Sao Trung Quốc lại hứa chia sẻ dữ liệu nước quanh năm với Ủy hội Sông Mekong?

0:00 / 0:00

Thỏa thuận chia sẻ dữ liệu quanh năm với Ủy Hội Sông Mekong MRC về đoạn sông chảy qua phần đất Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi tên là Lan Thương, là tin được Reuters loan đi hôm 22/10 vừa qua.

Trung Quốc còn đồng ý thông báo với các quốc gia trong Ủy Hội Sông Mekong về tình hình nước lũ lên xuống bất thường của con sông quan trọng bậc nhất Đông Nam Á này.

Reuters trích dẫn lời ông An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC, rằng thỏa thuận vừa ký là mốc lịch sử về sự hợp tác giữa Trung Quốc với MRC.

Ông nói thông tin về dòng chảy Mekong vô cùng quan trọng trong việc xử lý và điều hành nguồn nước, bên cạnh ngư nghiệp và nông nghiệp của 60 triệu dân các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam trước nay.

Chia sẻ dữ liệu về dòng chảy Mekong cũng là yêu cầu được các nước hạ nguồn, kể cả Hoa Kỳ, đưa ra với Trung Quốc vào khi Bắc Kinh liên tục bị chỉ trích đã ngăn chận dòng chảy Mekong đoạn chảy qua nước họ cho các đập thủy điện lớn mà họ đã xây, khiến hạ nguồn bị hạn hán nặng nề hai ba năm nay, là tin được Reuters nhắc lại khi loan tải thỏa thuận mới nhất mà Trung Quốc vừa ký với Ủy Hội Sông Mekong.

Chia sẻ dữ liệu nguồn nước cả năm thay vì một vài tháng mùa mưa ở thượng nguồn là một bước ‘nhân nhượng’ của Trung Quốc sau nhiều năm bất chấp tư cách một nước lớn có trách nhiệm ở đầu nguồn một con sông quốc tế, là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ:

"Tuy nhiên bản tin này không nói rõ là việc chia sẻ loại thông tin gì như mực nước, lưu lượng, lượng mưa và chi tiết đến mức nào, như số liệu cập nhật hàng giờ hay chỉ là những số liệu trung bình nhiều ngày hoặc tháng. Hiện cũng chưa rõ việc chia sẻ thông quan MRC hay thông qua hợp tác Lancang - Mekong ( Lancang - Mekong Cooperation) mà Trung Quốc muốn lãnh đạo?"

Đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long, vẫn lời tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chia sẻ số liệu mực nước và lượng mưa đầu nguồn chỉ là thông tin nguồn nước từ Trung Quốc chứ chưa phải là sự thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề là sự vận hành các đập thủy điện từ Trung Quốc có mâu thuẫn hay đáp ứng gì cho nhu cầu sử dụng nước và duy trì hệ sinh thái ở hạ lưu hay không.

Theo chuyên gia Witoon Permpongsacharoen thuộc Mạng Lưới Năng Lượng Và Sinh Thái Sông Mekong, trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, đây là thủ thuật mới của Trung Quốc nhằm lấy lòng các nước hạ nguồn sông Mekong.

Đối tượng để chia sẻ dữ liệu là Ủy Hội Sông Mekong cho thấy chính phủ Trung Quốc không muốn để cho một quốc gia nào khác chen vào ngoài 5 nước trong Ủy Hội Sông Mekong mà họ nghĩ có thể kềm chế được - Witoon Permpongsacharoen

Trung Quốc biết rõ, ông Witoon Permpongsacharoen nói tiếp, kỹ thuật đo đạc tính toán hiện đại cộng với công nghệ tiên tiến như hình ảnh qua vệ tinh chẳng hạn, khiến hành động gọi là thao túng dòng chảy Mekong để ‘nuôi’ những con đập lớn trên phần đất Trung Quốc càng ngày càng lộ rõ:

“Đối tượng để chia sẻ dữ liệu là Ủy Hội Sông Mekong cho thấy chính phủ Trung Quốc không muốn để cho một quốc gia nào khác chen vào ngoài 5 nước trong Ủy Hội Sông Mekong mà họ nghĩ có thể kềm chế được”.

“Và cũng đến lúc Trung Quốc nhận thức rằng với công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến như hình ảnh chụp qua vệ tinh chẳng hạn, thì thế giới đã thấy rõ sự thao túng nguồn nước dòng Mekong mà Trung Quốc đang làm tác hại thế nào đến môi trường sống trên con sông quốc tế này. Trung Quốc đã nhận thức được họ không thể che giấu mà phải công khai, minh bạch. Họ nhắm vào Ủy Hội Sông Mekong như một cách đề cao cơ chế này, coi MRC là tiếng nói phản ảnh sự điều hành và xử lý nguồn nước Mekong chảy qua phần đất của họ nếu họ chia sẻ thông tin thường xuyên với MRC. ”

Nhưng cho dù Trung Quốc đã hứa, chuyên gia Permpongsacharoen phân tích tiếp, điều cần phải lưu ý là chia sẻ dữ liệu, thông số và công khai phương cách điều hành, san sẻ dòng chảy quanh năm xuống hạ nguồn là hai vấn đề chứ không thể chuyện nọ xọ chuyện kia mà được:

"Chính vì vậy các nước thành viên của Ủy Hội Sông Mekong phải tăng cường vai trò cũng như năng lực của mình, phải chứng tỏ cho Trung Quốc biết nên trực tiếp và minh bạch hơn, rằng MRC đồng lòng triệt để khai thác dữ liệu vì quyền lợi của mình chứ không để Trung Quốc nập mờ như bao lâu nay".

