Tiếp tục lên tiếng cho dân oan Thủ Thiêm

0:00 / 0:00

Hôm 7 tháng 7 năm 2019, mạng xã hội xuất hiện bản Tuyên bố Thủ Thiêm 4 với chữ ký của 3 tổ chức Tổ chức Xã hội và 90 cá nhân trong và ngoài nước, cùng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi bị tước đoạt của nhiều người dân Thủ Thiêm.

Nguyên nhân ra đời và nội dung bản tuyên bố

Ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tổ chức xã hội dân sự nhận định bản thông báo khẳng định sai lầm, vi phạm cố ý của UBND TP.HCM và các ban ngành kể cả trung ương đã không thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch của chính phủ, cố ý vi phạm pháp luật và các quy định của thủ tướng chính phủ. Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 26 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên bản thông báo đã không đề cập gì đến việc 15 ngàn hộ dân bị di dời nằm ngoài ranh theo Quyết định 367; không đề cập gì đến 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch; không đề cập gì đến 160 ha tái định cư biến mất; không đề cập gì đến việc 115 người dân ký tên khiếu kiện tập thể…

Chính vì vậy các tổ chức xã hội dân sự cùng soạn thảo một bản tuyên bố với bốn nội dung:

1. Chính quyền TP. HCM phải khẩn trương giải quyết đơn khiếu nại tập thể do 115 người dân Thủ Thiêm đại diện, trả lại đất hoặc đền bù theo giá thị trường hiện nay cho những hộ nằm ngoài ranh qui hoạch; bồi thường hỗ trợ cho những hộ dân trong quy hoạch; trả lại 160 ha đất tái định cư cho dân để dân xây dựng lại nhà cửa ổn định cuộc sống.

2. Phải có luật sư độc lập do dân chọn làm đại diện trong ban bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chính quyền phải thường xuyên đối thoại với dân giải quyết khiếu nại.

3. Phải chuyển ngay thông báo 1041/TB - TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 cho cơ quan điều tra xử lý theo luật pháp. Phải trừng trị những ai đã vi phạm pháp luật gây đau khổ, mất đất mất nhà, thiệt hại về tinh thần và vật chất cho người dân Thủ Thiêm dù những kẻ đó ở bất kỳ cấp nào, còn làm việc hay đã về hưu. Phải trừng trị những tên sử dụng quyền lực và cơ chế vơ vét tài sản làm giàu bất chính cho cá nhân và phe nhóm.

4.- Phải sửa lại luật đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu về đất đai bao gồm sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể, và sở hữu nhà nước. Xóa bỏ vĩnh viễn nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”.

Kiên trì lên tiếng

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh Triết cho biết mục đích mà bản tuyên bố nhắm tới, thứ nhất là thúc đẩy thanh tra chính phủ và Ủy ban Kiểm soát Trung ương phải thực hiện kết luận thanh tra cho đến nơi đến chốn; thứ hai là trong bản kết luận của thanh tra chưa nói được đầy đủ về những oan khuất, mất mát, đau đớn của người dân Thủ Thiêm 20 năm nay và những đền bù xứng đáng; thứ ba là phải nói cho rõ nguyên nhân sâu xa, gốc rễ để đưa tới những thảm họa xã hội như thế này là do luật đất đai không chính xác và phải công nhận đa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân của người dân. Ông nói thêm:

“Nếu một chính phủ, một đảng đang thấy rằng cần phải dựa vào dân và muốn thể hiện là vì dân, do dân….như nó vẫn tuyên bố thì nó phải làm đến nơi đến chốn về vấn đề Thủ Thiêm.”

Nhà báo, dịch giả Hoàng Hưng nêu mục đích của việc tham gia soạn thảo cũng như ký bản tuyên bố lần này:

“Khi chúng tôi ký hay làm những việc liên quan đến tuyên bố này thì chúng tôi không bao giờ tin rằng ĐCS hay Nhà nước sẽ nghe. Nhưng chúng tôi vẫn làm với mục đích đầu tiên là phải gây sức ép thường xuyên với Nhà nước, chỉ ra những gì họ sai. Có thể họ không nghe nhưng mình vẫn phải làm vì mình làm đúng, làm điều chính nghĩa thì trước sau gì cũng phải có tác dụng.”

