Kiểm soát quyền lực chỉ hiệu quả khi có các cơ quan độc lập

Tiếp xúc với cử tri Hà Nội vừa qua, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng “đã sinh ra quyền lực thì phải có các cơ quan kiểm soát quyền lực” và thành lập thêm các ban mới nhằm thực hiện việc này.

0:00 / 0:00

Nói chuyện với Quỳnh Chi, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm thường trực văn phòng QH Việt Nam, cho rằng việc kiểm soát quyền lực chỉ đạt hiệu quả khi có các cơ quan giám sát độc lập.

Do dân giám sát

LS Trần Quốc Thuận: Ở vị trí một Tổng bí thư thì Tổng bí thư nói như thế, và cũng thành lập hai ban mới là ban Nội chính và ban Kinh tế Trung ương. Theo tư duy của Tổng bí thư thì đây là công cụ kiểm soát quyền lực. Nhưng còn việc kiểm soát quyền lực theo quan niệm của luật pháp và quốc tế thì lại thể hiện ở góc độ khác.

Việc thành lập những ban trên làm cho người ta hiểu rằng các tổ chức quyền lực ở Việt Nam đều do Đảng thành lập và Đảng kiểm soát. Nhưng người ta muốn kiểm soát quyền lực là từ nhân dân. Nhà nước của dân, do dân, quyền lực thuộc về nhân dân thì phải có cơ chế để từ nhân dân mà họ kiểm soát được. Đó là vấn đề đang đặt ra.

Và bây giờ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có câu là Hội đồng Hiến pháp, và thành lập ba cơ quan mới là Hội đồng HP, Hội đồng bầu cử và Ban Kiểm toán. Đây được cho là những cơ chế (để giám sát quyền lực). Hiện tại, ở Việt Nam thì các bước đi từng bước, từng bước.

Quỳnh Chi: Theo ông nói thì người dân giám sát quyền lực Nhà nước mới tạo hiệu quả. Xin ông cho biết có thể những cơ quan sẽ hoạt động theo một cơ chế thế nào thì tạo được hiệu quả?

Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội đảng XI ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội đảng XI ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

LS Trần Quốc Thuận: Thường thì tại Việt Nam thường nêu ra chữ cái mà không có nội hàm và lộ trình. Đó là vấn đề cải cách chính trị. Phải đổi mới kinh tế đồng thời đổi mới hệ thống chính trị. Từ ĐH X và XI đã nói về việc này nhưng đổi mới chính trị là thế nào thì vẫn chưa có nội hàm và lộ trình.

Chúng tôi đang kiến nghị Trung ương nên có một hội nghị để bàn về cải cách chính trị cho rõ ràng. Có như thế thì nó mới tạo ra một thể chế mà theo thông lệ thế giới thì thể chế đó là một cơ chế tự do báo chí, quyền tự do ứng cử và bầu cử để cho dân cử, dân bầu chứ không phải như bây giờ là Đảng cử dân bầu theo cách gọi của báo chí hiện nay. Có như thế thì quyền lực người dân mới được thực hiện một cách đầy đủ.

Quỳnh Chi: Ông có thể vui lòng chia sẻ một cách cụ thể hơn về một cơ chế toàn diện mà ông đề cập?

LS Trần Quốc Thuận

LS Trần Quốc Thuận: Đó là một cơ chế thực hiện đầy đủ Công ước về Dân sự Chính trị mà Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn từ năm 1982. Nó bao gồm quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu ý kiến, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do ứng cử - bầu cử. Phải thành lập một thể chế tam quyền phân lập... và nhiều cơ chế đồng bộ mà các nước tiên tiến đã hình thành hơn 200 năm nay. Đó là những trăn trở để từng bước thực hiện tiếp theo. Như kinh tế thị trường thì Việt Nam từng chống nhưng bây giờ thì lại rất tha thiết với kinh tế thị trường.

Quỳnh Chi: Những rào cản cũng như ảnh hưởng của nó đối với việc giám sát quyền lực tại Việt Nam?

LS Trần Quốc Thuận: Rào cản lớn nhất là chưa có những cơ quan thực sự độc lập, thực sự của dân, do dân và vì dân. Chính vì thế mà bệnh tham nhũng không chống được, càng chống càng lan. Họ quên rằng chính cơ chế đó đã phát sinh ra tham nhũng. Cũng giống như môi trường ẩm thấp sẽ sinh ra ruồi muỗi, bệnh tật.

Quỳnh Chi: Một số người cho rằng rất khó để người dân giám sát chính phủ mà các cơ quan và đảng phái sẽ giám sát lẫn nhau. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?

LS Trần Quốc Thuận: Khi nào số phận những người cầm quyền lệ thuộc vào sự quyết định của cử tri, nhân dân thì tình hình tự nhiên sẽ tốt hơn bởi vì họ có thể làm càn, làm quấy nhưng cùng lắm chỉ được một nhiệm kỳ. Còn ngược lại thì họ có thể tại vị hoài.

Mâu thuẫn

Phiên họp Quốc hội khóa XIII. AFP photo.
Phiên họp Quốc hội khóa XIII. AFP photo.

Quỳnh Chi: Nhân dịp Ủy ban sửa đổi HP 1992 đang kêu gọi đóng góp ý kiến, ông có chia sẻ gì không thưa ông?

LS Trần Quốc Thuận: Tôi vừa đọc qua bản Dự thảo và thấy là có một số điểm mới. Vấn đề nhân quyền được đưa ra, vấn đề kinh tế quốc doanh và hợp tác xã không là chủ đạo nữa, vấn đề vai trò CT nước và việc thành lập các cơ quan mới... Đó là những điểm mới nhưng tôi thấy có mâu thuẫn.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH nói rằng mọi người góp ý, không cấm kỵ. Nhưng chỉ thị của Ban bí thư gởi cho tất cả các đảng viên, lãnh đạo Đảng là phải quán triệt nghị quyết TW 2 và TW 5 trong việc sửa đổi HP. Nếu quán triệt hai nghị quyết đó thì chỉ sửa trong những vấn đề đã khoanh vùng rồi. Phải chăng hai ý kiến này có mâu thuẫn? Vậy tôi nên nghe theo Đảng hay Quốc hội. Đó là việc thuộc tầm vĩ mô mà hai ý kiến phát biểu lại mâu thuẫn.

Quỳnh Chi: Nhưng không thể phủ nhận là có những điểm mới và một số người cho rằng đó là điều đáng phấn khởi...

LS Trần Quốc Thuận: Phấn khởi nhưng tôi đã từng phát biểu là cách viết trong bản Dự thảo có kỹ thuật và ý đồ của người viết. Tức là họ viết chen nhân quyền và quyền công dân theo từng điều (trong Dự thảo HP). Nhân quyền khác với quyền và nghĩa vụ công dân nhưng họ viết lẫn lộn. Theo tôi là phải tách bạch hai cái đó ra. Và theo tôi là phải chép nguyên Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 1982.

Nhưng "họ" ghi rằng quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp lại là "theo qui định pháp luật". Nhân quyền là quyền cơ bản của con người thì không nên ghi là "theo quy định PL. Và nếu có pháp luật thì pháp luật chỉ qui định trình tự tiến hành hoặc bảo vệ cái quyền cơ bản của con người.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn LS Trần Quốc Thuận.

Theo dòng thời sự: