Đây cũng là những hành động nằm trong một chiến lược lâu dài có tính toán của Trung Quốc đối với toàn khu vực. Việt Hà phỏng vấn giáo sư môn quan hệ quốc tế trường đại học De la Salle, Philippines, ông Renato Cruz de Castro về vấn đề này.
Gia tăng sức ép
Việt Hà: Thưa ông, ông nhận định thế nào về hành động mới đây của Trung Quốc cho phép cảnh sát biển tỉnh Hải Nam được quyền lên tàu và bắt tàu nước ngoài hoạt động trong khu vực biển Đông?
GS Renato Cruz de Castro
GS Renato Cruz de Castro: Theo tôi đánh giá thì hành động cho phép cảnh sát biển tỉnh Hải Nam được quyền bắt giữ tàu nước ngoài chủ yếu là nhằm vào Việt Nam với khu vực quần đảo Hoàng Sa. Thực tế thì đúng là chỉ nhằm vào Việt Nam, không nhắm vào các nước đòi chủ quyền khác trên biển đông tuy nhiên hành động này cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật góp gió thành bão. Hồi đầu năm chúng ta thấy Trung Quốc gây hấn với Philippines, và bây giờ là với Việt Nam. Cho nên đây chỉ là thuộc chiến thuật góp gió thành bão mà Trung Quốc vẫn đang thực hiện mà thôi. Tất nhiên nó chỉ áp dụng đối với tàu thuyên dân sự, không áp dụng với tàu chiến, nó là vấn đề về kiểm soát quyền chủ quyền. Tôi nhắc lại dù không phải trực tiếp nhưng hành động này cho thấy Trung Quốc đang gia tăng sức ép, với những nỗ lực dần dần để thực hiện việc kiểm soát khu vực biển Đông của họ.
Việt Hà: Như vậy là dù không liên quan trực tiếp đến Philippines, hành động này cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến Philipines?
GS Renato Cruz de Castro: Đúng vậy bởi vì nó là chiến thuật góp gió thành bão, giống như điều đã xảy ra với khu vực bãi cạn scaborough shoal, Việt Nam không can dự, nhưng nó đã góp phần chia rẽ ASEAN. Cho nên khi sự việc xảy ra ở Scaborough Shoal, chúng tôi đã không hy vọng có sự phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam vì nó không có liên quan trực tiếp đến Việt Nam. Bây giờ cũng vậy, Việt Nam cũng không thể mong là Philippines có phản ứng mạnh với vấn đề về quyết định của tỉnh Hải Nam vì nó không liên quan trực tiếp đến Philippines. Nhưng nó đã tạo ra hố ngăn cách giữa Philippines và Việt Nam.
Philippines không thể can dự và Trung Quốc biết là từng nước ASEAN chỉ có thể có phản ứng khi quyền lợi chính của họ bị nguy hiểm. Một lần nữa, đây là chiến thuật góp gió thành bão.
Việt Hà: Trước khi đưa ra quyết định này, Trung Quốc đã cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu và khiến một loạt nước phản đối. Hai hành động này xảy ra rất gần nhau…
GS Renato Cruz De Castro: Họ đang thử, họ muốn xem phản ứng thế nào, nhưng tôi không nghĩ là họ sẽ lui bước. Đó là những cố gắng dần dần của họ. Chúng ta không thể biết năm tới sẽ là gì.
Việt Hà: Về cuộc họp mà Philippines mời các nước thuộc ASEAN tham dự liên quan đến vấn đề biển Đông bị hoãn lại, ông có nhận xét thế nào?
GS Renato Cruz De Castro: Nó đã không thể được thực hiện vì theo tôi biết thì Trung Quốc đã tạo được sức ép, cho nên cuộc họp đã bị hoãn lại. Theo tôi biết thì sức ép này là trên 4 nước thuộc ASEAN có chủ quyền trên biển Đông. Đây là điều tôi nghe chứ không phải là một trích dẫn cụ thể. Cho nên tôi nghĩ quyết định là hoãn lại.
