Đội tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD8) của Trung Quốc vào ngày đầu tháng 9 bị phát hiện chỉ cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận miền Trung Việt Nam khoảng 155 cây số (km). Như thế chỉ trong vòng 1 tuần, đội tàu này đã tiến sâu thêm 30km vào vùng biển Việt Nam.Tin mới nhất cũng cho hay tàu cẩu Lam Kình (Lanjing) của Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Trung Quốc đang có mặt đang trong vùng lãnh hải Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do có cuộc trao đổi với tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
Trước hết ông có nhận định về những tin mới nhất liên quan hoạt động của phía Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam:
TS Hà Hoàng Hợp: Tàu cần cẩu (Lam Kình) chạy lung tung quanh Hải Nam rồi chạy xuống phía dưới vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng đến bây giờ chưa thể nói được là nó vi phạm điều gì cả vì nó có quyền đi lại mà không gây hại, nó có đi thẳng đi cong như thế nào thì Cảnh sát biển của Việt Nam thì vẫn đi theo. Nhiều khả năng nó đang chạy vào vùng có bão nên nó chạy xuống dưới, các lô từ 118 đến 130 và nếu xuống tới đó mà nó làm cái gì thì lúc đó mình hẳn nói nên giờ chưa có gì đáng lo cả.
RFA: Kỳ này một số nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Liên Minh Châu Âu, Úc, Malaysia cùng VN lên tiếng về việc tàu HD8 của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Hôm ngày 1/9 người phát ngôn Bộ ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cũng xác nhận những diễn biến như thế là nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến an ninh, ổn định trong khu vực. Vậy theo ông mức độ đáng ngại ra sao?
TS Hà Hoàng Hợp: Như lời phát ngôn ấy, nó ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình ở trong khu vực này thì phát ngôn như thế là chính xác, không có nhẹ hơn hay nặng hơn. Cái này là cảnh báo từ phía chính phủ Việt Nam, nói lên rằng Trung Quốc bây giờ đang có tính toán và có những hành động hết sức là nguy hiểm. Rõ ràng thế giới họ cũng đang cùng nhận thức đồng nhất, cho rằng đó là hành động làm phương hại đến sự ổn định và giảm đi mức độ an ninh trong khu vực, trong đó đe dọa trực tiếp đến an ninh và hòa bình của Việt Nam.
RFA: So với vụ việc vào giữa năm 2014 khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của VN thì lần này thế nào, thưa ông?
TS Hà Hoàng Hợp: Khác nhau như thế này, vào năm 2014 nó (Trung Quốc –PV) đặt giàn khoan mà họ nói là họ khoan nhưng chắc chắn chỗ đó họ khoan thì sẽ không ra cái gì hết, đấy là biểu tượng để họ xâm lấn. Lần này ngoài chuyện xâm lấn ra thì họ còn có những mục đích khác, đó là việc họ chuẩn bị khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì đó sẽ là sự vi phạm trắng trợn chưa từng có. Điều thứ hai, hiện nay hành vi của Trung Quốc khác trước rất nhiều, họ vi phạm họ quấy rầy không chỉ riêng Việt Nam mà họ quấy cả Philippines và Malaysia, riêng Việt Nam thì họ quấy nhiều chỗ. Trước đây vào năm 2014 thì chỉ quấy có một chỗ, thì bây giờ riêng vùng đang có tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 mấy nay chạy vào bãi Chữ Thập nhưng nó quay lại lúc nào thì không biết. Hành động của tàu HD8 và hành động quấy phá của đám tàu Hải cảnh Trung Quốc đối với khu vực khai thác liên doanh giữa Việt Nam, Nga và Ấn Độ. Thì cùng một lúc Trung Quốc có nhiều mũi vi phạm khác nhau cùng một lúc. Đó là hành động mới rất nghiêm trọng và nó đẩy mạnh chuyện đe dọa, quấy phá các hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
RFA: Thưa ông, theo nhận định của ông thì diễn biến tình hình sắp tới sẽ ra sao?
TS Hà Hoàng Hợp: Bây giờ mình chờ thôi vì theo dự báo thì tôi thấy nó ngày càng nghiêm trọng hơn và càng khó khăn cho cả hai phía, tức là họ ngày càng đi đến những chỗ họ có thể đặt giàn khoan và họ khoan khai thác dầu vào trong những lô mà họ cho rằng vùng có tranh chấp. Thật ra thì nó chả có tranh chấp gì cả vì vùng đó hoàn toàn là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
RFA: Nếu thực tế tình hình càng xấu hơn thì Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
TS Hà Hoàng Hợp: Việt Nam bây giờ phải đề phòng hết sức chỗ này. Phải theo dõi rất chặt việc họ (Trung Quốc – PV) chuẩn bị làm gì thì theo họ cho thật kỹ. Hiện nay lực lượng chấp pháp của Việt Nam ngoài biển khá là nhỏ nên không đủ sức để mà đuổi, chưa đủ sức bắt giữ tàu đó nên chỉ còn cách là theo dõi nếu mà trong khi theo dõi, phía Trung Quốc gây hấn bằng cách dùng vòi ròng phun nước mạnh áp lực cao, húc tàu của họ vào tàu của mình rồi họ dùng đám dân quân đi biển của họ phá thì Việt Nam phải hết sức xử lý làm sao để không xảy ra chuyện bắn nhau. Việt Nam thì không bắn trước nhưng nếu họ mà bắn thì đành bắn lại thôi chứ không có vấn đề gì khác cả, lúc đó sẽ xảy ra xung đột quân sự. Việt Nam thì hiện nay đang kiềm chế nhưng trong kiềm chế họ (Việt Nam-pv) vẫn rất cảnh giác, không có bất cứ ai ngán đến những kẻ đi xâm phạm cả từ những người đang làm việc ngoài biển đến thái độ của chính phủ Việt Nam thì họ giữ một thái độ rất tốt, lịch sự, tích cực nhưng rất là kiên quyết.
RFA: Nhiều người trong và ngoài nước kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; thế nhưng kêu gọi này cũng chưa được hưởng ứng mạnh mẽ; theo ông vì sao? Và sự lên tiếng biểu tình chống Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam có thể đóng góp gì lúc này?
TS Hà Hoàng Hợp: Cái này mình có thể nói mấy điểm như thế này. Một là rút kinh nghiệm năm 2014 đã để xảy ra một số chuyện không được hay lắm, ví dụ phá phách đốt một số chỗ của người Trung Quốc và đốt sang một số nơi không phải của người Trung Quốc và thậm chí giết chết mấy người công dân của Trung Quốc, thì những việc như thế nó không hay. Từ phía chính quyền họ vẫn quên là người dân không đi biểu tình nhưng từ phía người dân thì người ta nhận thức được rằng chắc chắn người ta sẽ không sợ việc nếu người ta đi biểu tình thì chính quyền phá họ, bắt họ thì người ta không sợ đâu, vì chính quyền người ta rất hiểu được rằng không thể nào làm việc đó mãi được vì đây không phải là biểu tình lật đổ chính quyền bây giờ mà là biểu tình để đuổi Trung Quốc nên không có lý do gì mà chính quyền Việt Nam lại cấm.
Một lý do nữa là nhận thức của người dân tốt hơn, thấy rằng chưa cần thiết phải đi biểu tình ở trong nước như thế vì những điều đó nó không có tác dụng ngay lập tức; thế nhưng bây giờ mà mình biểu tình thật nhiều thì sẽ có tác dụng tốt. Điều đó cũng có tác dụng giúp chính phủ Việt Nam lẫn người Trung Quốc hiểu rõ ý chí của người Việt Nam trong việc chống lại xâm lược. Việt Nam vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần đó. Lúc này phía Trung Quốc họ đang tính toán và có hành động bất chấp tất cả thì biểu tình không tương xứng được.
RFA: Cám ơn TS Hà Hoàng Hợp về cuộc phỏng vấn đặc biệt hôm nay!