Hải cảnh Trung Quốc quay lại Bãi Tư Chính: Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Việt Nam

0:00 / 0:00

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 lên tiếng xác nhận thông tin tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã vào Biển Đông và hiện Việt Nam đang theo dõi sát tình hình. RFA phỏng vấn ông Đinh Kim Phúc – nhà nghiên cứu về Biển Đông về tình hình hiện nay.

RFA: Thưa ông Đinh Kinh Phúc, ông nhận định thế nào về thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đang tiến gần về khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam sau khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna và bị phản đối mạnh mẽ?

Đinh Kim Phúc: Tin tàu hải cảnh Trung Quốc 35111 sau khi gây hấn ở phía bắc quần đảo Natuna của Indonesia và vướng phải biện pháp cứng rắn của Indonesia, nhất là Tổng thống Indonesia đã tuyên bố một cách đanh thép là không đàm phán về mặt chủ quyền, đó là lãnh thổ của Indonesia. Có thể động thái của Tổng thống và Chính phủ Indonesia ngoài dự đoán của Bắc Kinh, tạo ra một điểm nhấn là thêm một thành viên của ASEAN nữa sẽ có xung đột với Trung Quốc trong tương lai về vấn đề Trung Quốc tiến xuống phương nam.

Việt Nam cần có biện pháp cứng rắn hơn, lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam cũng cần có một tuyên bố đanh thép như Tổng thống Indonesia thì mới có thể gây được một chú ý đối với thế giới để gây sức ép cho Trung Quốc. - Đinh Kim Phúc

Chính vì phản ứng quyết liệt của nhà nước Indonesia, hải cảnh 35111 hôm nay theo tôi biết đã quay về khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam nhằm răn đe, gây một áp lực mới cho chính phủ Việt Nam.

RFA: Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 9/1 rằng: "Các lực lượng chức năng của Việt Nam bám sát Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ quy định của Việt Nam và UNCLOS 1982." Ông nhận xét gì về phát biểu này?

Đinh Kim Phúc: Chúng ta thấy rằng phản ứng trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian vừa qua thì Việt Nam không muốn lớn chuyện, không muốn đanh thép mà vẫn hy vọng ngoại giao của mình với Bắc Kinh sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề trên Biển Đông, giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp suốt 6 tháng sau của năm 2019 khi Trung Quốc gia tăng đàn áp vũ lực. Chúng ta thấy thái độ dù mềm mỏng, dù hy vọng có sự đàm phán ở cấp cao, cấp nguyên thủ quốc gia, nhưng tham vọng của Trung Quốc không bao giờ xóa bỏ, ý đồ độc chiếm biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Do đó Việt Nam cần có biện pháp cứng rắn hơn, lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam cũng cần có một tuyên bố đanh thép như Tổng thống Indonesia thì mới có thể gây được một chú ý đối với thế giới để gây sức ép cho Trung Quốc.

RFA: Khi tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng lãnh hải của hai nước Việt Nam và Indonesia, trong khi Indonesia có những phản ứng mạnh mẽ thì Việt Nam cho biết chỉ đang quan sát tình hình. Dư luận có sự so sánh về cách phản ứng quá khác biệt giữa hai nhà nước. Ông nhận xét thế nào về cách giải quyết của chính phủ Hà Nội?

Đinh Kim Phúc: Mối tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay mặc dù có căng thẳng trong vấn đề ở Biển Đông, vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng cũng nên nhớ rằng từ khi Việt Nam và Trung Quốc quan hệ trở lại bình thường thì kinh tế Việt Nam ngày càng bị trói chặt vào kinh tế Trung Quốc. Chính vì vậy mà Việt Nam rất khó tìm những thị trường khác thay thế cho thị trường Trung Quốc. Nếu xung đột chính trị hoặc xung đột quân sự cục bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra thì nền kinh tế Việt Nam đã khó khăn chắc chắn sẽ khó khăn hơn nữa.

Do đó tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã cân nhắc chọn thái độ đối với Trung Quốc bên cạnh việc đang tranh thủ các cường quốc trên thế giới, đang tranh thủ để mở rộng địa bàn hoạt động kinh tế của mình để ngày càng bớt lệ thuộc Trung Quốc. Vấn đề bớt lệ thuộc Trung Quốc tôi nghĩ không phải ngày một ngày hai, trong 1, 2 năm mà giải quyết được. Đây là vấn đề chiến lược lâu dài, 5 năm, 10 năm mới có thể giải quyết việc bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc dẫn đến bất bình đẳng cả những vấn đề giải quyết chính trị trên Biển Đông.

RFA: Vào ngày 31/12/2019, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân biển. Trong vụ việc tàu hải cảnh 35111 vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna, Indonesia đã điều thêm tàu chiến, máy bay cùng dân quân biển ra đối phó. Ông nghĩ thế nào nếu Việt Nam cũng áp dụng cho dân quân biển ứng phó với tàu Trung Quốc?

Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 25 tháng 7 đưa ra đề án xây dựng hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 25 tháng 7 đưa ra đề án xây dựng hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. (Screen capture)

Đinh Kim Phúc: Lực lượng gọi là dân quân biển là một mô thức mới trong thời gian gần đây được Trung Quốc áp dụng. Bản chất nó là vũ trang nhưng trá hình với hình thức là ngư dân bám biển để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang quân đội. Đối với Việt Nam trong thời gian vừa qua theo tôi được biết là lực lượng dân quân biển cũng được biên chế tổ chức ở một số nơi nhưng không trở thành lực lượng chính thức của nhà nước mà dựa vào các hợp tác xã, các hội đoàn đánh cá và được tuyên truyền, huấn luyện ý thức bảo vệ chủ quyền, chống cướp biển, chống đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam… Nhưng tôi nghĩ rằng với tình huống hiện nay trên Biển Đông mà Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực hoặc sử dụng những công cụ của vũ lực để thực hiện ý đồ của họ thì chúng ta không nên triển khai lực lượng dân quân biển vì lực lượng này không đối phó lại với những đội tàu hết sức hiện đại, to lớn của Trung Quốc. Trước sự hung hãn của họ thì lực lượng dân quân biển không có khả năng kiềm chế. Trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai gần tôi thấy các đội kiểm ngư, các đội tàu chấp pháp cảnh sát biển của Việt Nam đủ sức kiềm chế ý đồ của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.

RFA: Việc tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam lần này có ảnh hưởng thế nào đến việc khai thác dầu khí của Việt Nam không thưa ông?

Đinh Kim Phúc: Theo tôi được biết khu vực Bãi Tư Chính chưa có dự án khai thác dầu khí nào ở khu vực này. Còn tất cả mỏ chúng ta ký hợp đồng liên doanh với nước ngoài hoặc nước ngoài đầu tư khai thác đều nằm trên bồn trũng Nam Côn Sơn hoặc các khu vực khác. Chúng ta thấy rằng nếu các tàu hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục gây hấn mà Việt Nam phải tạm dừng các dự án liên doanh của mình ở trên thềm lục địa Việt Nam thì đó là sự thất bại và trong tương lai Việt Nam sẽ khó đấu tranh với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm sau khi có sự cố đối với hãng dầu của Tây Ban Nha mà Tây Ban Nha phải tạm rút đi, đang thương lượng để bồi thường thiệt hại thì tôi nghĩ rằng để bảo vệ các lô khai thác dầu khí của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ phải cứng rắn hơn và sẽ không có lô dầu khí nào phải tạm dừng vì sức ép của Trung Quốc.

Khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Ủy viên Liên hiệp quốc thì Việt Nam vẫn mong muốn bằng ảnh hưởng vị trí, vai trò của mình để lôi kéo nhiều cường quốc, các nước lớn trên thế giới tập trung điểm nóng vào Biển Đông để giải quyết bằng biện pháp hòa bình. - Đinh Kim Phúc

RFA: Trước đây vào ngày 6/11/2019, ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và kiện. Ông có nghĩ Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc nếu sự việc này leo thang?

Đinh Kim Phúc: Việc sẽ kiện, sẽ chuẩn bị hồ sơ, đã chuẩn bị hồ sơ để đưa Trung Quốc ra các tòa án quốc tế tôi nghĩ đây là phát biểu của một số cá nhân của lãnh đạo cấp cao Việt Nam chứ tôi chưa thấy đó là chủ trương cao nhất của chính phủ Việt Nam hiện nay. Nhất là năm nay, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam vẫn mong muốn bằng ảnh hưởng vị trí, vai trò của mình để lôi kéo nhiều cường quốc, các nước lớn trên thế giới tập trung điểm nóng vào Biển Đông để giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Tôi không nghĩ rằng vấn đề kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế trong tương lai gần vì mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Nếu chúng ta đọc lại quyển Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố cách đây 40 năm sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì ta thấy quá rõ Việt Nam có bảo đảm chắc ăn trước tòa án công lý quốc tế hoặc các tòa trọng tài quốc tế có thể thắng Trung Quốc hay không? Do đó hồ sơ của Việt Nam theo tôi nghĩ cần phải chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng, được rất nhiều chuyên gia về công pháp quốc tế trên thế giới giúp đỡ thì Việt Nam mới có khả năng đối đầu với Trung Quốc về mặt pháp lý. Tôi cũng nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, tranh chấp bùng nổ giữa Mỹ - Trung Quốc rồi vấn đề quan hệ quốc tế ở Trung Đông đang đẩy cả thế giới quanh miệng hố cuộc chiến tranh thì rất khó có một khung pháp lý để Việt Nam giải quyết với Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian trước mắt.

RFA: Với tình hình hiện nay, ông nghĩ Trung Quốc có tiếp tục đưa tàu sang vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không thưa ông?

Đinh Kim Phúc: Tôi thấy việc gây sức ép với Việt Nam bằng cách đưa các tàu hải giám, các tàu tuần duyên, tàu hải cảnh (vào vùng biển của Việt Nam) là vì Trung Quốc dựa trên phản ứng của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ không bao giờ chấm dứt hành động khiêu khích của họ. Đây là một giải pháp của họ để răn đe và chèn ép Việt Nam trên các diễn đàn hoặc trong mối quan hệ song phương.

RFA: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA.