cho đến trí thức. Trong cuộc thi thơ lớn Slam lần thứ 11 tại Paris có 26 nhà thơ đến từ 26 quốc gia tham dự không phân biệt màu da, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, chủ đề.v.v

Nguyên tắc khi trình diễn Slam thơ: Không được dùng bất cứ dụng cụ trang trí hay âm nhạc hỗ trợ khi đọc thơ, y phục cũng phải là y phục đời thường, bởi thưởng thức slam thơ phải hoàn toàn dựa vào lời thơ mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động nào khác để thơ được đến với công chúng một cách mộc mạc, đơn giản nhất.

Đặc điểm của Slam thơ là sự giao thoa giữa nhà thơ và khán giả. Khán giả có thể ngồi, đứng, nằm ở lối đi, trên bậc thềm, hò hét, khóc, cười cùng thơ và nhà thơ. Mỗi tác giả sẽ đọc 3 bài thơ, mỗi bài thơ chỉ được trình diễn không quá 3 phút .Ban chấm giải gồm5 giám khảo do khán giả tuyển chọn từ chính người tham dự. Điểm sẽ được công bố ngay trên màn hình suốt cuộc thi. Sau mỗi buổi thi kết quả sẽ được công bố ngay tức khắc. Đoạt giải nhất Slam thơ tại Hà Nội vào tháng 3 và và là 1 trong 6 người được vào vòng bán kết Slam thơ Quốc tế tại Paris vào tháng 5, nhà văn Y Ban cho biết cảm nghĩ của mình về thể thơ hiện đại này:

Thơ về thế sự gọi là thơ hiện đại hoặc hậu hiện đại thì các nhà văn rất là gần. Cái thông điệp người ta đưa ra, tôi cho rất là hay, chúng ta hãy thưởng thức thơ của những nhà thơ khi họ đang còn sống đi. Hãy tôn vinh họ khi họ đang còn sống, đừng để họ chết già trong thư viện. Ngay từ đầu thì tôi nghĩ mình đi tham dự một cuộc thi vô cùng lành mạnh và tôi đã đi tham dự và tôi cũng không ngờ rằng tôi đã đoạt giải nhất. Tôi được đại sứ quán Pháp tài trợ cho toàn bộ chuyến đi này để sang thi cúp Slam thơ tại Paris.

Nhà thơ, hay đúng hơn nhà văn Y Ban khởi đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1989 với hai giải thưởng cho tác phẩm” Bức thư gửi Mẹ Âu Cơ” và “Người đàn bà có ma lực” của Văn Nghệ Quân đội. Từng giữ chức vụ Trưởng ban biên tập Giáo dục và thời đại, Hội viên hội nhà văn. Nhà văn Y Ban cho biết con đường đến với thơ của chị từ những bài thơ thế sự được đăng trên mạng xã hội Facebook:

Khi cảm giác những vấn đề bức xúc ấy chuyển tải bằng những vần thơ thì nó sẽ gần gủi hơn và nó sẽ hay hơn thì Y Ban làm những vần thơ đầu tiên, thí dụ như là « Khóc thương tàu lá chuối » những loại thơ thế sự như thế thì Y Ban cũng có trong tay khá nhiều. Nhưng Y Ban cũng chỉ công bố trên Facebook, Y Ban cũng chưa nghĩ là mình sẽ in ở đâu bởi vì cũng khó in lắm, rất là khó in và khi có cuộc Slam thơ này thì Y Ban cũng chỉ nghĩ rằng , Ừ, tại sao mình không đọc những vần thơ này lên trước mọi người để xem mọi người đón nhận thơ mình như thế nào ? Y Ban chỉ nghĩ đơn giản là như thế.

Cái tên Y Ban đã gây nhiều sóng gió trên văn đàn Việt Nam bởi hai lần bị thu hồi sách : Năm 2006, tác phẩm “I am Đàn bà” được giải nhì truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức nhưng bị treo giải với lý do phạm quy, tháng 3 năm 2007, Cục Xuất bản thu hồi quyến sách này mà không cho biết lý do. Đến năm 2011, tập truyện ngắn mini “Này hỏi thật đã thấy gì chưa đấy?” lại bị thu hồi vì bị nghi ngờ về tính ẩn dụ : “thấy gì là thấy gì” ?

