Những động thái gần đây của Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu tương tự điều họ đã làm với các đảo san hô ở phía tây đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát. Việc này sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên Việt Nam trong việc kiểm soát các tiền đồn của mình tại cụm đảo Sinh Tồn– Đây là nhận định của ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải đồng thời là một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), trong cuộc trao đổi với RFA hôm nay.
RFA: Trung Quốc đã đưa hơn 200 tàu cá được cho là điểu khiển bởi lực lượng dân quân biển đến Đá Ba Đầu nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Philippines. Theo ông đâu là tham vọng của Trung Quốc và tại sao Trung Quốc làm điều này vào thời điểm này?
Ông Greg Poling: Trung Quốc dường như đang sử dụng Đá Ba Đầu như một căn cứ cho các lực lượng dân quân và bảo vệ bờ biển hoạt động quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks) -- một cấu trúc san hô rộng lớn hơn, nơi có 2 tiền đồn của Trung Quốc và 4 tiền đồn của Việt Nam. Đây cũng tương tự như cách mà dân quân Trung Quốc đã và đang sử dụng các đảo san hô nằm ở phía tây đảo Thị Tứ (do Philippines kiểm soát) trong suốt 2,5 năm qua để kiểm soát các vùng biển và không phận xung quanh hòn đảo này. Việc này sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên Việt Nam trong việc kiểm soát các tiền đồn của họ ở đây, bao gồm các đảo Sinh Tồn, đảo đá Colin, đảo Sinh Tồn Đông (Grierson Reef), và đảo Len đao (Lansdowne Reef), vì nước này chỉ có thể tiếp tế và hoạt động xung quanh các đảo này khi dân quân Trung Quốc cho phép.

RFA: Trung Quốc đã có hành động tương tự để chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 nhưng Chính quyền Obama khi đó chỉ bày tỏ quan ngại mà không có hành động quyết liệt. Theo ông, trong bối cảnh hai nước vốn có H iệp định T ương trợ Q uốc phòng và đang có những thảo luận lại về H iệp định T hăm viếng (VFA), liệu chính quyền Biden có thể có phản ứng như thế nào đối với vụ việc diễn ra gần đây tại Đá Ba Đầu để đảo này không rơi vào tay Trung Quốc?
Ông Greg Poling: Hai sự kiện đó khác nhau nhiều hơn là giống nhau, bởi vì cả tầm quan trọng lịch sử của bãi Scarborough và sự khác nhau trong việc nhìn nhận của Manila và Washinton đối với ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong cả hai trường hợp, việc can thiệp quân sự của Washington đều không đúng đắn. Nhưng phản ứng ngoại giao của Hoa Kỳ lần này thì mạnh mẽ hơn nhiều, thể hiện việc Hoa Kỳ rất coi trong quan hệ đồng minh với Philippines và nhu cầu lên án và chỉ trích công khai hành động phi pháp của dân quân Trung Quốc.
RFA: Nếu Trung Quốc chiếm đóng Đá Ba Đầu thì nguy cơ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ như thế nào thưa ông?
Ông Greg Poling: Tôi xin phép không nhắc những gì đã đề cập đến trong phần trả lời câu hỏi đầu tiên. Tôi cũng muốn bổ sung rằng đây là chiến lược bao trùm của Bắc Kinh, đó là sử dụng lợi thế áp đảo về số lượng trong các lực lượng dân quân và bảo vệ bờ biển để làm cho các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á không thể hoạt động tự do trong các vùng biển ở Biển Đông. Và chiến lược này đang tiến gần tới thành công một cách nguy hiểm.
RFA: Đại sứ các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Anh tại Philippines đều đã lên tiếng về vụ này. Theo ông, phản ứng nhanh chóng và đồng loạt này có ý nghĩa thế nào?
Ông Greg Poling: Điều này cho thấy một liên minh đang lớn dần giữa các chủ thể quốc tế coi Biển Đông là một chiến trận ngoại giao quan trọng. Họ coi việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và sử dụng việc cưỡng bức bằng dân quân là phi pháp và tạo ra những tiền lệ nguy hiểm. Họ cam kết buộc Trung Quốc phải trả giá đắt về ngoại giao cho hành vi này, ngõ hầu thuyết phục Bắc Kinh xuống thang và tôn trọng hơn đối với luật lệ quốc tế.
RFA: Gần đây, các nước Anh, Pháp, Đức đều có cam kết về việc điều tàu chiến đến Biển Đông. Theo ông, điều này có ảnh hưởng thế nào đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và có ý nghĩa thế nào đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này, trong đó có Việt Nam?
Ông Greg Poling: Việc quốc tế hoá gia tăng ở Biển Đông đang chọc giận Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cư xử càng hung hăng hơn, đặc biệt với những lời cáo buộc ngoại giao giận dữ. Điều này lại làm gia tăng sự lo ngại của các chủ thể quốc tế khác, khiến họ hành động mạnh hơn. Vì vậy, chính Bắc Kinh đang thúc đẩy việc quốc tế hoá vấn đề này, điều mà họ lo ngại nhất. Câu hỏi đặt ra là liệu liên minh quốc tế chớm nở này có đứng vững lần này không, có khác năm 2016 khi nó đã nhanh chóng tan rã, và có áp đặt được sự trả giá đủ về ngoại giao và kinh tế không, để khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm một sự xuống thang ngoại giao và thoả hiệp với láng giềng.
RFA: Xin cảm ơn ông!