Trung Quốc cho Hải cảnh quyền bắt người nước ngoài trên biển, Việt Nam lảng tránh vấn đề?

Trung Quốc vừa trao thêm quyền lực cho lực lượng Hải cảnh – được cho vốn đã rất hung hăng trong nhiều năm qua ở Biển Đông. Cụ thể, theo Đài CCTV của Chính phủ Trung Quốc, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ được quyền bắt giữ người nước ngoài xâm phạm "chủ quyền" Trung Quốc lên tới 30 ngày mà không cần xét xử. Trường hợp phức tạp thì Hải cảnh Trung Quốc có thể giam giữ người đến 60 ngày. Đối với quy định mới của Trung Quốc, Philippines phản ứng mạnh, còn Việt Nam thì tiếp tục né tránh…

Việt Nam lảng tránh vấn đề?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây, khi được phóng viên hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với quy định mới của Trung Quốc, đã không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi mà chỉ lặp lại những câu chữ đã sáo mòn qua nhiều năm, rằng "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Cách trả lời được cho là né tránh vấn đề này, đặt ra một câu hỏi là, đến một ngày nào đó, Trung Quốc chuyển sang nhắm vào ngư dân Việt Nam thì sao. Việt Nam có cần phải chuẩn bị cho tình huống này hay không? Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói:

“Tình huống này thì tôi đồng ý. Nhưng cần nói thêm là đối với Bộ Ngoại giao Việt Nam thì việc khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa là cần thiết. Bất cứ khi nào Việt Nam phát biểu về Biển Đông thì lúc nào cũng phải có câu đó. Còn vấn đề thứ hai thì đúng là Việt Nam cần lên tiếng thẳng thắn, mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Dường như Việt Nam đang né tránh vấn đề.”

Đối với Trung Quốc, “chủ quyền” của họ trên Biển Đông bao gồm mọi thứ nằm trong “đường lưỡi bò” bất hợp pháp theo Luật biển Quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Phạm vi “chủ quyền” mà Trung Quốc đòi hỏi bao phủ lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines.

Trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau tại bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough, động thái nói trên của Trung Quốc được cho là nhắm trực tiếp vào Philippines. Phản ứng trước luật mới của Trung Quốc, Philippines cảnh báo Trung Quốc có thể bắt giữ ngư dân của họ, đồng thời cho biết chính phủ nước này có kế hoạch dự phòng để chống lại các hành động của Trung Quốc, không cho phép Hải cảnh Trung Quốc bắt ngư dân Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nói Manila cam kết giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông bất chấp luật mới của Bắc Kinh, nhưng mặt khác Philippines cũng đã gửi công hàm ngoại giao phản đối luật "bắt người" của Trung Quốc.

Hiện có thể thấy Trung Quốc đang nhắm vào Philippines nhưng liệu sau này có “chừa Việt Nam ra”? Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói tiếp:

“Khi Trung Quốc quy định Hải cảnh có thể bắt giam không cần lệnh, từ 30 ngày đến 60 ngày đối với người nước ngoài xâm phạm “chủ quyền” như vậy thì có vấn đề. Mặc dù có vẻ Trung Quốc đang nhắm tới Philippines vì hai bên đang căng thẳng tại bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough, nhưng một khi có thể làm vậy với Philippines thì không có lý do gì Trung Quốc không làm điều tương tự với các nước khác như Việt Nam, Malaysia.

Cho nên những quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia dường như im lặng trước động thái này của Trung Quốc. Tôi cho rằng đó không phải là cách phản ứng tốt. Tôi nghĩ các quốc gia khác cũng cần cho Trung Quốc thấy một tiếng nói mạnh mẽ. Nếu tiếp tục thế này thì cái gọi là “sự chia rẽ của ASEAN” vẫn còn tồn tại. Mỗi quốc gia vẫn cứ có những tính toán của riêng mình. Điều đó gây ảnh hưởng không tốt khi phải đối phó với một Trung Quốc hùng mạnh như thế.”

