Tù mù thông tin người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua nhà

0:00 / 0:00

Thiếu minh bạch

Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết, Ủy ban thường vu Quốc hội cho biết, qua giám sát một số địa phương có phản ánh về tình trạng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài

Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin công bố chính thức về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề này đã được nhắc đến rất nhiều lần tại các kỳ họp và ngay tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 11/2018 cũng đã có phát hiện và báo cáo các trường họp vi phạm mua đất dọc bờ biển miền Trung.

“Hiện tại chưa có một cơ quan chức năng nào có thể cung cấp số liệu thống kê việc người nước ngoài mua nhà đất tại Việt Nam bởi vì họ không có đăng ký, trong khi tỷ lệ người Trung Quốc theo thống kê sơ bộ chỉ 31% còn người Việt đạt 34%. Con số này cho thấy nhu cầu đầu tư của người Trung Quốc nói riêng và nhà đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam là có thật.”

Facebooker Minh Hải xác nhận với chúng tôi rằng việc môt vài trường hợp bị phát hiện tại Đà Nẵng thời gian qua là có nhưng để thống kê con số cụ thể vi phạm là điều hoàn toàn không bao giờ được.

“Có một vài trường hợp tại Đà Nẵng người ta núp bóng mua, âm thầm xây dựng nhưng vẫn bị phát hiện thì câu chuyện này thì hoàn toàn có thật tại Đà Nẵng. Câu chuyện biết bao nhiêu người mua bao nhiêu người núp bóng và đặc biệt là người Trung Quốc mua nhà đứng tên người Việt thì chắc chắn kể cả chính quyền cũng không bao giờ nắm được và không bao giờ có được số liệu cụ thể để biết được bao nhiêu đất thuộc về người nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt đứng tên mua dùm.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng không chỉ riêng Trung Quốc mà các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác cũng xem bất động sản tại Việt Nam là thị trường tiềm năng.

Trước đó, hôm 4/6 tại phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thừa nhận có tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” người Việt để mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển, chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, thuê diện tích đất dọc ven biển, thâu tóm toàn bộ các vị trí đất đẹp và trung tâm. Người đứng đầu ngành công an Việt Nam còn khẳng định Bộ Công an không coi những giao dịch này là thương mại bình thường.

Khó xử lý

Vấn đề đứng tên hộ người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam từng được nhắc tới nhiều lần trước đó, đặc biệt là tình trạng giúp cho người Trung Quốc trong việc này. Tuy vậy biện pháp xử phạt những trường hợp tiếp tay cho người nước ngoài thâu tóm bất động sản tại Việt Nam cũng chưa được tiến hành.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc xử lý những trường hợp này là điều rất khó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. (AFP)

“Thứ nhất khi xử lý mấy việc này thường thường bị phát hiện khi có sự tranh chấp. Ví dụ như họ tranh chấp với người Việt Nam là họ đã đưa tiền để mua nhà và đất để ở cũng như quyền sử dụng đất thì khi có tranh chấp xảy ra thì mới phát hiện nhưng có những người họ mua rồi họ giấu đi luôn thì cái này rất là khó để mà phát hiện xử lý và tình trạng này rất là nhiều, thậm chí có những người kiện ra tòa để đòi lại.”

Luật sư Trần Thu Nam thuộc đoàn luật sư Hà Nội cũng thừa nhận khó khăn trong việc xử lý vấn nạn đứng tên mua nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam.

“Việc này cũng chỉ xử lý về mặt dân sự bởi vì theo quy định người nước ngoài không được mua nhà mua đất tại Việt Nam. Chúng tôi muốn có tài sản tại Việt Nam nên nhờ người Việt đứng tên mua nhưng về mặt pháp lý thì đứng tên người Việt Nam, mua để ở hay mỗi khi sang du lịch hoặc được giá thì bán thì đó cũng chỉ là giao dịch dân sự mà thôi chứ chưa có điều gì về mặt hình sự cả. Nếu mua xong mà nhà đó tổ chức bất hợp pháp thì mới là phạm tội, như chứa chấp tội phạm, chứa chấp vũ khí hay làm gì thì lúc đó mới xác định liên quan tội hình sự.”

Quan ngại

Dư luận cho rằng việc các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền để mua nhà đất tại Việt Nam nhằm mục đích đầu tư lợi nhuận hay vì một mục đích nào khác đều là một mối lo.

Facebooker Minh Hải chia sẻ: "Theo nhận định của những người bình thường người dân thì người ta cho rằng đương nhiên họ không có ném tiền không không như vậy nên người ta mua mà có mưu đồ mưu lược hết và lót sẵn hết rồi. Mà âm mưu của Trung Quốc thì nó đã ngàn năm rồi chứ không phải một vài năm nay, mỗi thời kỳ nó có một chế độ khác nhau nên đương nhiên người Việt ai cũng lo lắng."

Anh Trần Bang, một chuyên gia về xây dựng từ Sài Gòn cho chúng tôi biết quan ngại của anh về việc người Trung Quốc đổ tiền vào thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ làm giá cả bất thường ảnh hưởng đến đời sống người dân trong tương lai.

“Trong lúc người Việt Nam mình vẫn còn thu nhập thấp mà thị trường bất động sản thổi giá cao thì sau này người Việt sẽ khó khăn trong việc sở hữu nhà đất vì đất tại Việt Nam không có nhiều, không giống Mỹ, Canada hay Úc nên cần phải có những chính sách điều chỉnh. Không cần học hỏi đâu xa học ngay Singapore là thực tế. Nguyên nhân khác mình cũng không thể loại trừ được.”

Đối với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, một cơ sở pháp lý đầy đủ cho tình trạng vừa nêu là cần thiết trong khi thị trường bất động sản là mãnh đất ‘màu mở’ như hiện nay đối với giới đầu tư.

“Thì tôi cho rằng nguồn cung không đủ cầu, thị trường bất động sản đang gây chú ý cho người nước ngoài do đó không chỉ Trung Quốc mà còn Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác. Tôi thấy đây là thị trường rất là sôi động nên mình phải có một cơ chế pháp lý để làm sao để mục đích phải hợp pháp và tạo sự công bằng.”