Dân oan Thủ Thiêm.
Dân oan Thủ Thiêm. (Photo: VNExpress)

Tại Việt Nam, các nhóm Xã hội Dân sự Độc lập được hình thành bởi các dân oan, trí thức, tù nhân lương tâm hay những nhà bất đồng chính kiến… trong những năm gần đây. Tuy nhà nước không công nhận các nhóm Xã hội Dân sự Độc lập nhưng thực tế tiếng nói của họ ngày càng có tác động trên mạng xã hội.

Nhà báo Sương Quỳnh cho rằng đảng và chính phủ Việt Nam lâu nay không hề trả lời bằng văn bản những kiến nghị được gửi đến hay có phản hồi chính thức đối với những tuyên bố như vừa nêu nhưng bà vẫn tham gia ký tên:

"Nhưng chúng ta vẫn phải ra tuyên bố để cho họ biết rằng vẫn có những người phải lên tiếng để nói lên những sai trái và đòi hỏi quyền công dân của mình cho người dân Thủ Thiêm nói riêng và dân oan cả nước nói chung."

Nhà báo Hoàng Hưng cho biết tuyên bố Thủ Thiêm lần này là tuyên bố thứ tư, và ông tin rằng nó sẽ góp một phần nào đó thúc đẩy Nhà nước giải quyết vụ Thủ Thiêm cho thấu đáo, bù đắp những thiệt thòi của người dân. Và một điều mà với ông rất ý nghĩa, đó là phải lên tiếng để người dân bớt sợ hãi:

“Muốn đất nước có tự do dân chủ thì điều đầu tiên là mỗi người phải vượt qua nỗi sợ của chính mình. Hàng bao nhiêu năm nay quần chúng Việt Nam bị lối tuyên truyền một chiều, nhồi sọ, họ không biết sự thật. Cho nên việc của những người biết chuyện, những người được coi là trí thức, có lương tâm thì phải lên tiếng để thức tỉnh những người tiêu cực hay những người biết chuyện nhưng còn sợ hãi.”

Sửa luật đất đai

Một trong những điều bản tuyên bố đề cập đến là phải sửa đổi luật đất đai. Cho đến bây giờ Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước cho dù người dân mong muốn cải cách.

Nhà báo Sương Quỳnh cho biết cách đây nhiều năm, một loạt nhân sĩ trí thức - trong đó có bà - đã ký tên yêu cầu sửa đổi luật đất đai và Điều 4 Hiến pháp vì đó là nguyên cớ dẫn đến bao oan khiên mà người dân phải chịu lâu nay. Bà nói thêm:

"Tất cả những oan khiên, oan khuất của dân oan trên đất nước này đều do luật đất đai bây giờ mà ra, cho nên tuyên bố lần này là vẫn nhắc lại. Trong tất cả các bản tuyên bố, kiến nghị xưa nay đều nhắc nhưng họ vẫn lờ đi."

Nhà báo Hoàng Hưng cho rằng luật đất đai hiện hành vô lý, người dân lên tiếng từ lâu nhưng nhà nước chưa dám thay đổi vì nó động chạm đến cốt tủy của Chủ nghĩa Xã hội.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai thì dù khó cũng phải làm vì đã đến lúc phải thay đổi. Nếu không giải quyết vấn đề luật đất đai thì nó luôn luôn là một cơ sở để cho những xáo trộn xã hội xảy ra:

"Đã đến lúc đảng Cộng sản phải tỉnh táo về vấn đề nầy. Khi mà họ công nhận kinh tế tư nhân thí tất yếu họ phải giải quyết vấn đề này. Và đấy là một đòi hỏi rất hợp tình hợp lý. Đây là vấn đề thử thách: họ có tồn tại hay không là phải giải quyết những vấn đề này."

Theo số liệu Tổng Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường thì năm 2016 có hơn 2.000 vụ khiếu kiện đất đai; năm 2017 có trên 3.500 đơn khiếu nại về đất đai. Hiện nay số đơn khiếu kiện về đất đai cũng được cho biết chiếm đến ba phần tư các loại đơn thư.