Cloramine B có thể ngừa bệnh tay chân miệng

Hơn hai ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với hai ca tử vong được ghi nhận trên cả nước tuần qua, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm và chết bệnh vẫn tăng.

0:00 / 0:00

Nhiều người, vì quá lo lắng trong việc phòng ngừa cho con nhỏ, đã tìm mọi cách đi mua thuốc khử khuẩn Cloramine B hoặc đến các trạm y tế xin cho bằng được.

Trao đổi với Thanh Trúc, ông Nguyễn Xuân Mai, nguyên viện phó Viện Vệ Sinh Y Tế Công Cộng, thành phố Hồ Chí Minh, giải thích phương cách không gây hại khi sử dụng Cloramine B khử khuẩn cũng như các dung dịch tẩy trùng khác.

Cách dùng Cloramine B

Trước hết, về tình hình lây lan dịch tay chân miệng mà Việt Nam loan báo đã khống chế được, ông Nguyễn Xuân Mai nói:

Ông Nguyễn Xuân Mai: Tay chân miệng đúng là nó bùng lên cao điểm của nó thì vào tháng trước, và số mắc và số tử vong thì người ta có thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thật sự thì bây giờ nó vẫn còn duy trì nhưng mà nó không có dữ dội.

Cloramine B là một chất oxy-hóa mạnh, nó ăn mòn da cũng như ăn mòn vải vóc, cho nên cẩn trọng là thế này: Người ta có hướng dẫn về nồng độ pha,..

Ô. Nguyễn Xuân Mai

Thế thì bây giờ nhà nước yêu cầu là thế này: Họ mua Cloramine B để tẩy uế tất cả các sàn nhà, các dụng cụ, đồ chơi, bởi vì Cloramine B có tác dụng sát trùng, sát khuẩn. Còn các cơ sở như trường học mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học thì đã áp dụng biện pháp có các chất tẩy rửa, sát trùng để cho các em rửa tay.

Thế còn ở các gia đình thì người ta có truyền thông giáo dục là giữ cửa nhà sáng, sạch. Tất cả đồ chơi của trẻ em phải được tẩy rửa như thế, vì cái vi-rút lây lan qua môi trường, qua dụng cụ tay chân, chứ còn thật sự cũng không đến mức hoảng loạng rối lên đâu!

Thanh Trúc: Vì sao mà có cảnh báo là nên cẩn thận với Cloramine B? Thưa ông, cái mức độ cẩn thận đối với Cloramine B là như thế nào ạ?

Ông Nguyễn Xuân Mai: Cloramine B là một chất oxy-hóa mạnh, nó ăn mòn da cũng như ăn mòn vải vóc, cho nên cẩn trọng là thế này: Người ta có hướng dẫn về nồng độ pha, với nồng độ thí dụ 1,5 hay là 2,5% thì nó có tác dụng sát khuẩn, thế nhưng mà nếu nồng độ thí dụ như là 3-5% là người ta dùng để tẩy uế, thí dụ dịch tả mà cần phải tẩy uế quần áo của người bị bệnh tả thì người ta dùng đến nồng độ 5%. Thế còn nồng độ pha để bán cho rửa tay, rửa chân và sát trùng dụng cụ thì nó chỉ có khoảng 1,5%. Thì cái này là các cơ sở y tế, tức là các cơ sở pha chế của ngành dược với lại các cơ sở của Trung tâm y tế dự phòng thì họ chỉ đạo thực hiện việc này để dùng nó mà không gây hại cho người sử dụng.

Thanh Trúc: Thưa ông, trong trường hợp nào thì nó có thể gây hại?

foot-and-mouth-disease-250.jpg
Bệnh tay chân miệng ở một em bé 11 tháng tuổi. Photo courtesy of Wikipedia.

