Trung Quốc bắn tiếng dọa Việt Nam nếu kiện về Biển Đông và sách lược của Hà Nội!

0:00 / 0:00

Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, hôm 12 tháng 6 năm 2020, trong bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’ cho rằng nếu Việt Nam khởi kiện, Việt Nam sẽ làm giống như Philippines. Nhưng ông đe dọa, nếu Việt Nam chọn khởi kiện Trung Quốc, đó sẽ là việc làm ‘không khôn ngoan’ và Việt Nam ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.

Ông Ngô Sĩ Tồn đưa ra lời đe dọa Việt Nam chỉ hai ngày sau khi một tàu Hải cảnh Trung Quốc hôm 10/6 đã đâm suýt chìm một tàu cá Việt Nam, trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Không những đâm nhiều lần, khiến tàu cá QNg 96416 của Việt Nam hư hỏng, lật nghiêng. Tàu Trung Quốc số hiệu 4006 còn đè ở phía sau buộc15 thuyền viên nhảy xuống biển thoát thân.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS ở Singapore, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 6 năm 2020 liên quan lời đe dọa của Trung Quốc, nhận định:

Nếu Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc mà dọa như thế, thì Việt Nam mới có ý kiến, chứ đây lại dùng một học giả, kể cả ông Tồn ấy có là Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, cho nên Việt Nam không chấp.<br/>-TS. Hà Hoàng Hợp

“Việc đảng cộng sản Trung Quốc dùng một học giả để dọa người Việt Nam, là việc không hay ho gì. Nếu Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc mà dọa như thế, thì Việt Nam mới có ý kiến, chứ đây lại dùng một học giả, kể cả ông Tồn ấy có là Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, cho nên Việt Nam không chấp.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, cho dù là phía chính phủ Trung Quốc có chính thức đưa ra lời đe dọa đối với Việt Nam, thì Bắc Kinh cũng không làm gì được Việt Nam, nếu Việt Nam kiện họ. Ông nói tiếp:

“Cái họ có thể làm là họ rút không đàm phán C.O.C. với ASEAN nữa, thì cũng chả sao. Thứ hai, cái hại nhất đối với Trung Quốc khi Việt Nam kiện họ ra tòa án quốc tế, và cái phán quyết khả năng lớn là thuận lợi cho Việt Nam, giống như trường hợp Philippines thì Trung Quốc sẽ bị dư luận quốc tế lên án, vì là một nước lớn mà không tuân thủ luật pháp quốc tế. Đấy là cái hại lớn nhất, chứ Trung Quốc mà có làm hại gì Việt Nam thì cũng chỉ là các trừng phạt kinh tế, và các sự làm mình làm mẩy về chính trị thì cũng chả đi đến đâu cả. Bởi vì hai nước đều rất kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền của mình.”

Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn, trong bài viết của mình nêu rõ, nếu Việt Nam liều lĩnh dám nộp đơn kiện ra tòa trọng tài, ông tin rằng Trung Quốc sẽ không ‘ngồi yên’. Theo ông, Trung Quốc có thể hành động cứng rắn hơn và trấn áp ngư dân Việt Nam mạnh hơn khi đánh bắt cá, mà Bắc Kinh cho là “bất hợp pháp” tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa.

Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa, nhưng trên thực tế Trung Quốc giành quyền kiểm soát hầu hết quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa kể từ đầu năm 1974. Chính quyền Việt Nam hiện nay không nắm giữ thực thể nào ở đó.

Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa.
Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa. (Nguồn: Ngư dân chụp)

Không chỉ đe dọa ngư dân Việt Nam, học giả Trung Quốc này còn cho rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách công bố đường cơ sở thể hiện lãnh hải của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa.

Cho đến ngày 16/6/2020, phía Việt Nam chưa đưa ra phản ứng gì trước lời đe dọa của Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn.

Trước tình hình thực tế hiện nay ở Biển Đông, liệu chính phủ Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông?

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 6 năm 2020 liên quan vấn đề này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nói:

“Muốn trả lời câu hỏi này phải xét qua nhiều giai đoạn, ví dụ như khi Việt Nam ngả hẳn về phía Liên Xô, thì Trung Quốc bắt đầu tỏ thái độ với Việt Nam, và cuối cùng là cuộc chiến tranh năm 1979 đã cắt đứt quan hệ Việt - Trung và đến 10 năm sau mới trở lại bình thường hóa quan hệ. Nhưng ngày càng có sự bất bình đẳng trong mối quan hệ này, Việt Nam đã lệ thuộc quá nhiều về kinh tế đối với Trung Quốc, ví dụ trong các ngành dệt may da giày thì 80% nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc. Chúng ta phải đặt vấn đề đó để hiểu về sự ức hiếp của Trung Quốc trong 10 năm qua, kể từ khi sự kiện Tam Sa 2007, thì Việt Nam có khởi kiện hay không?”

“Vấn đề kiện chủ quyền là một vấn đề rất khó, nếu Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu của Tòa quốc tế, là ra hầu tòa... Và khi kiện thì Việt Nam có chắc thắng hay không, khi Việt Nam luôn chứng tỏ mình có đầy đủ bằng chứng pháp lý, nhưng những bằng chứng pháp lý chính trị quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì chúng ta đã giải mã chưa? Tôi nghĩ, kiện về mặt chủ quyền không có khả năng xảy ra.”

Việt Nam luôn chứng tỏ mình có đầy đủ bằng chứng pháp lý, nhưng những bằng chứng pháp lý chính trị quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì chúng ta đã giải mã chưa? Tôi nghĩ, kiện về mặt chủ quyền không có khả năng xảy ra.<br/>-NNC Đinh Kim Phúc

Vì vậy theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, ở đây Việt Nam chỉ có thể là sẽ tranh thủ công ước quốc tế về luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, để yêu cầu các Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục 7, giải thích những vấn đề của luật biển và Việt Nam có trách nhiệm, có nghĩa vụ và có quyền lợi liên quan. Nhưng vấn đề này Philippines đã thực hiện, tòa đã phán quyết, và Trung Quốc thì vẫn làm ngơ. Ông nói tiếp:

“Do đó nếu Việt Nam muốn tìm một hình thức khác, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ bắt tay với một số nước ở Đông Nam Á mà có chung quyền lợi với Việt Nam trên biển Đông, để yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, trả lời các bộ hồ sơ của Việt Nam đã gởi cho Ủy ban này, về việc mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình ra 350 hải lý và một số vấn đề có tính kỹ thuật đối với luật biển...”

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng, cửa thắng của Việt Nam trong cách đi này, nhiều hơn là chính thức đưa một vụ kiện về tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế. Ông cho biết thêm:

“Cái thứ hai nữa, khi Việt Nam khởi động cùng một số nước Đông Nam Á, thì Việt Nam cũng tránh được tạo cho Trung Quốc một cái cớ có thể trả đũa về mặt kinh tế hay có thể nổ súng trên biển Đông và làm những cái trò có thể gây khó khăn cho Việt Nam. Vì hiện nay kinh tế Việt Nam đang thuộc về nghèo và đang vướng rất nhiều các vấn đề trong quốc tế và nội trị, thì tôi nghĩ rằng một vụ kiện chính thức sẽ không có lợi cho Việt Nam.”

Trong các năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần gây hấn, đâm chìm hoặc bắt giữ, phạt tiền các tàu các Việt Nam ở Biển Đông.

Đặc biệt, trong hơn năm tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành động khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng. Mới nhất nhất là vụ đâm tàu cá Việt Nam hôm 10/6/2020.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc vào ngày 5/3/2020 còn đồng loạt đăng Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa gần đảo Hải Nam, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.

Vào ngày 18/04/2020, Trung Quốc thông báo thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.