Sáng 31 tháng 12 năm 2022, bé Hào Nam (10 tuổi) bị lọt xuống trụ bê-tông đóng cừ thi công cầu có đường kính 25 cm, được đóng xuống đất sâu 35 mét. Sự việc xảy ra tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Đến tối ngày 3 tháng 1 năm 2023, công tác cứu nạn cháu bé vẫn tiếp tục.
Dự án này do Sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp quản lý dự án; Viện Khoa học và Công nghệ GTVT giám sát thi công xây dựng. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T.
Vài ngày trước, đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, nói với truyền thông trong nước: "Trước mắt là phải làm sao cứu hộ cháu bé, còn sai thì chúng tôi sẽ xử lý sau... Qua đây, chúng tôi phải chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn thi công công trình. Bên cạnh đó là trách nhiệm người dân quản lý con em của mình… Còn trách nhiệm sai phạm các bên liên quan ra sao sẽ xử lý tiếp".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 2 tháng 1 ra Công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả tai nạn này. Ông Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động xây dựng tại công trình này để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ nhất, chủ đầu tư sẽ là bên chịu trách nhiệm về dân sự. Nếu có phát sinh thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như bồi thường cho cháu bé nếu bị thương hay phải điều trị, chữa trị gì đó. Hoặc là cha mẹ cháu bị tổn hại do đau buồn, bệnh tật do sự việc xảy ra. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn với trẻ em tại những công trình đang xây dựng. Trước đó vài tuần, một bé gái 5 tuổi bị rơi xuống hố ép cọc bê-tông sâu khoảng 15m tại khu vực công trường đang thi công ở huyện Nhơn Trạch, Tỉnh Đồng Nai. Rất may bé được cứu sống. Tháng 8 năm 2020, một đứa trẻ 7 tuổi rớt xuống cống không có nắp đậy tại khu vực công trình đang san lấp mặt bằng thuộc dự án khu dân cư Bửu Long 3, thành phố Biên Hòa. Khi được vớt lên bé đã tử vong.
Một số người cho rằng, khi những tai nạn tương tự xảy ra với trẻ em, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cha mẹ, sau đó mới đến đơn vị thi công. Một số khác lại cho rằng, những đứa trẻ ở lứa tuổi chưa lường hết được hiểm nguy thì trách nhiệm thuộc về những người liên quan đến công trình như nhà thầu, chủ đầu tư…
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA sáng 3 tháng 1:
“Thứ nhất, chủ đầu tư sẽ là bên chịu trách nhiệm về dân sự. Nếu có phát sinh thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như bồi thường cho cháu bé nếu bị thương hay phải điều trị, chữa trị gì đó. Hoặc là cha mẹ cháu bị tổn hại do đau buồn, bệnh tật do sự việc xảy ra.
Còn đối với nhà thầu thi công thì nó có một trách nhiệm khác, đó là trách nhiệm hình sự, nếu như nó tới mức độ như vậy. Lý do là họ thi công cẩu thả, không có biện pháp bảo đảm an toàn cho những người đi vào khu vực đó. Nhưng trách nhiệm hình sự nói là nói vậy thôi, nó còn tùy thuộc là có tới mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Đơn giản nhất là nếu không bị xử phạt hình sự thì cũng bị xử phạt về vi phạm hành chánh. Phải phân biệt rõ trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự là như vậy.”

Tai nạn cho thấy công tác quản lý, giám sát khu vực thi công, công trường đang thi công không nghiêm túc, tồn tại nhiều rủi ro. Điều này có thể vi phạm các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động về thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong phạm vi công trình xây dựng đang thi công.
Khoản 1, Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ thi công xây dựng quy định rõ việc phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong việc quản lý xây dựng công trình, các chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình bao gồm: Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công xây dựng; Nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; Các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác.
Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Quang ở TP.HCM nói với RFA quan điểm của ông sáng 3 tháng 1:
“Đây có thể coi là một sự cố trong công trình xây dựng, tuy đứa bé không phải là người lao động trong công trình, bởi tai nạn này xảy ra trong phạm vi công trình đang xây dựng. Do đó, theo luật mà nói thì trước hết nhà thầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên về những sự cố công trình. Bởi nhà thầu là người đứng ra tổ chức thi công công trình theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Trong quá trình thì công thì phải bảo đảm tất cả các mặt công tác. Trong đó an toàn lao động là trên hết. Để những đứa bé vào trong công trình mà không có rào chắn thì đó là liên quan đến an toàn lao động.
Đơn vị thứ hai chịu trách nhiệm là bên tư vấn - giám sát. Tư vấn là anh phải am hiểu trong lĩnh vực đó và chỉ dẫn người ta thực hiện các công việc. Sau đó mới giám sát coi nhà thầu có thực hiện đầy đủ hồ sơ thiết kế như dự toán không, và trong quá trình thi công có bảo đảm an toàn lao động hay không. Chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm sau cùng.”
Ông Quang nói thêm, rất nhiều vụ tai nạn xảy ra cướp đi sinh mạng của bao nhiêu trẻ là do sự cẩu thả, coi thường tính mạng người khác. Đã đến lúc phải xử những vụ điển hình để răn đe và ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự trong tương lai.
Đây có thể coi là một sự cố trong công trình xây dựng, tuy đứa bé không phải là người lao động trong công trình, bởi tai nạn này xảy ra trong phạm vi công trình đang xây dựng. Do đó, theo luật mà nói thì trước hết nhà thầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên về những sự cố công trình. - Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Quang
Thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến nhóm tuổi 5-14, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4.
Để giúp trẻ nhận thức những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong môi trường, trong đó có sự thiếu ý thức của người lớn, trong Quyết định số 4501 ban hành chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục, trang bị cho trẻ em, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích thông qua các hoạt động giáo dục về kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giám sát trẻ em, học sinh trong thời gian các em học trực tuyến, nghỉ học, nghỉ hè.