Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy, Trung Quốc đã đưa một tàu khảo sát có liên quan đến vụ đụng chạm với Việt Nam năm ngoái, trở lại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này, với một động thái có khả năng gây căng thẳng giữa hai nước về yêu sách của đôi bên tại Biển Đông.
Các tàu Việt Nam đang theo sát tàu khảo sát Trung Quốc được hộ tống bởi một loạt các tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG). Việc triển khai tàu khảo sát diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi một tàu đánh cá Việt Nam bị đánh chìm khi đối diện với tàu Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa đang bị tranh chấp. Cộng đồng quốc tế đã chỉ trích Trung Quốc về hành động này.
“Một điều khá rõ ràng là Trung Quốc sẽ không dừng lại đó”, ông Keith Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Washington, nói về các hoạt động bành trướng gần đây của Trung Quốc, bất chấp sự bùng phát của coronavirus trên toàn thế giới. “Nếu một đại dịch toàn cầu không kiềm được hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, thì sẽ không còn gì khác có thể làm được điều đó.”
Theo dữ liệu theo dõi tàu biển được phân tích bởi Đài Á Châu Tự Do, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất số 8 (Hai Yang Di Zhi 8) rời cảng tại Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc vào thứ Năm tuần trước và đã được sáu tàu Hải cảnh CCG số 1105, 1006, 2103, 5901, 4201 và 4203 tham gia đi cùng vào thứ Hai trước khi những tàu này cùng nhau di chuyển về phía Nam Biển Đông.

Tính đến sáng thứ Ba theo giờ địa phương, đội tàu Trung Quốc chỉ cách bờ biển thuộc tỉnh Bình Định khoảng 92 hải lý; vị trị này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Đội tàu này cũng đi cùng với hai tàu dân quân biển Trung Quốc là tàu Dongtongxiao00235 và Min Xia Yu 00013.
Phía Việt Nam dường như cũng không đứng yên. Nhóm tàu của Trung Quốc đang bị theo dõi chặt chẽ bởi ít nhất ba tàu của cơ quan giám sát thuộc Cục Kiểm ngư Việt Nam. Một tàu Kiểm Ngư số 314363 đã di chuyển sát bên tàu Hải Dương Địa chất số 8 của Trung Quốc vào thứ Hai.
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có bình luận công khai về hành động của Trung Quốc, nhưng thực tiển di chuyển của đội tàu Trung Quốc gợi nhớ đến các cuộc đối đầu trong quá khứ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu Hải Dương Địa chất số 8 là tâm điểm của đợt căng thẳng tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2019. Bãi Tư Chính, tiếng Anh là Vanguard Bank, là địa điểm do Việt Nam quản lý ở Biển Đông - nhưng Trung Quốc đã đưa tàu Hải Dương cùng với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh để tạo áp lực đến hoạt động thăm dò dầu khí của Nga trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này dẫn việc Việt Nam gửi lực lượng hàng hải và tàu dân quân của mình đến khu vực này.
Đợt căng thẳng kết thúc vào tháng 11 năm 2019 và được xem là sự bùng nổ tranh chấp tồi tệ nhất trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc kể từ năm 2014 khi diễn vụ giàn khoan Hải Dương 981. Trong vụ đó, Trung Quốc đã hạ một giàn khoan dầu tại vùng biển tranh chấp và sau đó bảo vệ giàn khoan này bởi sự kết hợp của lực lượng hải cảnh và tàu dân quân biển.
Mô hình sử dụng tàu khảo sát này để đe dọa Việt Nam lý giải cho việc Trung Quốc đã triển khai lực lượng hộ tống lớn cho tàu Hải Dương Địa chất số 8. Việc triển khai hiện tại được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho rằng công hàm mà Việt Nam đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 30 tháng 3 về quyền lãnh hải của mình là “bất hợp pháp và vô hiệu lực.”
Tàu Hải Dương Địa chất số 8 trước đây đã thực hiện các cuộc khảo sát về phía đông nam của Hải Nam và phía tây bắc của Hoàng Sa trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Tư.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông giàu khoáng sản, bao gồm các khu vực tiếp cận bờ biển của các nước láng giềng nhỏ hơn. Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng có các yêu sách lấn nhau ở khu vực này.
Ngoài vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc gần đây cũng đang gây áp lực lên Malaysia và Philippines tại Biển Đông. Như Đài Á Châu Tự Do loan tin vào tuần trước, các tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã tuần tra gần như tất cả các điểm nóng đang bị tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila, mặc dù Tổng thống Rodrigo Duterte đã cố gắng thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Quân đội Hoa Kỳ đã điều động máy bay và chiến hạm đi qua vùng biển tranh chấp kể từ năm ngoái với mục đích răn đe. Washington cũng đã cam kết với Philippines và các đồng minh khác trong khu vực rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia này trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lấn.
Nhưng Poling, nhà phân tích hàng hải trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết cần có hành động cứng rắn hơn. “Điều tối ưu nhất mà chúng ta nên nghĩ đến là các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế”, ông nói với Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài (Foreign Correspondents Association) của Philippines trong một cuộc họp báo trực tuyến.
“Chúng ta chưa bao giờ có một cuộc thảo luận về việc xử phạt những thành phần đằng sau lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Trung Quốc thừa nhận họ có một lực lượng dân quân biển và điều đó rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế”, ông nói.
Tuần trước, Philippines đã cùng Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc về vụ đánh chìm tàu đánh cá của Việt Nam vào ngày 2 tháng 4. Bộ Ngoại giao ở Manila bày tỏ sự ủng hộ với Hà Nội sau khi vụ việc này xảy ra tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa - vùng mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều tuyên bố chủ quyền.
Ông Poling cho rằng vụ việc xảy ra tương tự như cách thức vụ đánh chìm một tàu của Philippines sau khi bị tàu cá Trung Quốc đâm vào và bỏ rơi 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển trong nhiều giờ. Một chiếc tàu của Việt Nam đi qua sau đó đã giải cứu những ngư dân này.
“Trung Quốc đang hành động theo cùng một khung mẫu chính sách đó là xốc tới, khẳng định quyền lợi, quấy rối các nước láng giềng và làm bất cứ điều gì họ muốn”, ông nói.