Hình minh hoạ. Tàu Trung Quốc với một đội khảo sát trên dòng Mekong ở biên giới với Lào và Thái Lan hôm 23/4/2017
Hình minh hoạ. Tàu Trung Quốc với một đội khảo sát trên dòng Mekong ở biên giới với Lào và Thái Lan hôm 23/4/2017 (Reuters)

Được biết 2 năm khô hạn kỷ lục trên dòng Mekong dài 4.350 km đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu cư dân ở các nước dọc hai bờ con sông lớn này. Câu hỏi hay vấn đề đặt ra ở đây là những đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính Mekong, tiếp đó các đập thủy điện trên dòng hạ lưu của Lào đã ảnh hưởng đến dòng chảy của nước sông Mekong đến mức nào.

Thực tế suốt 18 năm qua Trung Quốc có chia sẻ với MRC về nguồn nước trong mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 10, mục đích là đưa ra cảnh báo lũ lụt sớm.

Tuy nhiên, với mối quan tâm ngày càng cao về hạn hán kéo dài, Ủy Hội Sông Mekong phải tìm kiếm dữ liệu cả năm để có thể dự kiến điều gì gây ra dòng chảy cạn thấp của sông.

Áp lực để Trung Quốc chia sẻ thêm dữ liệu từ phần sông Mekong chảy qua đất Trung Quốc, đã tăng lên trong năm 2020, nghĩa là sau khi Hoa Kỳ lên tiếng rằng 11 đập thủy điện của Trung Quốc tích trữ một lượng nước khổng lồ làm hạ nguồn bị ảnh hưởng. Đây là một cáo buộc mà Bắc Kinh hoàn toàn bác bỏ.

Chuyên gia Witoon Permpongsacharoen:

"Trung Quốc từ đầu thường nói rằng những con đập đang vận hành trên phần đất Hoa Lục có thể giúp hạ nguồn kiểm soát được lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô. Điều này không đúng, không hợp lý, cho nên trách nhiệm của MRC từ giờ phút này vẫn là phải chứng tỏ cho Trung Quốc thấy họ sai và phải điều chỉnh lại".

Hôm thứ Năm, ngày 22/10, MRC cũng cho rằng với thỏa thuận mới thì Trung Quốc sẽ cung cấp dữ liệu quanh năm từ hai trạm thủy văn ở tỉnh Vân Nam, bao gồm dữ liệu về lượng mưa và mực nước sông Mekong.

Quan điểm của nhà nghiên cứu chuyên về Trung Quốc và Biển Đông, Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, Bắc Kinh đang chịu tác động bởi áp lực chính trị từ bên ngoài chứ không chỉ sông Mekong mà thôi:

"Có thể nói đây là bước tiếp theo trong chiến lược tấn công quyến rũ của Trung Quốc sau việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiến hành chuyến thăm một loạt quốc gia Đông Nam Á. Lợi ích địa chính trị và kinh tế đang thúc đẩy Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào một chiến lược ngoại giao láng giềng".

Việc Trung Quốc chia sẻ dữ liệu quanh năm về dòng chảy của sông Mekong đoạn chảy qua nước này là một tín hiệu tốt, cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thấm đòn trước sức ép của quốc tế trong vấn đề Biển Đông cũng như trong vấn đề nguồn nước sông Mekong. - Đinh Kim Phúc

Vì sao Trung Quốc chịu bày tỏ thiện chí như thế, là câu hỏi ông Đinh Kim Phúc nêu ra để lý giải tiếp:

"Sự thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục có dấu hiệu "tăng nhiệt". Cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước Bộ Tứ Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ tại Tokyo cách đây không lâu đã gây sức ép ngày càng lớn đối với Bắc Kinh. Năm 2019, Châu Âu miêu tả Trung Quốc là "đối thủ kinh tế" và "kẻ thù hệ thống". Tháng 9/2020, Anh, Pháp và Đức đã cùng Mỹ và Australia bác bỏ những yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông."

" Theo tôi được biết, dòng chảy của sông Mê Kông đoạn chảy qua Trung Quốc chỉ chiếm 18% tổng lượng nước của sông Mekong. Vấn đề cạn kiệt nước và gây hạn hán ở hạ nguồn sông Mekong chính là các đập thủy điện. Nhưng dù sao việc Trung Quốc chia sẻ dữ liệu quanh năm về dòng chảy của sông Mekong đoạn chảy qua nước này là một tín hiệu tốt, cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thấm đòn trước sức ép của quốc tế trong vấn đề Biển Đông cũng như trong vấn đề nguồn nước sông Mekong "

“Giữa nói và làm của Trung Quốc trong mọi vấn đề đã nhiều lần bất tín. Hy vọng lần này Trung Quốc hứa thật là làm thật”.

Việc hứa chia sẻ dữ liệu quanh năm về nguồn nước sông Lan Thương, tên Trung Quốc đặt cho đoạn sông chảy qua đại lục, sẽ tạo thay đổi tốt cho cách tiếp cận giữa Ủy Hội Sông Mekong với Trung Quốc, là ý kiến gần như đồng nhất của 3 vị chuyên gia lên tiếng về đề tài này.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp & Nông thôn Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đàm phán với các nước bạn trong Tiểu Vùng Mekong, tiếp tục đòi hỏi sự minh bạch thông tin và có các thỏa thuận giữa các nước ở khu vực thượng nguồn để tất cả có thể sử dụng dòng sông chung một cách hiệu quả và vững bền.

Đây là nhiệm vụ quan trong nhất trong ngành ngoại giao, tiến sĩ Đặng Kim Sơn khẳng định, cũng là nhiệm vụ chính đáng của các giới hữu trách liên quan đến Đồng Bằng Sông Cửu Long.