Lời hứa chia sẻ thông tin của Trung Quốc về nguồn nước sông Mekong: đáng tin cậy?

0:00 / 0:00

Các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam bày tỏ sự nghi ngờ về lời hứa mới đây của Bắc Kinh về việc chia sẻ thông tin dữ liệu liên quan đến sông Mekong.

Tại Thượng đỉnh Hợp tác Lan Thương - Mekong bao gồm Trung Quốc và 5 nước thuộc khu vực sông Mekong diễn ra hôm 24/8 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố Bắc Kinh sẽ chia sẻ thêm thông tin và dữ liệu về trữ lượng nước tại các con đập lớn của Trung Quốc trên thượng nguồn dòng Mekong.

Hợp Tác Lan Thương Mekong là tổ chức do Bắc Kinh lập ra, bao gồm Lào, Thái Lan, Cambodia, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc.

Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Lý Khắc Cường trong hội nghị rằng Trung Quốc, trong khả năng của mình, mong muốn giúp các quốc gia thành viên của Hợp Tác Lan Thương –Mekong sử dụng nguồn nước trên con sông này sao cho tốt hơn.

Tin cũng được Reuters loan đi hôm thứ Hai, nói rằng đây là hứa hẹn của Trung Quốc sau khi bị Hoa Kỳ chỉ trích hồi gần đây là đã thao túng nguồn nước của dòng Mekong, phương hại cuộc sống của người dân ở các nước vùng hạ lưu.

Vẫn theo Reuters, chi tiết về lời tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường chưa được công bố, cũng chưa rõ Trung Quốc sẽ làm việc với Ủy Hội Sông Mekong - MRC đã 25 năm tuổi hay chỉ quanh quẩn trong nội bộ LMC tức Hợp Tác Lan Thương- Mekong mà Bắc Kinh lập ra từ 2016.

Trước mắt thì khó có thể tin tưởng vào lời hứa của Bắc Kinh, là ý kiến của chuyên gia Witoon Permpongsacharoen thuộc Mạng Lưới Năng Lượng Và Sinh Thái Sông Mekong, trụ sở tại Bangkok, Thái Lan:

"Không có gì mới cũng như khó có thể tin được lời hứa này. Việc chia sẻ thông tin và kỹ thuật sử dụng nguồn nước sông Mekong với các nước ở hạ lưu đã là vấn đề từ khi Trung Quốc xây hàng loạt đập lớn trên phần đất của họ".

"Trung Quốc xưa giờ không nhìn nhận dòng Mekong chảy qua nội địa của họ là một phần trong tổng thể một con sông quốc tế , họ nhìn Mekong như con sông riêng của mình. Mỗi năm Trung Quốc thâu tóm trên 80% lượng nước của dòng Mekong vào chuỗi các đập thủy điện của họ, các nước hạ nguồn chỉ còn trên dưới 10% nguồn tài nguyên nước này. Trung Quốc biết rõ như thế mà không làm gì. Đây là vấn đề mà MRC Ủy Hội Sông Mekong phải đương đầu, trong lúc với LMC Hợp Tác Lan Thương Mekong Trung Quốc muốn nói gì thì nói, bàn gì thì bàn và mọi chuyện vẫn như cũ".

Tất cả những lời hứa của Trung Quốc không đáng tin, nó chỉ phục vụ cho đối sách của Trung Quốc trong tình hình bị Mỹ và các nước trên thế giới lên án về Biển Đông và về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Theo ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông và Trung Quốc, lời hứa chia sẻ thông tin về sử dụng nguồn nước sông Mekong từng được Trung Quốc đưa ra nhiều lần trong những kỳ họp LMC Hợp Tác Lan Thương- Mekong trước đây:

"Tại sao lời hứa của ông Lý Khắc Cường xảy ra trong tình hình này? Trên bàn cờ chính trị, kinh tế với Mỹ Trung Quốc đang muốn tranh thủ các nước ở hạ lưu sông Mekong, muốn tranh thủ các nước khu vực Đông Nam Á ủng hộ chiêu bài hòa bình, ổn định và phát triển của Trung Quốc. Tất cả những lời hứa của Trung Quốc không đáng tin, nó chỉ phục vụ cho đối sách của Trung Quốc trong tình hình bị Mỹ và các nước trên thế giới lên án về Biển Đông và về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung".

Trường hợp Bắc Kinh thực sự muốn công khai dữ liệu về việc tích nước từ dòng Lan Thương, tên Trung Quốc đặt cho đoạn sông Mekong chảy qua phần đất của họ, thì quan trọng là những thông số đó phải chính xác và nhất là phải đúng thời gian tính, là nhận định tiếp của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc:

"Nên nhớ ở thượng nguồn Mekong thì Trung Quốc tích lũy khoảng 70 tỷ mét khối nước. Cách đây 4 năm, có lần thủ tướng Trung Quốc hứa sẽ mở dòng Mekong để cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long không bị hạn hán. Nếu Trung Quốc xả đập với lưu lượng từ 3.000 đến 3.500 mét khối/ giây thì 15 ngày sau lượng nước đó mới đổ về Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo tính toán của các nhà khoa học thì lượng nước về Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bằng không nếu Trung Quốc không xả lũ trên 7.000 mét khối/giây".