Năm 2013, nhà văn Y Ban đã viết thư từ chối bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 cho tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” (NXB Phụ nữ-2012). Sau đó, Nhà văn Y Ban cũng từ bỏ vai trò Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Về các tác phẩm bị thu hồi, nhà văn Y Ban cho biết:

Tất cả đối với Y Ban thì đến bây giờ con đường viết của mình mới là con đường chính chứ không phải là những tai tiếng lùm xùm và Y Ban muốn là luôn luôn đổi mới mình. Khi mà mình không đổi mới cây bút của mình thì cũng đồng nghĩa là độc giả sẽ quên mình. Trong đó thì cũng có những vấn đề người ta nói rằng động chạm đến nghị quyết gì đó, Y Ban cũng không biết, Y Ban chỉ viết những cái ở xã hội đang diễn ra thôi. Bởi vì Y Ban cũng là nhà báo nữa, cho nên Y Ban tiếp xúc rất nhiều với những sự kiện và những vấn đề mà nếu Y Ban không viết được thành bài báo thì Y Ban chuyển sang thành chuyện ngắn mini. Nó như một lát cắt, một lắt cắt rất mỏng. Y Ban chỉ nghĩ rằng mình viết thế thôi, nhưng không ngờ thể loại đó được bạn đọc đón đọc rất là hào hứng và bây giờ thì Y Ban cũng viết được khoảng gần 200 truyện ngắn mini rồi.

Thơ về thế sự

Từ bỏ những dòng thơ lãng mạn, thơ của nhà văn Y Ban chạm đến cuộc sống đời thường, những tệ nạn xã hội diễn ra hằng ngày trên đất nước. Vấn nạn Formosa hay sự vô cảm của người dân cũng là những đề tài được chị nhắc đến qua những bài thơ không bao giờ được xuất bản (chính thức) mà chỉ đến với độc giả qua mạng xã hội Face book:

Những bài thơ của Y Ban là những bài thơ nói về thế sự, thí dụ như bài « Nghi lễ trước bữa ăn» nói về nợ công. Bài Nghi lễ trước bữa ăn được 10 điểm và các bạn ấy khóc thì có nghĩa là trong cuộc sống có qua nhiều sự biến đổi và đang quá nhiều sự bức xúc thì gần như những bài thơ về thế sự này chạm được đến với mọi người hơn là những vần thơ lãng mạn.

Bài thơ: Nghi lễ trước bữa ăn (được trong trong buổi dự thi Slam Quốc tế 25/5/2017)

Em bé ơi, nước mắt em rơi trong từng miếng cháo

Tại sao em không ăn?

Con chim cũng cần mồi để hát khúc hát tự do

Con dế cũng cần cọng cỏ non để tấu lên khúc bi ai

Em có mặt trên đời, cũng phải ăn để sống

Trong bát cháo của em,

Mặn chát giọt nước mắt của Cha Mẹ em

Những công nhân nghèo còng lưng làm lụng.

Trong bát cháo của em, mặn chát giọt nước mắt của bảo mẫu vừa đánh em

Trong bát cháo của em

Mặn chát giọt nước mắt của đất

Sợ hãi một ngày kia, bị vùi sâu dưới lớp cát

Không còn cho được hạt thóc mùa màng

Trong bát cháo của em,

Gánh cả gánh nợ,

Không phải Cha Mẹ em vay,

Không phải Ông Bà em vay.

Người ta vay,

Không phải để xây nhà trẻ cho em

Không phải để dạy cho những cô bảo mẫu

Cách cho em ăn mà không phải đòn roi.

Người ta vay,

Để dựng lên những dự án trăm tỉ, nghìn tỉ.

Không mang lại lợi ích cho dân

Và chia chát cho nhau

Gọi là tham nhũng.

Người ta vay,

Thành nợ công.

Vừa có mặt trên đời,

Em đã gánh trên lưng món nợ.

Em bé ơi,

Nước mắt của em,

Đã như một nghi lễ,

Trước bữa ăn,

Để nghĩ về một món nợ tương lai.

Cũng từng là một nhà báo trước khi trở thành nhà văn, nhà thơ, Y Ban biết đâu là những vùng cấm kỵ khi sáng tác. Đến với Slam thơ, mục địch của chị chỉ đơn giản muốn được lên tiếng, muốn các nhà văn, nhà thơ được cất tiếng nói của mình. Và nhìn quanh, chị bỗng sợ hãi trước hiệu ứng lên đồng ở quần chúng:

Y Ban nói ra tất cả những chiêm nghiệm của Y Ban, con người khác con vật không phải ở chỗ « tình yêu » đâu. Mà nó khác nhau ở chỗ « tự kỷ ám thị » Người ta phải củng cố niềm tin bằng tất cả những mỹ từ và những câu chuyện họ sẽ sinh ra những học thuyết, sinh ra những đảng phái chính trị và họ củng cố niềm tin ấy bằng những núi mỹ từ để họ kéo, kéo tất cả những người đi theo và không những người (đi theo.RFA) lên cơn «ốp đồng» mà chính là tự kỷ đó, nhất loạt đi theo. Và tất cả những học thuyết này đều không được chứng minh. Đôi khi những học thuyết này rất tàn ác và đổi khi nó chống lại toàn bộ loài người. Nhưng một nhóm người cứ thế mà đi. Nhưng khi tỉnh ra, thì rơi vào một tình trạng khủng hoảng, một sự sợ hãi đến cùng cực bởi vì bên cạnh núi mỹ từ là những hình phạt vô cùng kinh hãi.

Ngồi chờ đợi cuộc thi trong khu vườn bên cạnh nơi tổ chức, cầm trên tay một ổ bánh mì nhỏ cùng chai nước lạnh thay cho buổi ăn chiều, nhà văn Y Ban bất chợt có sự so sánh giữa sinh hoạt văn thơ trong nước và hải ngoại:

Tôi quan sát Slam này từ A đến Z thì tôi thấy rằng họ đâu có kinh phí, không có đồng thuế của dân nào cả mà toàn bộ là từ các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ. Và họ phải làm hết như thế, họ làm hết mình. Những nhà thơ cũng hết mình như thế. Còn chúng ta , phải biết rằng : Ở Việt Nam , tôi nói cho các bạn nghe : Họ tổ chức như thế này, ít nhất không dưới 2 ti, thậm chí có những cuộc liên hoan thơ, giới thiệu văn học ra nước ngoài của Hội nhà văn đến 7 ti đồng, nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được cái gì, không đưa được nhà văn, nhà thơ nào ra nước ngoài cả. Chỉ là nhưng bữa ăn thôi, hội nghị nào cũng đánh chén, đánh chén rất là to, lu bù. Nói tóm lại, toàn bộ là tiền ngân sách. Chúng ta biết tiền ngân sách rồi, là tiền thuế của dân!»

Văn, thơ Việt Nam luôn bị đe dọa bởi lưỡi rìu kiểm duyệt. Lời cuối, nhà văn Y Ban chỉ mong muốn giới văn thơ cất lên được tiếng nói của mình.

Tôi cũng là một nhà báo chuyên nghiệp nên tôi hiểu đâu là những vùng cấm. Tôi cũng không hiểu tại sao ở Việt Nam người ta lại cứ sợ văn chương đến thế ? Trong khi đó bao nhiêu thứ kinh hoàng hơn là nhưng đồng tiền đã bị trôi vào trong túi của một số người. Họ làm nghèo đi cả một dân tộc, họ làm hư đi cả một dân tộc. Họ lại không cảm thây ray rức mà họ cứ đi sợ hãi những cái thơ ca. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi vẫn muốn các nhà thơ được cất lên tiếng nói của mình.