Một số nghị sĩ Philippines như France Castro và Bayan Muna Neri Colmenares khẳng định các quy định trên của Trung Quốc là bất hợp pháp. Họ kêu gọi chính quyền Tổng thống Marcos nộp đơn mới để kiện Trung Quốc lần nữa lên Tòa án Trọng tài Thường trực vì Trung Quốc là bên xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, không có quyền áp đặt một quy định như vậy. Họ cũng kêu gọi chính quyền tìm kiếm sự hỗ trợ từ ASEAN "để phi quân sự hóa khu vực."

Quy định mới của Trung Quốc không nói rõ là chỉ nhắm đến Philippines mà phạm vi áp dụng của Hải cảnh Trung Quốc rất rộng. Nó được áp dụng cho tất cả "người nước ngoài" xâm phạm "chủ quyền" của Trung Quốc trên biển. Do đó, quy định này không chỉ áp dụng cho Philippines mà cho cả Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và ngư dân của bất kỳ nước nào mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên biển.

Trung Quốc nhắm đến mục tiêu chiến lược ở Biển Đông

Đài CCTV của Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định rằng "Các Quy định thủ tục" được ban hành chỉ nhằm làm rõ các thủ tục cần thiết để các cơ quan Hải cảnh Trung Quốc thực thi pháp luật trên biển theo các luật liên quan. CCTV dẫn lời Chen Xiangmiao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, nói các quy định này không nhằm vào Bãi cạn Scarborough và các khu vực biển khác 'nóng' của Hoa Kỳ và Philippines, cũng không nhằm vào một số hành động cụ thể nào khác mà chỉ nhằm quản lý tốt hơn trật tự hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên biển. Theo ông Chen Xiangmiao, "đây cũng là một thông lệ được quốc tế chấp nhận và Philippines coi đó là điều hiển nhiên."

Tuy vậy, động thái cho phép Hải cảnh bắt giữ người nước ngoài, không cần lệnh và không cần xét xử lên đến 30 ngày và một số trường hợp lên lên đến 60 ngày, liệu chỉ có mục đích “thực thi pháp luật trên biển” như cách giải thích của Trung Quốc? Hầu hết các nhà nghiên cứu đều quan tâm đến thực tế là Trung Quốc đưa ra động thái này trong bối cảnh họ đang phong tỏa hai thực thể nằm trong thềm lục địa của Philippines là bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough.

Trao đổi với RFA, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute cho rằng đối với Trung Quốc, Scarborough đặc biệt quan trọng. Các thành phố ven biển của Trung Quốc cực kỳ quan trọng cần được bảo vệ. Đó là lý do tại sao Trung Quốc muốn tạo ra một chuỗi pháo đài ở Biển Đông, Đài Loan và Biển Hoa Đông trước các thành phố ven biển này.

Tiến sỹ Nagao chỉ ra rằng để củng cố Biển Đông, Trung Quốc muốn triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Hiện nay, theo TS Nagao, Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo mới JL-3, có thể phóng từ các tàu ngầm này và tấn công lục địa Mỹ từ Biển Đông. Tuy nhiên, để che giấu tàu ngầm, Trung Quốc cần đẩy toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi Biển Đông, vì các lực lượng này có thể phát hiện được vị trí của tàu ngầm. Với mục đích đó, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc nói rằng các đảo nhân tạo này không nhằm mục đích quân sự nhưng họ đã triển khai tên lửa, máy bay ném bom, v.v. Mục đích của các máy bay quân sự này là để loại trừ các tàu hải quân nước ngoài ra khỏi Biển Đông.

Trong tầm nhìn này, đối với Trung Quốc, bãi cạn Scarborough trở thành vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng nằm trên cùng một tuyến. Trung Quốc muốn loại trừ quân đội nước ngoài ở những khu vực rộng lớn hơn để che giấu tàu ngầm chứ không chỉ muốn nắm một tuyến đảo. Nếu Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Scarborough thì quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa - Scarborough sẽ tạo thành thế trận hình tam giác. Còn đảo Hải Nam có thể nâng đỡ tam giác đó từ phía sau. Hình tam giác này đủ rộng để che giấu tàu ngầm dù ở bất kỳ đâu. Với tầm nhìn đó, từ lâu Trung Quốc đã tìm cách xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough. Nếu phát hiện thấy cơ hội, họ sẽ làm ngay, nhà nghiên cứu Nhật Bản về an ninh quốc tế ở Hudson Institute nhận xét.