Theo báo cáo năm 2020 của Chương Trình Đông Nam Á, Trung Tâm Stimson ở Hoa Kỳ, Trung Quốc thâu tóm hầu như gần hết nước từ dòng Mekong vào 11 con đập của họ trên thượng nguồn, gây tình trạng khô kiệt liên tục trên 4.350 Km tại tiểu vùng Mekong.

Báo cáo dẫn tới những chỉ trích mạnh mẽ của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Thái Lan hồi đầu 2020, nói rằng Trung Quốc là tác nhân chính gây ảnh hưởng khó khăn đến mưu sinh của hơn 60 triệu nông dân và ngư dân sống tùy thuộc vào nguồn tài nguyên sông Mekong.

Phúc trình còn cho biết Trung Quốc chẳng những dấu nhẹm thông tin về việc sử dụng nguồn nước mà còn cố tình chi phối công việc của Ủy Hội Sông Mekong MRC cũng như cung cấp thông tin lệch lạc cho các nước trong tổ chức Hợp Tác Lan Thương- Mekong LMC do Bắc Kinh lập ra.

Trao đổi qua điện thư với RFA, ông Brian Eyler, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á trong Trung Tâm Stimson, khẳng định trong ba thập niên qua Trung Quốc đã xây rất nhiều đập thủy điện nhưng lại chia sẻ rất giới hạn việc họ sử dụng nguồn nước sông Mekong ra sao.

Chính vì thế, vẫn lời ông Eyler, hứa hẹn của Trung Quốc chỉ được coi là hứa suông cho tới khi nào Bắc Kinh chịu công khai chi tiết về kế hoạch tích trữ nước vào tất cả các hồ đập thủy điện của họ.

Số liệu hàng năm về lượng nước đổ vào đập Cảnh Hồng (Jinghong) mà Trung Quốc đưa ra, ông Eyler nhấn mạnh, không ích lợi gì bởi lượng nước khổng lồ đổ vào các hồ chứa cả 2 đập Nọa Trác Độ (Nuozhaodu) và Tiểu Loan (Xiaowan) mới thực sự quan trọng và cần thiết.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập về Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam, thì cho rằng sự kiện thủ tướng Trung Quốc hứa chia sẻ nhiều hơn dữ liệu về việc sử dụng nguồn nước sông Mekong hãy nên coi là tín hiệu tốt trong lúc này.

Hình minh hoạ. Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở Trung Quốc
Hình minh hoạ. Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở Trung Quốc (Reuters)

Chuyện hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, theo nhà nghiên cứu này, gần như hội nghị cấp cao LMC nào cũng nhắc tới song cụ thể và thực tế thì chưa thấy rõ:

"Việc Trung Quốc xây dựng xong các đập ở phía Lan Thương mà không có tham vấn các nước bên dưới đã đặt tất cả các quốc gia vào thế đã rồi (fait accompli). Tôi nghĩ một khi Trung Quốc đã hứa thì họ sẽ cung cấp".

"Vấn đề còn lại, một là làm sao tăng cường độ tin cậy của các số liệu Trung Quốc cung cấp. Tôi nghĩ việc này cần có sự tham gia của Ủy hội Mekong (MRC) để kiểm chứng, hai là dựa trên tiền đề này thì tất cả các nước trong lưu vực Mekong cũng phải làm tương tự, nhất là tình hình lưu trữ nước của hàng trăm đập ở các chi lưu dọc sông Mekong để từ đó có được bài toán cân bằng nước cho suốt chiều dọc sông Mekong. Hiện nay chúng ta không có thông tin về các đập chi lưu, nhất là ở Lào, trong khi đối với Đồng bằng Sông Cửu Long thì lượng mưa ở Lào quan trọng hơn kể cả trong mùa lũ và tình hình hạn trong mùa khô".

Từ năm 2002, Trung Quốc khởi sự loan báo với các quốc gia hạ lưu về lịch trình xả đập mà có thể gây lũ lụt.

Thế nhưng theo Reuters, thông tin liên quan được Trung Quốc công bố rất ít, các quốc gia hạ nguồn khó mà xoay sở cũng như khó đề kế hoạch ứng phó kịp thời.

Nay với hứa hẹn mới nhất của Trung Quốc, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói tiếp, Việt Nam và các nước cần yêu cầu làm rõ nội hàm của hợp tác, tài nguyên nước, bền vững … là như thế nào.

Bởi nếu không, nhà nghiên cứu kết luận, các quốc gia tiểu vùng nói riêng rồi cũng chỉ nghe Trung Quốc lập tới lập lui những cụm từ sáo mòn đã nghe nhiều năm qua mà thôi.