Ông Nguyễn Xuân Mai: Cloramine thì tẩy trắng, thí dụ quần áo có cái gì đấy thì nó tẩy trắng. Thứ hai, nếu mà da chân tay đụng vào cái nồng độ cao thì nó ăn mòn, và nếu quá cao ở nồng độ đậm đặc thì giống như.bỏng. Người dân ở Việt Nam sử dụng Cloramine B thì tương đối là rành, bởi vì như thế này: Chúng ta cấp nước sạch chưa đủ cho nên hàng năm đều có phát cho đồng bào Cloramine B để hướng dẫn họ khử trùng trong nước để họ dùng ở các vùng lũ lụt, cho nên cách sử dụng Cloramine thì ở Việt Nam khá tường tận.

Những dung dịch sát khuẩn khác

Thanh Trúc: Ngoài Cloramine B thì còn có loại nào nữa không ạ?

Ông Nguyễn Xuân Mai: Còn nhiều chứ! Còn có rất nhiều dung dịch sát khuẩn và nó an toàn cho người sử dụng, thí dụ cồn Ethanol 70 độ cũng là tốt, thứ hai nữa là trong dung dịch sát khuẩn thì có thể các thứ cồn bậc cao, tức là sau khi người ta pha chế ra dung dịch tẩy rửa rồi thì người ta cho những chất tạo màu để nhận diện, để nó khác đi cho người ta biết cảnh báo, thí dụ màu tím hay là màu xanh-blơ thì để cho người ta tránh dùng nhầm lẫn trong việc uống.

Còn có rất nhiều dung dịch sát khuẩn và nó an toàn cho người sử dụng, thí dụ cồn Ethanol 70 độ cũng là tốt.

Ô. Nguyễn Xuân Mai

Thế còn trường hợp cồn Ethylic, tiếng Anh gọi là Alcohol, thì trước khi sát trùng người ta cũng cho màu vào thì nó an toàn cho cộng đồng họ sử dụng. Nhưng mà công thức của nó là C2H5O2 mà al-col thì người ta dùng ngay, không phải pha. Các dung dịch đây là do các xí nghiệp dược, theo các đơn đặt hàng của bên y tế, vệ sinh, xong thì nó pha theo nồng độ, nó bỏ các chất xanh, chất tím vào đấy để người ta không nhầm, không sử dụng nó để uống. Và những nồng độ đó người ta ghi rõ trên giấy là với cái chai cần bao nhiêu mililit thì pha bao nhiêu lít cái nồng độ nó đáp ứng. Đấy, Cloramine B cũng thế.

Kế hoạch phòng chống dịch vùng xa

Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Xuân Mai, liên ngành Bộ Y Tế - Giáo Dục & Đào Tạo vừa ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch tay chân miệng ở các trường học năm 2011-2012, kế hoạch hành động này được thực hiện ở các địa phương xa như thế nào ạ?

Ông Nguyễn Xuân Mai: Tức là ở huyện thì có đội y tế dự phòng, tỉnh – thành thì có trung tâm y tế dự phòng, và trong mùa dịch năm nay thì Bộ Y Tế cấp phát cho họ, hướng dẫn họ, nhà nước chịu khoản đấy.

foot-and-mouth-disease-2-250.jpg
Bệnh tay chân miệng. Photo courtesy of ykhoanet.com.

Thanh Trúc: Thưa, báo chí thì nói trong tuần qua cả nước ghi nhận thêm 2091 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong khi đó Việt Nam vẫn nói là đã khống chế được?

Ông Nguyễn Xuân Mai: Cái này thì người ta có kết hợp với lại CDC, tức Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch của Hoa Kỳ, với lại Tổ chức Y Tế Thế Giới, người ta theo dõi, thống kê, và người ta có phân tích thì người ta mới có chứng liệu để phát biểu như thế, bởi vì giới hạn nào thì nó là dịch mạnh, giới hạn nào thì nó là chưa dịch, cách nào thì gọi là kiểm soát được, thì cái này có Tổ Chức Y Tế Thế Giới nó ở bên cạnh. Nói chung là hiện nay các bậc phụ huynh các lớp từ tiểu học trở xuống cũng đã được thông báo, giáo dục đầy đủ.

Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Xuân Mai, xin cảm ơn tất cả những lời giải thích của ông ạ.

Ông Nguyễn Xuân Mai: Dạ. Cảm ơn.

Theo dòng thời sự: