Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông: Vô giá trị!

0:00 / 0:00

Cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc gần đây ra thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Như mọi năm, Hội nghề cá Việt Nam ra văn bản phản đối phía Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Công văn năm nay do ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam ký ngày 4 tháng 5 năm 2020.

Ngay sau khi Hội Nghề cá ra văn bản phản đối, ông Tiêu Viết Thạnh, Trưởng Công an xã Bình Châu nói với RFA:

“Đúng là có lệnh cấm nhưng ngư dân vẫn bám biển, vẫn đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Họ không nghỉ ở nhà đâu. Nó đuổi thì chịu thôi chứ. Ngư dân họ cũng phàn nàn nhiều nhưng vì kế sinh nhai thì họ phải đi thôi.

Hội nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng nhưng rồi có thấy gì đâu. Nó cấm Hoàng sa thì mình đi Trường Sa.

Ban ngày thì mình đi xa ra vì nó phát hiện ra mình. Ban đêm mò vô làm. Ban đêm mình làm lén lút, dễ hơn.”

Văn bản nêu rõ quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 và các văn bản pháp lý liên quan.

Đúng là có lệnh cấm nhưng ngư dân vẫn bám biển, vẫn đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Họ không nghỉ ở nhà đâu. Nó đuổi thì chịu thôi chứ. Ngư dân họ cũng phàn nàn nhiều nhưng vì kế sinh nhai thì họ phải đi thôi. - Ông Tiêu Viết Thạnh

Theo Hội Nghề cá Việt Nam thì quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nói với RFA rằng, lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị và Việt Nam không cần phản đối. Tuy vậy, năm nay có một điều cần lưu ý. Ông giải thích:

"Hội Nghề cá lên tiếng không có gì khác với mọi năm. Và cũng như mọi năm, ngư dận vẫn đi đánh cá như không có lệnh cấm, không có cản trở gì cả. Việt Nam và các nước liên quan họ coi đấy là chuyện lãng xẹt, không có giá trị gì cả. Khỏi phản đối và cứ thế đánh cá.

Nhưng bây giờ có một chuyện mà các nhà nghiên cứu hay các chính khách để ý, đó là số tàu cá của Trung Quốc quây ngoài Biển Đông rất đông. Họ cấm đánh cá thì những chiếc tàu đó phải rút về. Có nghĩa là họ có một cái tính toán gì khác nữa.”

Năm nào cũng vậy, khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm thì Hội Nghề cá Việt Nam ra văn bản phản đối. Hội này do Bộ Nội Vụ ký quyết định thành lập vào ngày 5 tháng 5 năm 2000 nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, ngư dân. Còn về phía ngư dân thì sao?

Vợngư dân tên Nam, ở Bình Châu, cho hay chồng bà vẫn ra khơi hôm 1 tháng 5 dù có lệnh cấm. Bà nói:

“Vẫn đi bình thường. Ngày 1 tháng 5 còn đi ra Hoàng Sa. Trung Quốc nó đuổi thì mình chạy, nó đi thì mình vô làm lại. Có gì nguy hiểm thì mình báo cho trạm kiểm ngư chứ. Họ không ra cứu được thì khi về họ hỗ trợ những gì bị mất như cá, lưới bị Trung Quốc lấy.”

Lên tiếng với RFA tối ngày 4 tháng 5 năm 2020, ngư dân tên Xề cho hay, năm nào cũng vậy, họ vẫn đi làm bình thường ở Hoàng Sa, Trường Sa, có lúc đi Trung Sa dù có lệnh cấm. Ông nói thêm:

“Nó cấm thì cấm chứ mình vẫn đi. Nó đuổi thì mình chạy ra xa chút rồi làm thôi. Cứ đi tới. Nó đi khỏi thì mình vô mình làm. Có gì thì báo cáo cho công an, cho trạm, cho đồn. Có bảo vệ nhưng họ không ra đảo được. Mình về mình báo cáo thôi. Nó đuổi mình xong nó chạy chỗ khác thì mình lại vô làm. Bây giờ còn vài chục chiếc đánh cá ngoài Hoàng Sa, mình vô đảo mình làm.

Bị rượt đuổi thì báo cho trạm, cho đồn nhưng họ có giúp gì được đâu. Nó bắt về Hải Nam, Trung Quốc, về họ có cho gì đâu.”

Khu vực Biển Đông là vùng biển đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực này qua đường đứt khúc 9 đoạn chiếm tới khoảng 90% diện tích Biển Đông.

Họ ra cái lệnh thông thường là cấm đánh bắt cá để phục vụ cho việc bảo đảm tái cân bằng hệ sinh thái về cá ở ngoài biển. Nó không phù hợp với luật quốc tế nào về mặt môi trường cả. - Ông Hà Hoàng Hợp

Từ năm 1999, Trung Quốc đã tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực. Ông Hà Hoàng Hợp phân tích về lệnh cấm này:

"Họ ra cái lệnh thông thường là cấm đánh bắt cá để phục vụ cho việc bảo đảm tái cân bằng hệ sinh thái về cá ở ngoài biển. Nó không phù hợp với luật quốc tế nào về mặt môi trường cả. Nếu vấn đề này liên quan đến các nước trong khu vực thì các nước phải bàn nhau để thống nhất.

Họ đơn phương như thế tức là họ vừa tuyên bố về mặt chủ quyền vừa là sai trái với luật pháp quốc tế về môi trường. Nhưng chuyện này xảy ra lâu quá, nhiều quá mà chưa có nhiều cái hại, đặc biệt là Việt Nam nên họ không cần nói nhiều, tàu cá cứ ra. Nhưng không có nghĩa ra để hải cảnh, hải giám Trung Quốc đuổi. Tàu cá ra thì có tàu tuần tra, tàu hải cảnh của Việt Nam đi kèm.”

Cũng như những năm trước, khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thì họ cũng điều tàu tuần tra để theo dõi, giám sát và bắt bớ tàu cá mà họ cho là vi phạm.

Năm 2009, trong thời gian lệnh cấm được ban hành từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8, phía Trung Quốc bắt tất cả 50 ngư dân Việt Nam.

Cụ thể, ngày 21 tháng 6 năm 2009, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt ba tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi họ đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 1 tháng 8 năm 2009, 13 ngư dân Việt Nam khác vào tránh bão tại Hoàng Sa thì bị phía Trung Quốc bắt giữ. Đến ngày 14 tháng 8 cùng năm, phía Trung Quốc mới thả hết số ngư dân bị bắt giữ.

Năm 2019, cũng trong thời gian Trung Quốc ban hành lệnh cấm (từ 12 giờ ngày 1 tháng 5 đến 12 giờ ngày 16 tháng 8), trưa ngày 13 tháng 8, tàu cá BĐ 96813TS do ông Dương Ngọc Dõi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng, khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa thì bị tàu Trung Quốc số hiệu 46301 truy đuổi.