Chia rẽ ASEAN
Việt Hà: Vậy ông có nghĩ là Trung Quốc đang thành công và sẽ tiếp tục thành công trong việc chia rẽ ASEAN?
GS Renato Cruz De Castro: Tôi nghĩ là mình đang nhìn thấy sự kết thúc của ASEAN đến dần dần, họ đã từ từ chia rẽ khối ASEAN. Đó là cách tân công của Trung Quốc được bắt đầu từ ngay đầu thế kỷ này. Trước hết họ tìm cách xâm nhập ASEAN, và bây giờ họ đang cố gắng để gặt lấy thành quả từ những nỗ lực trước đó của mình.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về hoạt động của ASEAN trong năm nay?
GS Renato Cruz de Castro
GS Renato Cruz De Castro: Kinh khủng, tôi có thể nói là hoạt động của ASEAN năm qua thật là không tốt, nó cho thấy rõ rang sự chia rẽ trong nội bộ khối ASEAN. Chia rẽ giữa những nước thuộc khối nằm trong lục địa, và những nước thuộc khối có chủ quyền trên biển. Trung Quốc đã nhìn thấy sự chia rẽ này và đã nới rộng hố ngăn cách này.
Việt Hà: Nếu nói như vậy thì có phải là chúng ta cũng nên tự xem xét bản thân ASEAN trước, tự trách mình trước khi trách Trung Quốc?
GS Renato Cruz de Castro: Nhưng phải nói lại là Trung Quốc đã tạo được sức ép bởi vì ngay cả trong số 4 nước có tuyên bố chủ quyền gồm Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines thì chúng ta cũng thấy có sự cách biệt. Việt Nam và Philippines là những nước chủ động nhất trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Còn Brunei và Malaysia chỉ có tranh chấp ở dạng lặng lẽ. Và sự mở rộng phạm vi chủ quyền trên biển của Trung Quốc hướng trực tiếp vào Philippines với Việt Nam, đây là vấn đề về địa lý.
Việt Hà: Thưa ông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đang trên đường công du đến các nước châu Á trong đó có Philippines, ông đánh giá thế nào về chuyến đi này?
GS Renato Cruz de Castro: Theo tôi đây chỉ là chuyến đi mà ông ấy nói lời từ biệt. Ông ấy sắp rời Bộ ngoại giao. Thêm nữa là ông ấy muốn đánh giá xem những nỗ lực mà ông đã làm trong thời gian qua với vấn đề biển Đông thế nào. Tôi nghĩ câu hỏi bây giờ là liệu Mỹ có thể tiếp tục được những gì mà họ đã thực hiện. Liệu người kế nhiệm sẽ tập trung vào vấn đề biển Đông? Theo tôi thì ông đã làm rất tốt công việc của mình, đã khiến cho bộ Ngoại Giao Mỹ và chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải tập trung vào vấn đề biển Đông. Ông đã hoàn tất công việc mình rất tốt trong 4 năm qua nhưng bây giờ câu hỏi lớn là liệu điều này có thể được tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Hoa Kỳ: Hộ chiếu lưỡi bò không có giá trị về pháp lý
- Philippines không đóng dấu những hộ chiếu TQ có hình bản đồ "lưỡi bò"
- Trung Quốc phản ứng về vụ hộ chiếu mới bị chỉ trích
- Trí thức Việt Nam phản đối hộ chiếu in hình "lưỡi bò" của TQ
- Bản đồ trên hộ chiếu: cơ hội cho Việt Nam?
- Tranh chấp biển Đông căng thẳng tại Thượng đỉnh ASEAN
- ASEAN thảo luận về bất ổn Miến Điện và tranh chấp Biển Đông
- 10 nước ASEAN đồng lòng muốn TQ đàm phán về Biển Đông
- Hộ chiếu có bản đồ: hành động "rất có hệ thống" của Trung Quốc